Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, ngành vật liệu xây dựng hưởng lợi

Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, ngành vật liệu xây dựng hưởng lợi

(Xây dựng) – Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp để thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhằm khắc phục những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 lên kinh tế – xã hội Việt Nam. Do đó, cổ phiếu nhóm ngành vật liệu xây dựng (thép, nhựa, đá xây dựng, xi măng…) sẽ được hưởng lợi nhiều từ các dự án đầu tư công.

day nhanh giai ngan dau tu cong nganh vat lieu xay dung huong loi

Thống kê trong quý 1/2020, giải ngân vốn đầu tư công tăng 16.4% so với cùng kỳ, đạt 59.5 ngàn tỷ đồng, tương đương 13.2% kế hoạch năm.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút thì việc giải ngân hết nguồn lực đầu tư công sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu nhiều địa phương cũng như các tập đoàn kinh tế phối hợp giải quyết vướng mắc trong công tác giải ngân đầu tư công – đặc biệt là giải phóng mặt bằng các dự án đường cao tốc tuyến Bắc – Nam.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị thành lập tổ công tác đặc biệt để giám sát kiểm tra tiến độ giải ngân của các dự án, chú trọng các dự án trọng điểm mang tính cấp bách như cao tốc Bắc – Nam phía Đông, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành…

Trên cơ sở đó, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cũng tính đến kịch bản cơ sở như sau: Khoảng 40% vốn đầu tư công sẽ được giải ngân tại 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, và việc xây dựng sẽ cần đến khoảng 8.900 tỷ đồng nhựa đường, 7.600 tỷ đồng thép xây dựng và 3.800 tỷ đồng xi măng. Bên cạnh đó, VNDirect cho rằng, nhu cầu đá xây dựng sẽ nhận cú hích lớn nhất, khi nhu cầu đá của các dự án này tương đương với khoảng 30 – 35% công suất khai thác được cấp phép của các doanh nghiệp khai thác trong khu vực. Ngoài ra, để hoàn thành 100% các dự án trên, VNDirect ước tính chi phí cho nhựa đường, thép xây dựng và xi măng sẽ cần lần lượt 22.300 tỷ đồng, 19.100 tỷ đồng và 9.500 tỷ đồng.

day nhanh giai ngan dau tu cong nganh vat lieu xay dung huong loi

Nhóm cổ phiếu thép, nhựa đường và xi măng bứt phá rất mạnh chỉ trong vòng hơn nửa tháng qua, nhiều cổ phiếu tăng đến trên 25%.

HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát tăng đến 25,8% từ 16.850 đồng/cổ phiểu (ngày 31/3) lên 21.200 đồng/cổ phiếu (ngày 20/4). Trong tháng 3, sản lượng thép xây dựng ghi nhận mức kỷ lục với hơn 351.000 tấn, tăng 42,2% so với cùng kỳ 2019. Lũy kế trong quý I/2020, thép xây dựng Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trên 732.000 tấn (chưa bao gồm sản lượng phôi thép), tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, cổ phiếu của 2 doanh nghiệp ngành thép là HSG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen tăng đến 47,3%, NKG của Công ty cổ phần thép Nam Kim cũng tăng 29%.

2 cổ phiếu đầu ngành xi măng là BCC (Công ty cổ phần xi măng Bỉm Sơn) và HT1 (Công ty cổ phần xi măng Vicem Hà tiên 1) cũng tăng đến 51% và 33% theo thời gian kể trên. Cổ phiếu HT1 đi lên trong bối cảnh doanh nghiệp này đặt kế hoạch kinh doanh năm 2020 sụt giảm so với thực hiện năm trước. Theo báo cáo thường niên năm 2019, HT1 đặt kế hoạch doanh thu thuần 8.584 tỷ đồng, giảm 2,9% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế giảm 10,6% về mức 830 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nhận thấy sự “nổi sóng” của các cổ phiếu đá xây dựng như KSB của Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (tăng 38,5%), C32 của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng 3-2 (tăng 12,6%). Không chỉ vậy, VNDirect dự báo rằng đá xây dựng, nhựa đường cũng sẽ có nhiều biến chuyển tích cực.

Đối với ngành đá, do đặc thù của ngành, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành đá xây dựng. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá được giao tại công trình có thể cao gấp đôi so với giá giao tại mỏ. Bộ Xây dựng đã đề nghị 13 tỉnh có cao tốc Bắc – Nam đi qua tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các nhà thầu thi công trong việc khai thác mỏ vật liệu phục vụ thi công các dự án này, qua đó giảm thời gian xây dựng và chi phí vận chuyển. Theo ước tính, hai dự án cao tốc trên sẽ cần khoảng 6 – 7 triệu tấn đá xây dựng, tương đương 30 – 35% công suất khai thác được cấp phép của các công ty niêm yết.

Đối với ngành nhựa đường, kết quả kinh doanh có thể hưởng lợi lớn từ việc Chính phủ đẩy nhanh giải ngân tại các dự án cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, giá dầu thấp trong năm 2020 sẽ đem lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn cho các doanh nghiệp trong ngành.

Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC) là đơn vị thành viên của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam chuyên cung cấp sản phẩm nhựa đường. Chứng khoán Agribank cho biết PLC chiếm khoảng 30% thị phần nhựa đường tại Việt Nam sẽ có lợi thế để cạnh tranh với các công ty nước ngoài khi các hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh.

Gần đây, giá dầu giảm sâu tạo điều kiện thuận lợi cho PLC giảm giá vốn, bởi cả 3 mảng hoạt động chính của PLC là bán nhựa đường, dầu nhờn và hóa chất dung môi đều sử dụng dầu hoặc các chế phẩm từ dầu làm nguyên liệu chính (chiếm khoảng 60% chi phí). Cổ phiếu PLC tiếp tục tăng trần trong phiên 20/4 lên 15.700 đồng/cổ phiếu với dư mua nửa triệu cổ phiếu, từ đầu tháng 4 cổ phiếu đã tăng 42% với thanh khoản đột biến.

Nguồn: Báo Xây Dựng

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *