Đường sắt mở hướng phát triển ga hàng hóa khép kín chuỗi vận tải logistics

Đường sắt mở hướng phát triển ga hàng hóa khép kín chuỗi vận tải logistics

Giá thành vận tải đường sắt hiện nay chỉ bằng 60% so với vận tải đường bộ, nhưng lại đang đảm nhận được vận tải hàng hóa khối lớn, siêu trường siêu trọng, an toàn và ổn định hơn so với đường bộ. Tuy nhiên, do các ga hàng hóa chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải logistics từ kho đến kho, nên chưa thu hút được nhiều khách hàng.

“Bỏ lửng” chuỗi vận tải logistics

Những năm gần đây, mặc dù khối lượng hàng hóa luân chuyển của ngành Đường sắt có tăng lên đạt khoảng gần 4 triệu tấn/năm, nhưng tỷ trọng ngành này chỉ chiếm 0,3% trong toàn bộ hệ thống vận tải cả nước, con số này quá thấp so với các nước trên thế giới.

Qua tìm hiểu, mặc dù hệ thống đường sắt Việt Nam có lịch sử hơn 100 năm, nhưng hiện tại không có tuyến kết nối với các cảng biển quốc tế thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển các dịch vụ vận tải logistics kèm theo. Những tuyến kết nối đường sắt với các cảng biển được xây dựng từ thời Pháp đến nay đã bị tháo dỡ gần hết như Tân Cảng (TP Hồ Chí Minh), Tiên Sa (Ðà Nẵng), Cửa Lò (Nghệ An)… Trong khi, các cảng biển mới xây dựng lại không được xây dựng với đường sắt kết nối, như cảng Ðình Vũ (Hải Phòng), cụm cảng Cái Mép – Thị Vải… khiến bài toán lưu thông hàng hóa gặp khó khăn.

Chú thích ảnh
Đường sắt mở hướng phát triển ga hàng hóa khép kín chuỗi vận tải logistics.

Thực tế trên dẫn đến chi phí cho hoạt động logistics lớn. Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 20,9% GDP, đến nay tỷ lệ này đã giảm xuống còn 16 – 17%, mức cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Điều này ảnh hưởng trực tiếp lên giá thành sản phẩm và năng lực cạnh tranh quốc gia; gây nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế liên vùng.

Khi đường sắt phát triển đồng bộ và có liên kết với các loại hình vận tải khác, đường bộ sẽ chỉ còn đóng vai trò kết nối ở các chặng ngắn, sẽ giảm áp lực lên cơ sở hạ tầng, cắt giảm tối đa thời gian luân chuyển hàng hóa. Nhờ đó, hệ thống logistics như hệ thống kho bãi, thu gom hàng hóa, các dịch vụ khách hàng… sẽ thoát khỏi sự phụ thuộc vào đường bộ, dần bám theo trục xương sống là đường sắt.

Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR, đường sắt trong các năm qua không được chú trọng đầu tư, nguồn kinh phí đầu tư cho ngành chỉ đủ duy trì trạng thái hiện có, không có kinh phí để nâng cấp, xây dựng mới. Cơ sở hạ tầng lạc hậu, từ công nghệ vận hành tàu, cho đến hệ thống nhà ga, điểm tập kết hàng hóa… khiến vận tải đường sắt không thể cạnh tranh được với các loại hình vận tải khác, dù giá rẻ.

“Vì vậy, nếu không khai thác được hạ tầng giao thông đường sắt hiệu quả, khó có thể phát triển các ngành công nghiệp nặng, cũng như các ngành công nghiệp khác. Ngành Đường sắt được đầu tư phát triển sớm ngày nào thì sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội sớm ngày đó”, ông Vũ Anh Minh chia sẻ.

Đường sắt “bắt tay” doanh nghiệp logistics đầu tư ga hàng hóa

Trước thực tế trên, VNR và Công ty CP Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế (ILS) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong khai thác vận tải, các lĩnh vực dịch vụ và đầu tư đường sắt, nhằm phát huy được ưu thế lĩnh vực vận tải này.

Tổng giám đốc VNR Đặng Sỹ Mạnh cho biết, ILS là đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics sẽ đem lại hiệu quả trong lĩnh vực vận tải đường sắt. Từ năm 2022, VNR sẽ chuyển hướng đẩy mạnh kinh doanh vận tải hàng hóa, song song với vận tải hành khách; đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước giao 297 khu ga hiện có cho VNR theo hình thức tính vào vốn doanh nghiệp để chủ động khai thác, kinh doanh, phát huy tiềm năng về vận tải, hạ tầng khu ga, nhất là hạ tầng kho bãi các khu ga hàng hóa.

Chú thích ảnh
Đường sắt phát triển vận tải hàng hóa song song với vận tải đường sắt.

Cụ thể, VNR sẽ tối ưu từng phương thức vận tải trong chuỗi cung ứng logistics, tạo điều kiện để ILS cung cấp các dịch vụ vận tải kết nối với các lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển đến với khách hàng.

Theo Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa VNR và ILS, ILS sẽ kết nối để cùng VNR tiếp cận, cung cấp dịch vụ cho các đối tác, khách hàng của ILS trong nước và nước ngoài; tư vấn, đề xuất các giải pháp đầu tư và cung cấp dịch vụ sử dụng tối ưu hệ thống cơ sở hạ tầng của cả hai bên như các loại phương tiện vận tải, nhà ga, kho tàng, bến bãi, cảng, trung tâm logistics…

Bên cạnh đó, VNR và ILS thống nhất hợp tác trong việc khai thác cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hóa, logistics trên các tuyến vận tải nội địa, sử dụng dịch vụ đường sắt; trên các tuyến vận tải kết hợp giữa các phương thức khác nhau, trong đó có đường sắt như: Cảng Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai – Vân Nam (Trung Quốc); cảng Cái Lân – Đồng Đăng – Quảng Tây – Vân Nam; tuyến vận tải liên vận quốc tế Á – Âu khởi đầu từ ga Yên Viên qua Trung Quốc, kết nối đến các thành phố lớn tại châu Âu và ngược lại.

Ngoài ra, ILS đề nghị cùng VNR nghiên cứu phương án hợp tác đầu tư các ga đường sắt, trung tâm logistics đường sắt, phương tiện vận tải như toa xe chở hàng rời, hàng container và phương tiện bốc xếp chuyên dụng.

Vân Sơn/Báo Tin tức

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *