Công cụ quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng: Phải bảo đảm cho nhà thầu có lãi

Công cụ quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng: Phải bảo đảm cho nhà thầu có lãi

(Xây dựng) – Đây là quan điểm của chuyên gia Nhật Bản trong việc xây dựng các công cụ quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng.

Bộ Xây dựng và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa ký kết biên bản họp về dự án Tăng cường năng lực trong phát triển các công cụ quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng (dự án).

Biên bản họp sẽ là tài liệu cơ bản để tiến hành triển khai dự án. Theo đó, biên bản họp sẽ được Bộ Xây dựng báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam. Đoàn công tác JICA cũng sẽ báo cáo Biên bản họp với Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT). Sau khi các cơ quan chức năng chuẩn y, hai bên sẽ ký biên bản ghi nhớ tiếp theo nhằm triển khai dự án. Dự kiến, dự án sẽ được triển khai trong quý IV/2019.

Giới thiệu khái quát về dự án, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng Phạm Văn Khánh cho biết: Dự án Tăng cường năng lực trong phát triển các công cụ quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng có sự tiếp nối dự án hợp tác kỹ thuật “Tăng cường năng lực trong dự toán chi phí, quản lý hợp đồng, chất lượng và an toàn trong các dự án đầu tư xây dựng” (CCQS) do JICA tài trợ Bộ Xây dựng thực hiện trong giai đoạn 2015 – 2018. Mục tiêu của dự án là cải thiện hệ thống dự toán chi phí công trình sử dụng vốn công ở Việt Nam và tăng cường năng lực của Bộ Xây dựng trong việc cải thiện hệ thống dự toán chi phí công trình sử dụng vốn công.

Ông Khánh cho biết, Dự án CCQS đã hoàn thiện nội dung dự toán chi phí gói thầu trong một dự án đầu tư xây dựng. Dự án mới này sẽ hoàn thiện tất cả các nội dung, chi phí còn lại trong tổng mức đầu tư dự án đầu tư xây dựng. Cụ thể, dự án sẽ có 5 đầu ra. Đầu ra 1, hoàn thiện hệ thống định mức xây dựng về vật liệu, nhân công, ca máy. Đầu ra 2, hoàn thiện hệ thống đơn giá vật liệu, nhân công, ca máy phù hợp với cơ chế thị trường. Đầu ra 3, hoàn thiện dự toán chi phí gián tiếp, thường gọi là chi phí chung, phù hợp với cơ chế thị trường, sát thực tế và hội nhập quốc tế. Đầu ra 4, hoàn thiện các chi phí tư vấn, gồm khảo sát xây dựng, thiết kế, giám sát thi công xây dựng. Đầu ra 5, hoàn thiện giá trị tổng mức đầu tư dự án… “Khi dự án này được thực hiện sẽ hỗ trợ trực tiếp cho việc triển khai Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng, phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế” – ông Khánh nhận định.

Chia sẻ quan điểm về việc JICA đang nỗ lực cùng Bộ Xây dựng xúc tiến công tác chuẩn bị cho dự án Tăng cường năng lực trong phát triển các công cụ quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng, ông Shuntaro Kawahara – Trưởng đoàn khảo sát chi tiết lập dự án, đại diện JICA, cho biết: Hệ thống dự toán chi phí đầu tư xây dựng của Việt Nam và Nhật Bản có sự tương đồng.

Nhật Bản tính dự toán giống Việt Nam là bóc khối lượng từ bản vẽ của công trình, rồi nhân với định mức, đơn giá (ĐMĐG). ĐMĐG đều do Nhà nước quyết định. Tuy nhiên, hệ thống ĐMĐG của Việt Nam hình thành từ lâu, việc cập nhật thường xuyên còn hạn chế. Ngược lại, Nhật Bản cập nhật thường xuyên yếu tố thị trường vào hệ thống ĐMĐG. Chẳng hạn, khi ngoài thị trường lần đầu tiên xuất hiện công nghệ mới trong khi hệ thống ĐMĐG chưa có, cơ quan chức năng của Nhật Bản sẽ yêu cầu nhà thầu và đơn vị cung cấp công nghệ mới làm mẫu, giải trình và mời các cơ quan liên quan quan sát. Sau đó, cơ quan chức năng có cách khuyến khích các nhà thầu khác cùng ứng dụng công nghệ mới. Khi đã có vài ba nhà thầu ứng dụng công nghệ mới, cơ quan chức năng sẽ khảo sát, xây dựng định mức và đưa vào hệ thống ĐMĐG. Sau khi ĐMĐG được ban hành, các chủ đầu tư sẽ áp dụng ĐMĐG đó để tính toán dự toán.

Ông Shuntaro Kawahara cho biết: Trong dự án hỗ trợ kỹ thuật này, chúng tôi sẽ hỗ trợ Bộ Xây dựng phương pháp cập nhật các yếu tố thị trường vào hệ thống ĐMĐG. Và ông chia sẻ quan điểm: Trong việc quản lý chi phí đầu tư dự án công, cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên cập nhật các yếu tố thị trường vào hệ thống ĐMĐG.

Các công cụ quản lý nhà nước phải phù hợp với thực tế, cập nhật yếu tố thị trường, bảo đảm cho các nhà thầu khi thực hiện áp dụng công nghệ mới phải có lãi. “Nếu hệ thống ĐGĐM không khuyến khích các nhà thầu áp dụng các công nghệ hiện đại và bảo đảm có lãi thì nhà thầu sẽ từ chối sử dụng công nghệ mới. Họ quay trở lại sử dụng công nghệ cũ. Như vậy, ngành Xây dựng sẽ không bao giờ được hiện đại hóa”- ông Shuntaro Kawahara nói.

Nguồn: Quý Anh – Báo Xây Dựng

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *