Bảo tồn phát triển di sản đô thị sinh thái, trường hợp từ đô thị Đà Lạt

Bảo tồn phát triển di sản đô thị sinh thái, trường hợp từ đô thị Đà Lạt

Thành phố Đà Lạt mang trong mình những đặc trưng riêng về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan rừng, di sản kiến trúc Pháp độc đáo, thành phố giàu tính nhân văn, thành phố du lịch và giã ngoại. Do vậy, với Đà Lạt, vấn đề đặt ra là phải giữ gìn nguyên tắc “bảo tồn để phát triển”. Muốn vậy, Đà Lạt phải tìm ra “một ngưỡng/một giới hạn” cần bảo tồn để giữ lấy nét đẹp của Đà Lạt xưa. Nếu không, Đà Lạt sẽ không còn là Đà Lạt.

BẢO TỒN DI SẢN ĐỂ GIỮ GÌN BẢN SẮC ĐÔ THỊ

Bản sắc đô thị ở đây có thể hiểu là bản sắc văn hóa đô thị. Các yếu tố tạo nên văn hóa và nền văn minh đô thị luôn nhấn mạnh đến yếu tố lịch sử vùng miền, nơi chốn (place). Đây là những giá trị vật chất và tinh thần mà một cộng đồng dân cư trên một địa bàn nhất định sáng tạo ra trong suốt một quá trình lịch sử. Địa bàn là không gian, lịch sử là thời gian. Không gian và thời gian không thể tách rời nhau. Từ một không gian sẵn có trong thiên nhiên, con người đã chuyển qua một không gian xây dựng trong một thời kỳ lịch sử nhất định. Những giá trị văn hóa do con người sáng tạo nên có sự khác nhau giữa các vùng miền và cũng có những diễn biến khác nhau qua các giai đoạn lịch sử. Và chính những giá trị văn hóa đã tạo nên bản sắc của đô thị, bởi đô thị chính là sự tổng hợp của nhiều các yếu tố trong nền văn hóa.

Trong cảnh quan đô thị, ta thấy các yếu tố của thiên nhiên: đồi núi, sông rạch, hồ ao, bãi biển v.v.. và những yếu tố nhân tạo: nhà cửa, đường xá, các vật thể kiến trúc trên mặt đất và cả dưới lòng đất, trong đó cả các di sản lịch sử, văn hóa. Qua sắc thái của mỗi yếu tố này cũng như cách thức liên kết giữa chúng với nhau mà mỗi đô thị có sắc thái riêng – đó chính là bản sắc đô thị. Bản sắc là sản phẩm tử giải pháp mang tính hệ thống cho vấn đề, hệ thống hiện có phải được duy trì và hệ thống mới phải được hình thành.

Theo GS. Lim Hng Kiang “Một trong những trạng thái không được thích thú của đô thị hóa nhanh là các thành phố trông rất giống nhau. Nhiều môi trường đô thị về mặt chức năng chỉ là một mớ bê tông hỗn độn khó chấp nhận với không gian công cộng không hấp dẫn. Một số thành phố đã ngăn chặn tình trạng này bằng cách nâng cao sự cảm nhận về bản sắc đô thị thông qua bảo tồn văn hóa, công trình di sản, các không gian mở và môi trường..” (Singapore năm 1999).

Về giải pháp quy hoạch, theo GS. William S.W. Lim: “Không gian hậu hiện đại có tính đa phương và có thể gồm nhiều loại, từ không gian trí tuệ, không gian tinh thần, không gian nghệ thuật và không gian văn hóa đến không gian tự nhiên và không gian thực sự”. Do vậy trước tiên cần bảo tồn di sản không gian tự nhiên đặc trưng của đô thị hướng tới hình thành đô thị sinh thái, đô thị xanh để làm phong phú hơn không gian tự nhiên đặc trưng của đô thị đồng thời cũng thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Bảo tồn di sản các đặc điểm quen thuộc và những dấu mốc cho ta những ý nghĩa về sự liên tục trong khi phải đối diện với sự thay đổi nhanh chóng, đó là giữ gìn bản sắc đô thị. Di sản được định nghĩa là trạng thái hữu hình, vô hình của thiên nhiên và văn hoá từ thời tiền sử tới ngày nay. Nó bao gồm các yếu tố về môi trường thiên nhiên, văn hóa truyền thống cũng như các công trình và kiến trúc lịch sử. Di sản thiên nhiên bao gồm các đặc trưng địa lý độc nhất cũng như sinh thái quan trọng. Di sản kiến trúc bao gồm các công trình lịch sử hoặc các kiến trúc có ý nghĩa cũng như các công trình tượng đài, cầu và tường rào. Một trong những thách thức quan trọng nhất hiện nay là quy hoạch đô thị hiện đại để chỉnh trang, phát triển các đô thị ở nước ta, sao cho có thể làm tăng chỉ số hạnh phúc của cư dân đô thị trong ký ức về không gian tự nhiên, không gian văn hóa lịch sử, không gian văn hóa nghệ thuật kiến trúc và cả sự công bằng về không gian.

Về giải pháp kiến trúc, trong phát triển đô thị hiện đại, các cấu trúc giao thông, xã hội và dịch vụ của khu vực dân sinh đô thị nhiều khi quan trọng hơn các vấn đề kiến trúc vật lý cụ thể. Tuy nhiên có một khía cạnh mang đặc tính kiến trúc thuần túy lại vô cùng quan trọng, đó là bản sắc đô thị có từ di sản kiến trúc cần được bảo tồn, ở Hà Nội như phố cổ, phố Pháp, Hoàng thành Thăng Long… ; Ở TPHCM là các di sản từ thời Pháp ở Sài Gòn để giữ gìn hình ảnh “Hòn ngọc Viễn Đông”, chợ và phố người Hoa , các đền miếu thờ phụng ở Chợ Lớn, còn ở Đà Lại là di sản kiến trúc biệt thự Pháp.


Bảo tồn các công trình nhà ở biệt thự với kiến trúc đặc trưng tại TP Đà Lạt

XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU ĐÔ THỊ TỪ BẢO TỒN DI SẢN ĐÔ THỊ, TRƯỜNG HỢP TỪ TP ĐÀ LẠT

So với các đô thị lớn đặc biệt khác như Hà Nội, TPHCM, Đà Lạt là đô thị loại nhỏ có hệ thống các giá trị di sản đô thị đặc trưng riêng bao gồm nhiều yếu tố vật thể và phi vật thể như: (1) Khí hậu , (2) Cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan rừng, (3) Di sản kiến trúc Pháp độc đáo, (4) Giàu tính nhân văn, (5) Du lịch dã ngoại phong phú.

– Đà Lạt là thành phố cao nguyên, thành phố mù sương, thiên đường du lịch và nghỉ dưỡng, nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 25oC, có đặc điểm khí hậu giống với miền Trung nước Pháp, có thể nói Đà Lạt là thành phố ôn đới trong vùng nhiệt đới.

– Giá trị cảnh quan thiên nhiên của Đà Lạt cao hơn các thành phố khác. Các đỉnh đồi, các triền đồi, các thung lũng, các hồ nước, các rừng thông, thảm xanh, cây xanh phố thị, các trang trại rau và hoa, những con đường ngoằn nghèo lúc ẩn, lúc hiện trong sương là các yếu tố cảnh quan đặc trưng của Đà Lạt. Với một không gian thoáng rộng, nhìn thấy cảnh quan xanh tự nhiên giữa lòng thành phố, đan xen giữa các lớp kiến trúc công trình được xây dựng nhấp nhô theo tầng bậc của địa hình đồi núi. Đà Lạt còn được gọi là thành phố ngàn hoa, xứ hoa anh đào, thành phô Festival hoa, thành phố mộng mơ, thành phố buồn, thành phố của hồ thác, thành phố phong cảnh , thành phố ngàn thông, thành phố trong rừng – rừng trong thành phố, “thành phố sinh thái rừng” v.v. . Cảnh quan Đà Lạt đẹp như tranh vẽ, có người còn gọi Đà Lạt là Thụy Sỹ của châu Á.

– Về công trình kiến trúc, có khoảng 4.000 biệt thự cổ kiểu Pháp và số lớn các công trình giáo dục, thương mại tráng lệ, chưa kể nhiều căn nhà kiểu vùng Alpes của Thụy Sỹ, đã tạo cho kiến trúc Đà Lạt ảnh hưởng đặc biệt khác. Có thể nói kiến trúc Đà Lạt là di sản kiến trúc có giá trị không giống bất kỳ nơi nào trên thế giới, là một bộ sưu tập ngoạn mục các công trình cổ điển theo kiểu Pháp có thẩm mỹ hoàn hảo và sự sáng tạo táo bạo, do vậy Đà Lạt đã trở thành “thành phố di sản”. Người ta còn gọi Đà Lạt là tiểu Paris.

– Thiên nhiên Đà Lạt hầu như vẫn giữ được nhiều nét nguyên sơ, con người Đà Lạt tuy đã tiếp xúc với tiện nghi vật chất mới, nhưng ảnh hưởng của cảnh quan môi trường đã tạo cho họ một tính cách hiền hòa đôn hậu của người sống gắn bó với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, vừa có nét hiện đại hài hòa với cốt cách dân tộc một cách đậm đà, hướng đến “đô thị nhân văn”.

– TP Đà Lạt chia làm 4 khu đô thị gồm: khu đô thị trung tâm lịch sử, khu đô thị nông nghiệp sạch ở phía Bắc và 2 khu đô thị phát triển về phía Đông và Tây, đồng thời hình thành mô hình“làng đô thị xanh”, nhằm kết nối khu vực ven đô với các vùng nông thôn giáp cận, góp phần giảm tải cho khu vực trung tâm và hình thành các khu đô thị cửa ngõ, gắn mô hình “kiến trúc đô thị vườn” với phương thức sản xuất nông nghiệp sặch – công nghệ cao, phát triển loại hình “du lịch canh nông” và “du lịch dã ngoại” tại các đô thị của vùng phụ cận.

Trong đề án Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (hợp tác với Pháp) năm 2012 , diện tích tự nhiên 3.306km2, độ cao từ 850 – 1.500m, xác định rõ ngoài vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt còn là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc gia và quốc tế, Thành phố còn có thêm vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cấp quốc gia, trung tâm nông nghiệp giao thương và công nghệ cao. Không gian kiến trúc cảnh quan Đà Lạt dựa trên cơ sở phát huy đặc trưng địa hình địa mạo, sinh cảnh rừng đặc trưng, rừng thông tự nhiên, mặt nước suối hồ và bảo tồn kiến trúc cổ Đà Lạt. Nếu nhìn tổng thể Đà Lạt như một công viên khổng lồ với rừng thông bao phủ.

Theo định hướng phát triển, Đà Lạt sẽ trở thành “thành phố du lịch hấp dẫn”, điều này chỉ đạt được nhờ vào việc bảo tồn phát triển thương hiệu “thành phố sinh thái rừng” và “thành phố di sản”. Để kinh tế du lịch làm động lực phát triển đô thị thì TP Đà Lạt phải hướng tới xây dựng một “thành phố du lịch” ngang tầm với thành phố du lịch nổi tiếng trong khu vực châu Á và châu Âu. Có thể nói mục tiêu tầm nhìn cho thành phố Đà Lạt là có thương hiệu riêng là “ thành phố di sản-kiểu Pháp” kết hợp với “ thành phố sinh thái rừng ” với không gian cảnh quan đô thị thoáng đãng, tích hợp được các yếu tố: rừng thông, mặt nước, cây xanh, công viên mở, tầm nhìn trong lòng đô thị. Do vậy mục tiêu chiến lược của “Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 tầm nhìn 2050” là thành phố Đà Lạt cần hướng tới bảo tồn “thành phố sinh thái rừng” kết hợp với “ thành phố di sản kiến trúc Pháp độc đáo” để Đà Lạt là “thành phố du lịch quốc tế hấp dẫn” .

Cần tập trung thực hiện các mục tiêu đã được xác lập trong các quy hoạch bảo tồn về Mô hình phát triển và cấu trúc đô thị đảm bảo phù hợp với quan điểm mục tiêu phát triển nhất là đặc thù sinh thái tự nhiên, không gian kiến trúc cảnh quan du lịch. Về định hướng không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị sẽ hạn chế mở rộng khu vực nội thành hiện hữu để bảo tồn kiến trúc biệt thự Pháp, phát triển các khu “đô thị vệ tinh” gắn với các khu vực động lực phát triển kinh tế như: làng đại học, khu du lịch, khu công nghệ cao, khu thể dục thể thao, sân bay, tại các khu vực ngoại thành và các huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà v.v.. đồng thời hạn chế các khu dân cư dọc theo các tuyến đường giao thông hướng vào trung tâm thành phố.

Bảo tồn di sản là để gìn giữ bản sắc đô thị, để thành phố Đà Lạt hấp dẫn hơn cần bảo tồn di sản đô thị bao gồm cả di sản thiên nhiên và lịch sử trong quá trình phát triển. Một đô thị giống như một cơ thể sống. Nó luôn thay đổi từng ngày, từng giờ để thích ứng với sự phát triển của xã hội. Đà Lạt cũng vậy không chỉ ôm khư khư lấy quá khứ mà còn phải có nhu cầu phát triển hiện đại hóa, nâng cấp cả về quy mô và chất lượng đô thị. Tuy nhiên một đô thị hiện đại văn minh đẳng cấp thì phải thể hiện được cách ứng xử tôn trọng với di sản thiên nhiên và lịch sử. Trong quá trình phát triển, Đà Lạt phải đặc biệt quan tâm đến bảo tồn kiến trúc và cảnh quan đô thị để phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng.

Bên cạnh, nhiều dự án xây dựng mới hiện đại đã và đang được xây dựng, nhằm tạo cho Đà Lạt một bộ mặt mới văn minh, hiện đại đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của thành phố trong thời kỷ hội nhập kinh tế quốc tế, thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, thời gian qua, một số biệt thự được giao cho các nhà đầu tư khai thác nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều biệt thự xuống cấp, kinh phí để cải tạo bảo tồn còn hạn chế, đã làm giá trị kiến trúc giảm dần theo thời gian. Bên cạnh đó, việc hình thành các công trình có kiến trúc mới, mật độ xây dựng gia tăng, cây xanh giảm, xây dựng các công trình xen kẽ trong khu biệt thự… đã làm cho cảnh quan thơ mộng hài hòa trước đây bị thay đổi.

Vấn để là phải giữ vững nguyên tắc “bảo tồn để phát triển”, nhưng vấn đề cần là tìm ra “một ngưỡng/một giới hạn cần bảo tồn” để giữ lấy nét đẹp của Đà Lạt xưa. Nếu không thì Đà Lạt sẽ mất đi bản sắc riêng của mình, không còn là Đà Lạt như ta hằng biết, hằng say đắm. Đà Lạt sẽ không còn là Đà Lạt nữa.

Quỹ cảnh quan kiến trúc của Đà Lạt tuy không nhiều, nhưng có rừng, là độc đáo duy nhất và có giá trị, tuy nhiên các giá trị này chưa được phục dựng đầy đủ. Sau năm 1975, Đà Lạt ngoài chức năng du lịch và nghỉ dưỡng còn được xác định là Thành phố – Tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng, đó là thách thức khắc nghiệt với thành phố Đà Lạt. Trong những thập kỷ qua, quỹ tài sản vật chất (hạ tầng kỹ thuật…) và kiến trúc đã được nâng cấp và tăng lên gấp bội. Tuy nhiên Đà Lạt hiện nay đang có nhiều thể loại kiến trúc du nhập. Những kiến trúc này không làm nên đặc trưng mới cho đô thị Đà Lạt. Ngoài ra nhà chia lô, tỷ lệ bê tông hóa cao v.v.. đang làm giảm đi giá trị kiến trúc cảnh quan Đà Lạt .

Hiện nay các kiến trúc xây dựng mới hiện đại đang có xu hướng lấn át các công trình cũ của Đà Lạt. Đã đến lúc phải xem đô thị di sản – cảnh quan Đà Lạt như một cơ thể sống với sức chịu tải có hạn. Nếu bài toán giới hạn được đặt ra thật khoa học và hợp lý thì việc ứng xử với các nhà cao tầng đô thị mới được giải quyết thấu đáo. Do vậy nên hạn chế chiều cao dưới 5 tầng, mật độ không quá cao, để bảo tồn cảnh quan đô thị. Theo KTS Thierry Huau thì cũng cần hình thành trục di sản tại Đà Lạt hiện hữu và tương lai để giữ được cho Đà Lạt những gì còn lại (trục di sản gồm đường Hoàng Văn Thụ, Trần Phú, Trần Hưng Đạo và Hùng Vương).

Kiến trúc cao tầng – điểm nhấn là cần thiết trong không gian cảnh quan Đà Lạt song cũng cần được xem xét cẩn trọng thông qua thiết kế đô thị, với mục đích là tạo thêm giá trị cho đô thị, chứ không làm mất đi giá trị di sản và cảnh quan./.

Nguyễn Đăng Sơn

Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển hạ tầng

Theo kientrucvietnam.org.vn

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *