Bộ Công Thương vận hành hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại

Bộ Công Thương vận hành hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại

Bộ Công Thương vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”.
Công ty TNHH Siam Steel Việt Nam thuộc Tập đoàn Siam Steel (Thái Lan) tại Khu công nghiệp Phúc Điền (Hải Dương), chuyên sản xuất thép tấm với công suất 135.000 m2/năm. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 2074/QĐ-BCT ngày 5/8/2020 ban hành Chương trình hành động thực hiện Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”.

Theo đó, các đơn vị chức năng của Bộ được yêu cầu tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp nhằm triển khai nhiệm vụ trong Quyết định đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả với trọng tâm chỉ đạo điều hành.

Cụ thể, các đơn vị thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng vệ thương mại giúp nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Bên cạnh đó, xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước, giải quyết tranh chấp tại WTO; chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững; đảm bảo mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp tăng cường phối hợp nắm bắt tình hình, thường xuyên cập nhật các điều chỉnh trong chính sách thương mại của các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam…

Ngoài ra, Bộ Công Thương yêu cầu đẩy mạnh đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chính sách và thực tiễn các vụ kiện phòng vệ thương mại của Việt Nam và các nước cho cán bộ cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ luật sư để nâng cao năng lực, trình độ pháp luật quốc tế.

Đặc biệt, Bộ Công Thương thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng vệ thương mại theo hướng bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu.

Bộ tăng cường theo dõi tình hình tuân thủ các quy định quốc tế, quy định trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương của các doanh nghiệp trong nước hoạt động trên các lĩnh vực đã và đang có nguy cơ bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật trong nước và quốc tế có liên quan đến phòng vệ thương mại.

Trên cơ sở các yêu cầu được đề ra, Bộ Công Thương giao Cục Phòng vệ thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Cục Hóa chất, Cục Công nghiệp, Báo Công Thương triển khai các nhiệm vụ, nội dung thuộc lĩnh vực được giao, bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ, thời hạn yêu cầu theo Quyết định số 2074.

Tại Quyết định số 2074/QĐ-BCT, Bộ Công Thương giao Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị bố trí kinh phí triển khai Chương trình hành động theo quy định hiện hành./.

Nguồn: Bnews

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *