Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS: 25 năm xây dựng và phát triển

Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS: 25 năm xây dựng và phát triển

(Xây dựng) – Thực hiện chủ trương đổi mới nền kinh tế theo tinh thần Đại hội lần thứ VI của Đảng, ngày 10/8/1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/CP quyết định thành lập Cục Quản lý Nhà (nay là Cục QLN và thị trường BĐS) trực thuộc Bộ Xây dựng, với chức năng, nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nhà ở và thực hiện việc quản lý, sử dụng nhà làm việc, nhà công vụ, nhà khách, hội trường, nhà bảo tàng thuộc sở hữu Nhà nước mà các cơ quan Nhà nước, cơ quan Đảng, đoàn thể và các tổ chức xã hội ở Trung ương đang sử dụng.


Lễ ký Biên bản ghi nhớ Hợp tác về nhà ở và thị trường BĐS giữa Bộ Xây dựng (Việt Nam) và Bộ Đất đai, hạ tầng và giao thông (Hàn Quốc).

Đến năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng. Theo đó, Cục Quản lý nhà là đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện việc quản lý nhà nước về nhà ở và công sở, bao gồm: Quản lý và phát triển nhà ở, nhà công vụ, công sở, tổ chức thực hiện các chương trình trọng điểm về lĩnh vực phát triển nhà ở trong phạm vi cả nước.

Từ năm 2008, đứng trước yêu cầu phải có một cơ quan chuyên trách để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thị trường BĐS, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008, trong đó đổi tên Cục Quản lý Nhà thành Cục QLN và thị trường BĐS trực thuộc Bộ Xây dựng. Ngoài lĩnh vực quản lý nhà nước về nhà ở và công sở, Cục được bổ sung thêm chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện quản lý nhà nước về kinh doanh BĐS.

Năm 2013, theo Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ thì Cục đã được giao thêm một số nhiệm vụ như: Chủ trì xây dựng định hướng, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia trong từng thời kỳ; xây dựng các cơ chế chính sách huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển nhà ở trong phạm vi toàn quốc; tổ chức tạo lập tiếp nhận quỹ nhà ở công vụ của Chính phủ theo phân công của Thủ tướng Chính phủ; chủ trì xây dựng các tiêu chí điều tra, thống kê về nhà ở…

Để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao nêu trên, cơ cấu tổ chức của Cục QLN và thị trường BĐS ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. Cơ cấu tổ chức của Cục hiện có Văn phòng Cục, 6 phòng chuyên môn và 2 đơn vị sự nghiệp.

Trong suốt chặng đường 25 năm thành lập và phát triển, Cục QLN và thị trường BĐS đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý, phát triển nhà ở, công sở và thị trường BĐS.

Trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, kể từ năm 1993 đến nay, Cục đã tham mưu, nghiên cứu, soạn thảo để trình Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành hơn 120 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về nhà ở, công sở và kinh doanh BĐS. Trong đó có 5 đạo luật quan trọng (Luật Nhà ở số 56/2005/QH11; Luật Kinh doanh BĐS số 63/2006/QH11; Luật số 34/2009/QH12 Luật sửa đổi Điều 126 của Luật Nhà ở năm 2005 và Điều 121 của Luật Đất đai năm 2003; Luật Nhà ở năm 2014; Luật Kinh doanh BĐS năm 2014); 2 Nghị quyết của Quốc hội, 3 Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, 5 Nghị quyết và 17 Nghị định của Chính phủ, 37 Quyết định và 14 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 10 Quyết định và hơn 30 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành pháp luật về nhà ở, công sở và thị trường BĐS.

Cục cũng đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với quan điểm đổi mới và mang tính đột phá, khẳng định việc phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân…

Bên cạnh đó, Cục còn được Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ đôn đốc, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình phát triển nhà ở trọng điểm, bao gồm: Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn; Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2); Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp tập trung; Chương trình “tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương bởi những tác động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam”.

Ngoài các nhiệm vụ nêu trên, Cục còn được giao nhiệm vụ đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác cải tạo, xây lại nhà chung cư cũ, công tác bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước, công tác quản lý nhà công sở; thực hiện việc tiếp nhận và quản lý quỹ nhà ở công vụ của Chính phủ; thực hiện xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS; theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường BĐS và đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS,…

Với vai trò là đơn vị tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách về lĩnh vực nhà ở, công sở và thị trường BĐS, Cục đã triển khai nghiên cứu hơn 100 dự án sự nghiệp kinh tế, đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về nhà ở, công sở và thị trường BĐS, góp phần xây dựng cơ sở lý luận, luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đã được ứng dụng vào đời sống xã hội thông qua các văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở thị trường BĐS đã được ban hành.


Đoàn Thanh niên Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS tổ chức hoạt động tình nguyện tại huyện Văn Chấn, Văn Yên, TX Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.

Thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, ban hành chính sách nghiên cứu cơ chế chính sách, lĩnh vực hợp tác quốc tế đã được Cục quan tâm từ rất sớm. Từ khi mới thành lập, Cục đã phát triển quan hệ hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học với tổ chức Quốc tế JICA (Nhật Bản); hợp tác với KOICA (Hàn Quốc), Habitat, GCF (quỹ khí hậu xanh),… Nhiều lượt cán bộ của Cục đã được cử đi đào tạo, học tập kinh nghiệm, bồi dưỡng chuyên môn tại một số nước như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hà Quốc, Australia, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Pháp, Đức,… Nhiều cán bộ, công chức đã và đang trở thành lực lượng nòng cốt, có nhiều đóng góp tích cực đối với quá trình phát triển của Cục cũng như của ngành Xây dựng.

Với những thành tựu đã đạt được trong 25 năm vừa qua, Cục QLN và thị trường BĐS đã được Đảng, Nhà nước và Bộ Xây dựng ghi nhận với nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Chính phủ; Bằng khen và Cờ thi đua của Bộ Xây dựng và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Cùng với sự đoàn kết, nhất trí và nỗ lực phấn đấu của tập thể đơn vị, sự tạo điều kiện, giúp đỡ của lãnh đạo Bộ Xây dựng và các cơ quan, đơn vị có liên quan, có thể tin tưởng rằng Cục QLN và thị trường BĐS sẽ tiếp tục phát triển, vượt qua những thách thức để tiếp tục đạt được những kết quả và thành tích trong chặng đường sắp tới, kế tục xứng đáng sự nghiệp của các thế hệ đi trước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao của Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Xây dựng.

Nguyễn Trọng Ninh
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *