Cần cơ chế quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử

Cần cơ chế quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử

(HQ Online) – Thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong giai đoạn phát triển công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) của các nước trên thế giới, Việt Nam cũng nằm trong xu thế này. Song hiện nay trong công tác quản lý vẫn chưa có quy định thủ tục hải quan riêng đối với hàng hóa XNK thông qua thương mại điện tử.

can co che quan ly hang hoa xuat nhap khau qua thuong mai dien tu

Dự thảo Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK đang được Tổng cục Hải quan nghiên cứu để đề xuất giải pháp quản lý, xây dựng khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK.

Tại hội nghị mới đây do Cục Hải quan Hà Nội tổ chức, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Song Bình phản ánh về vấn đề hiện nay chưa có quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa của các cá nhân NK thông qua giao dịch thương mại điện tử gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, do đó, việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa NK qua hình thức này được thực hiện như thủ tục hải quan đối với hàng hóa thông thường. DN đề nghị Tổng cục Hải quan sớm ban hành quy định riêng về thủ tục hải quan đối với hàng hóa XK, NK thông qua thương mại điện tử.

Vấn đề vướng mắc của DN cũng là thực tế chung, cấp bách trong thời điểm hiện nay, vì vậy, tại Quyết định 1254/QĐ-TTg của Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020 đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng “Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK”, với mục tiêu tìm được những giải pháp tốt nhất trong việc quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK.

Trong quản lý thương mại điện tử qua biên giới, những vấn đề mà cơ quan quản lý phải đối mặt cũng đã được Tổng cục Hải quan phân tích cụ thể đối với từng cơ quan có liên quan. Với cơ quan Hải quan, số lượng các lô hàng nhỏ, trị giá thấp tăng nhanh do vậy cần nguồn lực phù hợp để đảm bảo thời gian xử lý nhưng vẫn phải đảm bảo tốc độ thông quan nhanh của hàng hóa; thiếu thông tin, khai báo không chính xác, không có hồ sơ tuân thủ của người mua do người mua là các đối tượng không thường xuyên; khó khăn trong kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm, gian lận thương mại….

Với các cơ quan quản lý hoạt động thương mại điện tử, số lượng các sàn giao dịch, trang bán hàng điện tử tăng với tốc độ cao nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn nếu không có các biện pháp quản lý cải tiến; kiểm soát việc hàng hóa xâm phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái cũng là vấn đề khó khăn.

Với cơ quan quản lý chuyên ngành, hàng hóa của mỗi lô hàng có số lượng nhỏ vì vậy cơ quan kiểm tra chuyên ngành không đủ nguồn lực thực hiện việc kiểm tra; người mua hàng là người không có kiến thức sâu về hàng hóa cũng như kiến thức về kiểm tra chuyên ngành nên gặp nhiều khó khăn trong việc xin các loại giấy phép.

Với cơ quan quản lý về cơ chế thanh toán, bảo lãnh, số lượng sàn các giao dịch thanh toán lớn, cơ quan quản lý nhà nước không thể trong kiểm soát giao dịch nào thực hiện thanh toán cho đơn hàng nào, sự phù hợp giữa thực tế thanh toán với đơn hàng.

Trên thực tế, thương mại điện tử phát triển là tất yếu, vì vậy các cơ quan quản lý nhà nước cần có các quy định cụ thể để thực hiện việc quản lý. Tránh trường hợp các bên tham gia giao dịch thương mại điện tử muốn thực hiện đúng quy định nhưng không có quy định để thực hiện. Mặc dù thời gian qua để đáp ứng nhu cầu quản lý hoạt động giao dịch thương mại điện tử, nhiều văn bản đã được ban hành, tuy nhiên các quy định chưa đầy đủ, đồng bộ nên các bên tham gia hoạt động thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn.

Với đặc điểm nổi bật của thương mại điện tử xuyên biên giới là thời gian để đưa ra các giao dịch là rất nhanh, thuận tiện trong việc thanh toán, nhận hàng, do đó cơ quan quản lý cũng cần thay đổi theo hướng đơn giản, nhất quán, minh bạch, không phân biệt và tìm ra những biện pháp quản lý nhằm giải phóng nhanh hành hóa trong khi vẫn phải đảm bảo yêu cầu về tuân thủ pháp luật.

Hiện nay, dự thảo Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK đang được Tổng cục Hải quan nghiên cứu để đề xuất giải pháp quản lý, xây dựng khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK. Mục tiêu là đưa ra các giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK nhằm đảm bảo việc quản lý toàn diện của nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử; nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, tránh việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để trốn thuế, vi phạm các chính sách mặt hàng, sở hữu trí tuệ, xuất xứ, vận chuyển hàng cấm vào Việt Nam và ngược lại. Bên cạnh đó, đề án cũng phải đưa ra giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử phát triển từ việc đơn giản thủ tục hải quan, thủ tục liên quan đến việc kiểm tra chuyên ngành, bảo vệ lợi ích của DN sản xuất, kinh doanh chân chính và người tiêu dùng Việt Nam. Dự thảo đề án hiện đang được Tổng cục lấy ý kiến các đơn vị hải quan địa phương và cơ quan có liên quan. Những vấn đề thực trạng vướng mắc trong công tác quản lý, kinh nghiệm các nước trên thế giới, giải pháp quản lý đã được đưa ra.

Tại Việt Nam hiện nay đã xuất hiện các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi… Tốc độ tăng trưởng của các trang thương mại điện tử cao, điều này cho thấy người tiêu dùng Việt Nam không còn xa lạ trong việc mua hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Ngoài ra, tại các thành phố lớn thì người tiêu dùng còn có thói quen mua hàng từ các sàn giao dịch thương mại điện tử trên thế giới như: Ebay, amazon…

 Nguồn: N.Linh – Báo Hải Quan Online

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *