Doanh nghiệp nỗ lực giữ các đơn hàng xuất khẩu

Doanh nghiệp nỗ lực giữ các đơn hàng xuất khẩu

Sau thời gian giãn cách kéo dài, nhiều đơn hàng xuất khẩu bị vụt mất, do đó các doanh nghiệp tại khu vực phía Nam đang rất nỗ lực trong việc kết nối thông tin với khách hàng để duy trì chờ ngày tái khởi động trở lại.

Tìm cách duy trì đơn hàng xuất khẩu

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, nông sản ở khu vực phía Nam, sau hơn 3 tháng ngưng trệ sản xuất, các đơn hàng xuất khẩu của họ phần lớn đã bị mất. Chính vì thế việc các địa phương ở phía Nam như Bình Dương, Long An, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh… tính toán phương án mở cửa trở lại được doanh nghiệp rất quan tâm.

Bởi lẽ theo đại diện Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai), tới hiện tại đầu ra của sản phẩm dệt may vẫn rất thuận lợi, công ty có nhiều đơn hàng từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đức, Australia. Công ty đang hy vọng trong cuối tháng 9/2021, dịch bệnh sẽ được kiểm soát, giao thương trở lại bình thường để khôi phục lại sản xuất và tăng tốc để bù lại cho quý III vừa qua.

Là doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo có nhà máy tại TP. Cần Thơ, ông Phan Văn Có – Giám đốc Marketing của Vrice – chia sẻ, thời gian qua doanh nghiệp vẫn liên lạc với đối tác nên khi mở cửa trở lại sẽ ưu tiên giải quyết hàng hóa tồn được lưu tại các cánh đồng về kho. Tranh thủ thu hoạch số ruộng lúa còn lại và thực hiện giao hàng cho các đơn hàng kỳ hạn tháng 10-11/2021. “Đối với các đơn hàng đã mất, chúng tôi sẽ chủ động liên lạc lại với khách hàng để giữ mối liên hệ và hy vọng có thể hợp tác trong năm tiếp theo”- ông Có nói.

Theo ông Có, ở thời điểm hiện tại, cái mà khách hàng muốn là đảm bảo điều kiện giao hàng cho họ nên doanh nghiệp rất mong mỏi các địa phương có nhất quán trong phương án mở cửa trở lại.

Trong khi đó, suốt thời gian qua Công ty CP Xuất nhập khẩu Hàng Việt – một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh lại chọn cách giữ liên lạc thường xuyên với đối tác nhập khẩu và cập nhật về tiến độ chống dịch, kế hoạch giao hàng theo lộ trình để đối tác yên tâm.

Ở lĩnh vực nông sản, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho hay, việc xuất khẩu của các doanh nghiệp nông sản đã chậm lại trong 2 tháng trở lại đây, đặc biệt trong tháng 8/2021 đã giảm mạnh tới gần 25% so với cùng kỳ. “Hiện hoạt động xuất khẩu giảm mạnh nhất tại thị trường Trung Quốc nên chúng tôi đã có nhiều kiến nghị tháo gỡ tới các Bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể là kiến nghị các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phương tiện giao thông vận tải lưu thông nhằm giải tỏa ùn ứ hàng hóa từ các vùng sản xuất đến các nhà máy đóng gói, cũng như đến các cửa khẩu xuất khẩu. Mặt khác, cấp giấy phép đi đường nhanh chóng thuận lợi cho các lao động tại các nhà máy đóng gói rau quả xuất khẩu tập trung, nhân viên làm các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa… đến các cửa khẩu”, ông Nguyên nói.

Ngoài các kiến nghị trên, ông Nguyên cho rằng Chính phủ phải có có chính sách cải tiến hợp lý về thuế, phí, vốn vay, dãn nợ, giảm lãi suất ngân hàng… cho doanh nghiệp để giúp họ duy trì hoạt động và khôi phục sản xuất, kinh doanh xuất khẩu.

Chủ động giải quyết khó khăn trong vấn đề lao động

Theo các doanh nghiệp, khi tái khởi động trở lại, vấn đề lo lắng nhất là lao động bởi thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp không thể giữ chân được lao động nên rất nhiều trong số đó đã về quê hoặc tìm kiếm công việc tạm thời khác. Thời điểm hiện tại, để vận động lao động ngưng việc đó quay lại là rất khó. Thứ nhất, tâm lý người lao động còn lo sợ dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Thứ hai tết âm lịch đã cận kề, thời gian làm việc cũng không được dài, trong khi phải trang trải nhiều chi phí đi lại, ăn, ở cũng không tích lũy được nhiều. Do đó không ít lao động tìm những công việc tạm thời ở quê cho đến khi kết thúc năm 2021.

Chính vì thế, rất nhiều doanh nghiệp thời gian qua đã cố gắng “gồng mình” để hỗ trợ một phần lương cho người lao động, giữ chân họ. Chẳng hạn Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) đã có những chính sách hỗ trợ tiền lương cơ bản cho lao động ngưng việc. Ông Trần Như Tùng – Chủ tịch HĐQT TCM – chia sẻ, chúng tôi hi vọng khi tái khởi động sẽ tuyển được khoảng 80% người lao động so với trước khi dịch bệnh diễn ra.

Hay với Công ty CP Xuất nhập khẩu Hàng Việt, ông Nguyễn Văn Sang – Giám đốc doanh nghiệp này cho biết, dù đóng cửa hoàn toàn các hoạt động song công ty vẫn hỗ trợ một phần lương cơ bản trong suốt 3 tháng qua để giữ chân lao động.

Báo Công thương

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *