Đến năm 2025: 80% hoạt động kiểm tra Hải quan sẽ thực hiện trên môi trường số

Đến năm 2025: 80% hoạt động kiểm tra Hải quan sẽ thực hiện trên môi trường số

Trong Dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 – 2030, mục tiêu tới năm 2025, ngành Hải quan sẽ cơ bản hoàn thành hải quan số, 90% hồ sơ công việc tại Tổng cục Hải quan xử lý trên môi trường mạng, 80% hoạt động kiểm tra Hải quan thực hiện trên môi trường số.

Kế hoạch đến năm 2025, 80% hoạt động kiểm tra Hải quan sẽ thực hiện trên môi trường số

Kế hoạch đến năm 2025, 80% hoạt động kiểm tra Hải quan sẽ thực hiện trên môi trường số

Bộ Tài chính vừa gửi lấy ý kiến các bộ, ngành về Dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 – 2030 trước khi trình Thủ tướng xem xét phê duyệt.

Theo đó, kế hoạch đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành Hải quan số. Bên cạnh đó, sẽ hoàn thiện môi trường làm việc điện tử trong ngành Hải quan, hướng tới môi trường phi giấy tờ trong quản lý nhà nước về hải quan thông qua việc đẩy mạnh sử dụng chữ ký số đảm bảo 90% hồ sơ công việc tại Tổng cục Hải quan được xử lý trên môi trường mạng; 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan.

Tới năm 2030, có 100% chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang điện tử, tiến tới số hóa. Tất cả cảng, cửa khẩu hải quan quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống giám sát hàng hoá tự động. Tất cả hàng hóa rủi ro chở bằng container được giám sát hải quan bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại. Phấn đấu mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan đạt 95% trở lên.

Dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 – 2030 đặt ra mục tiêu tổng quát là xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan thông minh.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đặt ra yêu cầu ngành hải quan nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan và thu thuế hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.

Cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng minh bạch, đơn giản, thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực và khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới nhằm giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục thông quan, giải phóng hàng.

Tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan; triển khai mô hình biên giới thông minh, hải quan xanh; cải cách mô hình kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu. Tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.

Xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin Hải quan tập trung, tích hợp thông minh đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống, với nền tảng số, phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuẩn mực quốc tế, ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đổi mới tổ chức bộ máy hải quan với cơ cấu gọn nhẹ, giảm đầu mối trung gian đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình hải quan thông minh và thực hiện nhiệm vụ đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.

Đẩy mạnh công tác hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng hải quan thế giới; phát triển quan hệ hợp tác, đối tác giữa Hải quan với các bên liên quan tạo nền tảng và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về Hải quan.

Điểm nổi bật trong Dự thảo chiến lược là đặt ra mục tiêu xây dựng tổ chức bộ máy hải quan 3 cấp, gồm cấp tổng cục, vùng và chi cục nhằm tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý nghiệp vụ hải quan tập trung thông minh.

Tổ chức hoạt động mỗi hải quan vùng chỉ 1 địa chỉ tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan. Việc kiểm tra thực tế, giám sát hàng hóa, giám sát sản xuất và gia công hàng hóa của doanh nghiệp do chi cục hải quan cửa khẩu, hoặc chi cục hải quan địa bàn nơi doanh nghiệp có cơ sở sản xuất thực hiện…

Cùng đó, kiện toàn bộ máy làm kiểm định hải quan để triển khai mô hình kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng cơ quan hải quan là đấu mối thực hiện đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu.

Theo doanhnhanvn.vn

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *