Căng thẳng Úc – Trung Quốc ảnh hưởng đến thị trường LNG châu Á

Căng thẳng Úc – Trung Quốc ảnh hưởng đến thị trường LNG châu Á

Rất ít các quốc gia được hưởng lợi từ sự trỗi dậy của Trung Quốc như Úc trong thập kỷ vừa qua. Sự gia tăng tiêu thụ khổng lồ các nguyên liệu thô như quặng sắt, than đá và khí đốt thiên nhiên của Trung Quốc đã thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc bứt phá kể từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20. Gần đây, căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc và Úc xấu đi, dẫn đến một vòng luẩn quẩn, ảnh hưởng đến các mối quan hệ kinh tế. Diễn biến gần đây nhất cho thấy, Trung Quốc sẵn sàng giảm nhập khẩu LNG từ Úc.
Căng thẳng Úc - Trung Quốc ảnh hưởng đến thị trường LNG châu Á
Tàu LNG Woodside Donaldson của Úc

Về mặt lý thuyết, cả Úc và Trung Quốc có mức độ bổ trợ kinh tế cao. Nền kinh tế sản xuất khổng lồ của Trung Quốc đòi hỏi khối lượng lớn nguyên liệu thô mà các doanh nghiệp Úc có thể đáp ứng với giá cả cạnh tranh. Nếu không xuất hiện những thách thức trong việc duy trì quan hệ chính trị ổn định, hợp tác thương mại giữa hai nước sẽ là một ví dụ điển hình về hợp tác kinh tế.

Tuy nhiên, chính quyền Úc đã trở nên cảnh giác với sức ảnh hưởng ngày cảng gia tăng của Trung Quốc, nhất là lo ngại về hệ thống chính trị độc tài của Trung Quốc. Việc hạn chế công khai thông tin trong hệ thống kiểm soát nhà nước, nhất là không giải quyết kịp thời sự lây lan của đại dịch Covid-19 từ Trung Quốc đã khiến Úc kêu gọi cộng đồng quốc tế mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch. Đáp lại, chính quyền Trung Quốc không chấp nhận sự quyết đoán của Úc, cũng như cáo buộc chính sách đối đầu của cựu Tổng thống Mỹ D.Trump đã gây tổn hại cho các mối quan hệ quốc tế và đẩy vào tình trạng “không thể sửa chữa được”.

Trong năm 2020, Trung Quốc đã trả đũa Úc bằng cách cấm nhập khẩu một số sản phẩm như lúa mạch và rượu vang. Danh sách cấm nhập khẩu sau đó đã được mở rộng, bao gồm cả than đá – nguyên liệu thô xuất khẩu quan trọng của Úc. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang nỗ lực thay thế các nguồn than của Úc bằng nguồn cung từ Indonesia và Nga, song gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, theo báo giá của Argus, giá than thành phẩm có giá trị năng lượng 5.500 kcal/kg của Nga giao tháng 6/2021 đang được bán ở mức 115 USD/tấn. Trong khi đó, cùng một loại sản phẩm có nguồn gốc từ Úc có giá thấp hơn 2 lần, ở mức 55 USD/tấn. Sự chênh lệch đáng kể về giá cho thấy, sự kiên định của Trung Quốc khi muốn khẳng định vị thế thống trị kinh tế của mình trong khu vực châu Á.

Thời gian gần đây, phía Trung Quốc đã tìm thấy một “công cụ khác” mà họ có thể tái khẳng định lợi ích của mình đối với Úc, đó là LNG. Tương tự như các nguyên liệu thô đầu vào khác, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về nhập khẩu LNG. Theo tính toán của giới chuyên gia đến năm 2022, 95% động lực tăng trưởng tiêu thụ LNG toàn cầu sẽ đến từ khu vực châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng. Hoạt động kinh doanh LNG được đặc trưng bởi các khoản đầu tư cao trả trước và hợp đồng bao tiêu sản phẩm để giảm rủi ro và đảm bảo lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

Đối với Úc, ngành LNG của nước này đã trải qua một thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ. Sự gia tăng các nguồn cung LNG của Úc đã đẩy Qatar xuống vị trí số 2 và trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Mặc dù quan hệ chính trị xấu đi, thương mại năng lượng song phương liên quan đến khí đốt tự nhiên vẫn đang gia tăng. Các doanh nghiệp Trung Quốc đang nhập khẩu khối lượng LNG kỷ lục từ các nhà sản xuất ở Úc.

Biểu đồ: Tỷ phần LNG nhập khẩu từ Mỹ, Úc, Qatar, Nga, Malaysia và các nước khác vào Trung Quốc

Tuy nhiên, một “cơn bão” đang hình thành trong hợp tác thương mại Úc – Trung Quốc. Mới đây, phía Trung Quốc đã đình chỉ cơ chế đối thoại kinh tế chính thức và đưa ra cảnh báo liên quan đến việc nhập khẩu hàng hóa mới từ Úc. Mặc dù thông điệp này được cho là nhắm đến các nhà nhập khẩu vừa và nhỏ, đáp ứng khoảng 10% tổng nhu cầu LNG của Trung Quốc, nhưng động thái này rõ ràng cho thấy khả năng Trung Quốc cấm nhập khẩu LNG từ Úc là cao. 90% khối lượng nhập khẩu LNG đến từ các công ty nhà nước Trung Quốc. Chính quyền nước này có thể áp đặt lệnh cấm hoàn toàn ngay khi họ nhận thấy những nguồn thay thế tin cậy từ những đối thủ cạnh tranh.

Ví dụ, quan hệ năng lượng với Nga đang có giá trị chiến lược đối với Trung Quốc. Quỹ Con đường tơ lụa của nước này đã đầu tư vào dự án Yamal LNG của Novatek ở khu vực Bắc Cực. Ngoài ra, các thỏa thuận xuất khẩu LNG từ dự án Arctic LNG-2 đã được ký kết. Thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực LNG của Úc đến từ Qatar khi nước này lên kế hoạch tăng sản lượng LNG thêm 40%, lên 110 triệu tấn/năm vào năm 2026. Qatar cũng dự kiến công bố một đợt mở rộng công suất mới trong năm nay lên 126 triệu tấn/năm vào năm 2027. Do đó, về dài hạn, các nhà nhập khẩu LNG của Trung Quốc có nhiều lựa chọn để thay thế.

Trong hai thập kỷ trước đó, các công ty phương Tây đã đi đầu trong việc phát triển ngành năng lượng của Qatar. Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục nhu cầu tiêu thụ LNG của Trung Quốc đã vượt quá năng lực đáp ứng của các nhà sản xuất trong khu vực, trong đó có Qatar. Chính vì vậy mà giám đốc tài chính của tập đoàn dầu khí CNOOC từng tuyên bố rằng, tập đoàn này rất quan tâm đến các dự án khí đốt của Qatar.

Đây là những dấu hiệu xấu đối với ngành LNG của Úc vì căng thẳng chính trị với Trung Quốc sẽ không sớm lắng xuống. Trong khi các nước phương Tây và Úc đang phục hồi nền kinh tế đồng thời đang xem xét lại quan hệ kinh tế ới Trung Quốc thì phía Trung Quốc cũng đang cân nhắc. Điều này có thể dẫn đến việc tái định hướng hợp tác kinh tế song phương theo hướng các nước thân thiện hơn với các lợi ích của Trung Quốc. Úc cũng không có khả năng thay đổi tình hình. Do đó, nhiều khả năng phía Trung Quốc sẽ tăng chi phí kinh tế với Úc ngay cả khi điều này làm tổn hại đến nền kinh tế của chính mình ở một mức độ nhất định.

Theo Oilprice.

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *