‘3 tại chỗ’ kém hiệu quả, nguồn cung gián đoạn, đơn hàng dịch chuyển…doanh nghiệp xuất khẩu gánh ‘nghìn cân khó’

‘3 tại chỗ’ kém hiệu quả, nguồn cung gián đoạn, đơn hàng dịch chuyển…doanh nghiệp xuất khẩu gánh ‘nghìn cân khó’

Đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 4 đã gây nên những tổn thất nặng nề cho các doanh nghiệp, từ đó khiến hoạt động xuất khẩu không thể duy trì đà tăng trưởng của những tháng trước dịch. Thực tế khó khăn hiện nay liệu có tiếp diễn trong thời gian tới?

Những phát nổ đầu tiên của quả bom nhập siêu

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết sau nhiều năm liên tục xuất siêu, từ tháng 4/2021 nhập siêu đã quay trở lại với mức thâm hụt khoảng 1,3 tỷ USD rồi tiếp tục hụt thêm 2,1 tỷ USD vào tháng 5.

Đến tháng 6, mức nhập siêu được rút ngắn còn khoảng 500 triệu USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là tại TP HCM – đầu tàu kinh tế của cả nước và nhiều tỉnh thành khác tại khu vực phía Nam, Việt Nam lại gia tăng mức nhập siêu trong tháng 7, tháng 8 với con số khoảng 1,3 tỷ USD.

Trong đó, số liệu gần nhất ước tính tháng 8 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng 7 và giảm 3,7% so với tháng 6.

Còn so với tháng 8/2020, con số này ước giảm 5,5%. Đây cũng là lần đầu tiên trong năm 2021 kim ngạch xuất khẩu Việt Nam bị giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 1,3 tỷ USD và là tháng thứ 5 liên tiếp Việt Nam ghi nhận tình thế nhập siêu.

Bức tranh xuất khẩu xám màu vì COVID-19, viễn cảnh cuối năm có đổi màu? - Ảnh 1.

(Nguồn: Tổng cục Thống kê. Tổng hợp: Như Huỳnh)

Chia sẻ với người viết, ông Huỳnh Thanh Điền, Chuyên gia kinh tế, cho biết tình trạng nhập siêu trong các tháng qua chủ yếu là do các doanh nghiệp FDI chuyển dịch đơn hàng sang các nước khác để sản xuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy trong các tháng cán cân thương mại hàng hóa chuyển sang thế nhập siêu, giá trị xuất khẩu của khu vực FDI đã chững lại từ mức 19,7 tỷ USD trong tháng 5, giảm còn 18,8 tỷ USD trong tháng 6.

Đến tháng 7, dù con số xuất khẩu tăng lên ở mức 20,07 tỷ USD nhưng bước sang tháng 8 đã giảm nhẹ còn 20,05 tỷ USD. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, khu vực FDI chiếm tới 74% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam

Điều này có nghĩa xuất siêu đang phụ thuộc lớn vào khu vực FDI và chỉ cần khu vực này chững lại, nền kinh tế sẽ ngay lập tức chuyển sang tình trạng nhập siêu.

Thực tế, tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP HCM và doanh nghiệp FDI trên địa bàn TP hồi cuối tháng 8, báo Thanh Niên dẫn lời ông Lê Hữu Bình, đại diện Công ty Jabil Việt Nam, cho biết trong một tháng qua, từ khi chuyển đổi phương án sản xuất và giảm công suất đến 70% vì dịch COVID-19, công ty không thể giao hàng đúng tiến độ nên rất nhiều đơn hàng của công ty bị đối tác hủy, chuyển sang các nhà máy ở Trung Quốc, Mexico, Ấn Độ…

Jabil là doanh nghiệp thuộc tập đoàn đa quốc gia Mỹ, chuyên lĩnh vực công nghiệp điện tử, kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD mỗi năm nhưng hiện nay “số đơn hàng bị mất có giá trị khoảng 200 triệu USD. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, sẽ dẫn đến rủi ro là công ty phải thu hẹp quy mô hoạt động tại Việt Nam”, ông Bình thông tin.

Bên cạnh lý do xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chững lại thì theo chuyên gia Huỳnh Thanh Điền mức nhập siêu gia tăng còn xuất phát một phần từ phía các doanh nghiệp Việt Nam.

Bởi mặc dù tình hình chung phải đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất nhưng các doanh nghiệp có tâm lý trông chờ thời điểm mở cửa trở lại nên vẫn triển khai các kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu đã ký kết để đảm bảo không thiếu nguyên liệu khi Chính phủ cho phép tái khởi động sản xuất.

Cụ thể, theo số liệu thống kê cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 8 tháng năm 2021 tăng chủ yếu là do nhóm hàng tư liệu sản xuất tăng mạnh với mức tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 27,2%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu tăng 41,6%.

Doanh nghiệp xuất khẩu kêu trời vì ‘3 tại chỗ’ lộ nhiều bất cập

Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền, một trong những nguyên nhân khiến hoạt động xuất khẩu của loạt doanh nghiệp thuộc ngành hàng mũi nhọn như lúa gạo, dệt may, da giày, gỗ…chuyển màu “u ám” chính là việc áp dụng các biện pháp chống dịch như “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” kém hiệu quả.

Ông Điền phân tích mặc dù nhiều doanh nghiệp vẫn bố trí được phương án này nhưng công suất cao nhất cũng chỉ đạt 50 – 70%.

“Với các ngành hàng nông sản, yếu tố đầu vào và đầu ra cũng bị trở ngại do các địa phương thực hiện giãn cách rất tiêu cực.

Chẳng hạn việc lập chốt kiểm soát dày đặc ở từng phường, từng xã với nhiều quy định khác nhau khiến cho nông dân không thể ra đồng gặt lúa, thương lái cũng không đến thu mua được. Từ đó, hàng hóa sản xuất không thể vận chuyển đến nơi tiêu thụ, khiến các mặt hàng nông sản thế mạnh của xuất khẩu bị sụt giảm”, ông Điền chia sẻ.

Số liệu của Bộ Công Thương đã chứng minh kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản trong tháng 8 giảm đến 19,2% so với tháng 7 và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong nhóm hàng này, gạo là mặt hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất khi giảm tới 14,8% về lượng và giảm 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế đã được nhiều doanh nghiệp phản ánh các bất cập trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc điều hành công ty TNHH nông nghiệp hữu cơ Việt Suisse, cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là khâu vận chuyển từ ghe đến xe đều phải tuân theo Chỉ thị 16 và thủ tục lưu thông, điều này mất rất nhiều thời gian và gặp nhiều vướng mắc.

“Nhà máy của công ty ở Trà Vinh, để vận chuyển hàng lên TP HCM phải qua các chốt kiểm dịch của tỉnh như Bến Tre, Long An…nhưng mỗi địa phương khi áp dụng quy định lại hiểu và thực hiện theo mỗi cách khác nhau nên dù doanh nghiệp đã chuẩn bị các loại giấy tờ cho tài xế vẫn chưa hẳn lưu thông được tất cả chốt”, ông Hùng cho hay.

Không những vậy, sự gián đoạn chuỗi cung ứng do việc giãn cách xã hội và giá cước container tăng phi mã trong các tháng qua cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến sự lưu thông hàng hóa sản xuất của các doanh nghiệp.

Chia sẻ tại diễn đàn “Kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện giãn cách phòng, chống COVID-19” hồi cuối tháng 7, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, thời điểm trước khi dịch bùng phát trở lại (đầu tháng 4/2021), giá cước vận chuyển container đi Mỹ là 1.800 USD/container (40 feet) nhưng nay giá lên tới 9.600 USD/container.

Thậm chí, giá đi bờ Đông (Mỹ) nay tăng lên 17.000 USD/container dù trước dịch chỉ ở mức 2.600 USD/container.

Không riêng các chặng đi Mỹ, giá cước container Việt Nam đi EU cũng đang trong tình trạng tăng phi mã. So với thời điểm tháng 4, cước container đến một số cảng biển tại Nga đã tăng thêm 6.000 USD/container.

Trong khi giá cước tàu tăng vẫn không có dấu hiệu dừng thì hoạt động ở các bến cảng như Yantian (Trung Quốc) hay Cát Lái bị gián đoạn đã tạo thêm thế khó càng thêm khó cho xuất khẩu.

“Yantian là cửa ngõ bận rộn thứ ba trên thế giới nhưng do đại dịch COVID-19 bùng phát đã đóng cửa tạm thời khiến cho lịch trình các tàu hàng bị thay đổi dẫn đến chi phí logistics tăng cao, có thời điểm đến 600% nên hoạt động xuất khẩu cũng không thể diễn ra bình thường”, chuyên gia Thanh Điền cho hay.

Còn tại Việt Nam, hồi cuối tháng 7, sau ba tuần thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, lượng container xuất nhập tàu, conatiner giao nhận bãi, số lượt xe ra, vào cảng giao nhận container liên tục giảm so với cùng kỳ khi chưa giãn cách, kéo theo dung lượng tồn bãi cảng Tân cảng Cát Lái tăng cao, dẫn đến dung lượng tồn bãi Cát Lái luôn chạm mức hết công suất.

Những điều này là thực tế bế tắc của tất cả doanh nghiệp, không riêng một ngành hàng nào có thể sống tốt trong giai đoạn muôn vàn khó khăn hiện nay.

Đơn cử như với ngành gỗ, dù hoạt động xuất khẩu 7 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực hơn 54% nhưng bước sang tháng 8 cũng không thoát cảnh lo sợ “con sóng” dịch COVID-19.

Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc Công Ty Thương Mại Cổ Phần Phát Triển Sản Xuất Thương Mại Sài Gòn (SADACO), cho biết doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn từ nỗi lo nguồn nguyên liệu sản xuất vì chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy và kế hoạch đáp ứng đơn hàng phải hoàn thành.

Theo Tổng Giám đốc SADACO việc doanh nghiệp hoạt động chậm lại để chống đỡ dịch bệnh sẽ xảy ra nhiều vấn đề nguy hại, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ vì việc đáp ứng các đơn hàng là liên tục, doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với các quy định khắt khe thì phải đảm bảo được tiến độ mắc xích của mình.

“Nếu tình hình kéo dài doanh nghiệp sẽ không đủ sức chống chịu. Nhiều doanh nghiệp đang trong trạng thái “ngủ đông”, ngừng hoạt động và chỉ một thời gian ngắn sẽ dẫn đến hậu quả giải thể, phá sản”, ông Mạnh chia sẻ.

Bức tranh xuất khẩu xám màu vì COVID-19, viễn cảnh cuối năm có đổi màu? - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành hàng như gỗ, dệt may, da giày…đều gặp nhiều khó khăn vì COVID-19. (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)

Từ những khó khăn trong khâu sản xuất, đến vận chuyển đã “đẩy” đối tác dần chuyển đơn hàng sang nước khác khi thấy tình hình chống dịch tại Việt Nam vẫn căng thẳng. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho hoạt động xuất khẩu sụt giảm.

Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, cho hay dịch bệnh phức tạp đã khiến cho các đơn hàng bị đứt quãng và gây nhiều tổn thất cho doanh nghiệp.

“Các đơn hàng giao trong tháng 9, tháng 10 của công ty đã bị đối tác cắt và chuyển sang các nước khác như Trung Quốc. Khách hàng cũng cảnh báo nếu tháng 9 không phục hồi sản xuất thì đơn hàng tháng 11, 12 cũng sẽ cắt vì họ không thể chờ đợi lâu được”, đại diện Tập đoàn Gia định chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Chí Trung thiệt hại của doanh nghiệp trước mắt là rất lớn vì nguyên vật liệu công ty đã nhập về mà không thể sản xuất. Thứ hai, với đối tác đã cắt đơn hàng, khi dịch bệnh qua đi việc đơn hàng quay trở lại Việt Nam là rất khó, công ty sẽ mất một thời gian dài để khôi phục.

Nhanh chóng phủ vắc xin cho người lao động để cứu vãn xuất khẩu cuối năm

Theo Bộ Công Thương hiện nay, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng phục hồi trở lại, trong đó việc Mỹ và EU tái mở cửa nền kinh tế nhờ tiến trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19 được triển khai rộng rãi đang tác động tích cực tới nhu cầu hàng hóa của các thị trường này.

Tuy nhiên, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 trong nước, đặc biệt là tại TP HCM và các tỉnh thành phía Nam sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu trong thời gian tới.

Đánh giá về chặng đường cuối năm, các chuyên gia cũng cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn.

Trong đó không thể không nhắc đến thực trạng thiếu vỏ container vẫn đang tiếp diễn. Hơn nữa, giá cước vận tải đường biển tăng phi mã, liên tục khiến doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, nhiều ngành hàng Việt đang phải đối diện nỗi lo đánh mất thị trường xuất khẩu trọng điểm hoặc mất phần lớn thị phần vì lý do dịch bệnh.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng hiện nay cả Chỉnh phủ và các địa phương đều chưa thể khẳng định thời điểm nào có thể mở cửa trở lại, do đó khách hàng cũng không còn niềm tin dẫn đến chuyển dịch đơn hàng.

Nhưng với trung và dài hạn, đối tác sẽ không còn duy trì các đơn hàng cho thời gian sau dịch. Do đó, nếu doanh nghiệp lại phải tìm kiếm thị trường và khách hàng rõ ràng là thách thức lớn cho những tháng cuối năm và kể cả quý I, quý II năm sau.

Do đó, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền nhận định: “Hiện giờ nếu chiến lược chống dịch không thể hoàn thành thì cần chuyển sang trạng thái sống chung với dịch để mở cửa nền kinh tế. Theo đó, điều kiện để làm được điều này là cần nhanh chóng phủ vắc xin cho người lao động”.

Đây cũng là quan điểm của Bộ Công Thương khi dự báo về tình hình tăng trưởng sản xuất và xuất nhập khẩu thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn quốc.

Nhờ đó, cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới do chu kỳ nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm.

Bộ Công thương dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm nay có thể đạt khoảng 308 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2020. Về nhập khẩu, căn cứ tiến độ nhập khẩu trong những tháng đầu năm, khả năng kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 306 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2020.

Cán cân thương mại xuất siêu ở mức khoảng 2 tỷ USD. Như vậy, xuất nhập khẩu sẽ tiến thêm một mốc mới với việc cán mốc 600 tỷ USD trong năm nay

Tuy nhiên, ông Điền cho rằng dù đơn hàng tấp nập vào cuối năm, sức mua có thể tăng vào mùa cao điểm nhưng nếu khả năng sản xuất của doanh nghiệp không thể phục hồi khi dịch bệnh vẫn phức tạp thì hàng hóa cũng không cách nào xuất khẩu mạnh như kỳ vọng.

Phân tích rõ hơn chuyên gia này cho biết hiện nay các địa phương đang ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động nhưng do tình hình dịch vẫn phức tạp nên khi mở cửa lại doanh nghiệp cũng phải thực hiện nghiêm túc biện pháp 5K và quy định giãn cách. Do đó, doanh nghiệp sẽ không thể huy động được 100% công suất, điều này đồng nghĩa với việc hoạt động xuất khẩu cũng không thể tăng trưởng như dự tính.

“Trong 4 tháng cuối năm, dù chúng ta có mở cửa lại bằng một chính sách hợp lý như người lao động phải được tiêm đẩy đủ vắc xin, xét nghiệm định kỳ, thực hiện giãn cách, triển khai làm online với nhiều vị trí lao động gián tiếp…nhưng số doanh nghiệp có thể thực hiện chính sách này sẽ không nhiều, dẫn đến hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm có thể tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nền kinh tế phải được khởi động lại từng bước để người lao động có việc làm và doanh nghiệp trở lại hoạt động, dù không thể mong chờ kết quả tăng trưởng sáng sủa như dự báo đầu năm”, ông Huỳnh Thanh Điền nhận định.

Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *