Đưa giá xăng dầu gần thị trường hơn

Đưa giá xăng dầu gần thị trường hơn

Dự thảo nghị quyết về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu được Bộ Tài chính công bố mới đây đưa ra phương án giảm 1.000 đồng/lít với xăng và 500 đồng/lít, kg với các loại dầu.

Từ đó, thuế GTGT trên mỗi lít xăng, dầu đồng thời giảm tương ứng với tỉ lệ 10%. Như vậy, giá xăng bán lẻ dự kiến giảm 1.100 đồng/lít; giá các mặt hàng dầu dự kiến giảm 550 đồng/lít, kg.

Mức giảm trên đã đủ để chống chọi trước áp lực tăng giá dầu thô, khí đốt như vũ bão trong bối cảnh cục diện chính trị – quân sự Nga – Ukraine còn khó đoán định và các lệnh trừng phạt kinh tế có xu hướng leo thang căng thẳng? Và, có đủ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hồi phục từ sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, nhất là khi giá bán lẻ xăng, dầu trong nước đã leo lên mức kỷ lục?

Cho rằng đề xuất giảm thuế như trên là khá rón rén, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu quan điểm thẳng thắn: “Việc giảm thuế bảo vệ môi trường cần cân nhắc tiến hành mạnh mẽ hơn!”. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo trình thêm phương án giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít, kg với các loại dầu. Mức giảm này mới phần nào giảm áp lực tăng giá bán lẻ xăng, dầu quá mạnh khi nhịp tăng phi mã trên thị trường thế giới chưa có dấu hiệu dừng lại, cũng như góp phần nhỏ hỗ trợ nền kinh tế hồi sức. Mặt khác, Việt Nam đang được hưởng lợi từ giá xuất khẩu dầu thô tăng cao và tình hình thu ngân sách 2 tháng đầu năm rất khả quan là những yếu tố tích cực làm tăng dư địa cho việc giảm thuế.

Ở góc độ rộng hơn, giảm giá xăng, dầu mang lại hiệu quả không kém, thậm chí có thể mạnh hơn gói kích thích kinh tế từ đầu tư công hay một số chính sách tài khóa, tiền tệ khác.

Chẳng hạn, ở góc độ đầu tư công, theo một số tính toán, khả năng hấp thụ vốn của Việt Nam chỉ đạt khoảng 80%. Tức là bỏ ra 100 đồng đầu tư thì chỉ có 80 đồng tiếp cận được các hoạt động sản xuất để tạo ra tài sản và được tính vào GDP. Trong khi đó, giá xăng, dầu tăng sẽ tác động trực tiếp đến mọi hoạt động sản xuất – kinh doanh, khiến chỉ số giá sản xuất (PPI) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao và làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Như vậy, để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% và tăng trưởng 6%-6,5%, giá xăng là một trong những bài toán mấu chốt cần được tháo gỡ mạnh mẽ thông qua các công cụ còn nhiều dư địa như thuế, phí.

Ngoài thuế bảo vệ môi trường, giá bán lẻ xăng, dầu còn gánh hàng loạt loại thuế, phí khác, như: thuế nhập khẩu (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (8%-10%), định mức kinh doanh (trên 1.000 đồng), lợi nhuận định mức (300 đồng)… Với quan điểm hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước, nhìn vào cơ cấu giá xăng như trên, có thể thấy cơ quan quản lý nhà nước còn có thể giảm tiếp thuế suất nhiều loại thuế khác trong bối cảnh căng thẳng, khẩn cấp như hiện nay.

Đặc biệt, cần sớm nghĩ tới việc loại bỏ các chi phí mang tính chất hành chính, “bao cấp”, không phù hợp với xu thế thị trường như lợi nhuận định mức, định mức kinh doanh… để vừa giúp hạ giá thành vừa góp phần đưa giá xăng, dầu về gần với thị trường hơn. 

Phương Nhung

 

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *