Hàng hóa TG tuần tới 14/10: Giá dầu và vàng tăng mạnh

Hàng hóa TG tuần tới 14/10: Giá dầu và vàng tăng mạnh

Tuần qua một số mặt hàng chủ chốt như dầu thô, vàng, đường… giá tăng mạnh.
Năng lượng: Giá dầu tăng mạnh

Giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần, với dầu Brent trên sàn London tăng 92 US cent (1,6%) lên 57,17 USD/thùng; trong khi dầu WTI trên sàn New York tăng 85 US cent (1,7%) lên 51,45 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng gần 3% và dầu WTI tăng hơn 4%.

Giới đầu tư lạc quan về triển vọng tái cân bằng cung cầu, qua đó thúc đẩy hoạt động mua vào trên thị trường.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) để ngỏ khả năng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ. Trong một phát biểu, Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết các cuộc tham vấn đang được tiến hành nhằm kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ sau tháng 3/2018.

Ông cũng nhấn mạnh các thành viên trong và ngoài OPEC có thể thực hiện một số biện pháp “đặc biệt” để đảm bảo thị trường cân bằng trong dài hạn.

OPEC cho biết thị trường dầu mỏ có dấu hiệu cân bằng trở lại. Theo báo cáo hàng tháng của OPEC, nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2017 dự kiến sẽ tăng thêm 1,5 triệu thùng/ngày. Sang năm 2018, nhu cầu dầu thế giới dự báo sẽ tăng thêm khoảng 1,4 triệu thùng/ngày, nhờ triển vọng kinh tế thế giới đang được cải thiện, nhất là tại Trung Quốc và Nga. OPEC cũng cho biết thị trường dầu mỏ đang thắt chặt dần sau nhiều năm dư thừa nguồn cung.

Trong khi đó, Saudi Arabia thông báo sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu vào tháng 11/2017. Ngoài ra, sản lượng dầu mỏ của Mỹ tại Vịnh Mexico có thể giảm tới 1,49 triệu thùng/ngày do ảnh hưởng của cơn bão Nate cũng giúp đẩy giá dầu đi lên. Andrew Lipow, chủ tịch Hiệp hội Lipow Oil, cho biết Saudi Arabia sẽ cắt giảm nguồn cung dầu khoảng 560.000 thùng/ngày vào tháng 11/2017.

Một số thông tin khác cũng hỗ trợ giá dầu tăng lên.

Nhập khầu dầu thô vào Trung Quốc trong tháng 9/2017 đạt 9 triệu thùng dầu/ngày và trung bình trong 9 tháng qua quốc gia này nhập khẩu 8,5 triệu thùng dầu/ngày. Thống kê này đang củng cố vị thế của Trung Quốc như nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Thêm vào đó là thông tin ngày 13/10 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giáng một đòn mạnh vào thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), khi không xác nhận Iran đang tuân thủ thỏa thuận này. Dù Tổng thống Trump không rút Mỹ khỏi JCPOA, nhưng ông đã để cho Quốc hội nước này thời gian 60 ngày để quyết định xem liệu có áp đặt lại các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran, một trong những quốc gia giàu dầu mỏ ở Trung Đông, hay không.

Bên cạnh đó, tình hình bất ổn tại Iraq cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu. Ngày 13/10, quân đội Iraq đã triển khai một chiến dịch nhằm giành lại những vị trí do người Kurd đang chiếm giữ tại thành phố Kirkuk giàu dầu mỏ. Trước diễn biến mới này, Chính quyền khu tự trị người Kurd (KRG) đã triển khai hàng nghìn binh sĩ tới khu vực xung quanh Kirkuk. Một quan chức Kurd cho biết binh sĩ được vũ trang hạng nặng được lệnh phòng thủ bằng mọi giá.

Kim loại quý: Giá vàng tăng mạnh do USD yếu

Đồng USD yếu đi và căng thẳng địa chính trị cùng triển vọng Mỹ làm chậm lại tốc độ nâng lãi suất đã cùng nhau hỗ trợ vàng tăng giá trong tuần qua.
Phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay tăng phiên thứ 6 liên tiếp, tăng 0,8% lên 1.303,5 USD/ounce vào lúc đóng cửa, trong phiên có lúc giá đạt 1.302,40 USD, cao nhất kể từ 26/9. Tính chung cả tuần giá tăng 2%.

Vàng giao sau cũng tăng 8,1 USD tương đương 0,6% trong cùng phiên, lên 1.304,60 USD/ounce, cũng cao nhất hơn 2 tuần.

Chỉ số đồng USD – được coi là thước đo “sức khỏe” của đồng bạc xanh so với giỏ các đồng tiền chủ chốt khác đã giảm liên tiếp 3 phiên cuối tuần, xuống 93,2.

Tại Trung Quốc nhà đầu tư quay trở lại thị trường sau kỳ nghỉ “Tuần lễ vàng” cũng là nhân tố hỗ trợ giá kim loại quý này. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp chính sách hồi tháng Chín cho thấy các nhà hoạch định chính sách của Fed vẫn tranh luận về vấn đề lạm phát và lãi suất. Các nhà lãnh đạo Fed cho biết họ sẽ để mắt vào số liệu lạm phát trong những tháng tới khi đưa ra quyết định về việc thay đổi lãi suất hay không.

Bên cạnh đó, giá vàng cũng hưởng lợi từ những căng thẳng địa chính trị liên quan đến CHDCND Triều Tiên và Tây Ban Nha.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch tin rằng có 82% cơ hội Fed sẽ nâng lãi suất tại cuộc họp vào tháng Mười Hai tới, tỷ lệ này giảm so với mức tương ứng 87% trước khi lạm phát được công bố. Chiến lược gia Phillip Streible, thuộc RJO Futures, tại Chicago, nhận định một khi giá vàng qua mốc 1.300 USD/ounce, giới đầu tư sẽ tăng cường thúc đẩy hoạt động mua vào kim loại quý này.

Nông sản: Cà phê giảm trong tuần, đường tăng

Giá cà phê robusta kỳ hạn giao sau tăng liên tiếp 2 phiên cuối tuần do hoạt động mua mạnh sau khi mưa lớn ở Việt Nam gây lo ngại ảnh hưởng tới sản lượng.

Phiên cuối tuần, robusta giao tháng 11 giá tăng 12 USD tương đương 0,6% lên 2.009 USD/tấn, trong phiên có lúc giá đạt 2.020 USD/tấn.

Arabica cũng tăng 0,1 US cent tương đương 0,08% trong phiên cuối tuần lên 1,2645 USD/lb. Tính chung cả tuần arabica giảm 2,7%.

Thị trường tiếp tục theo dõi tình hình mưa ở Brazil.

Số liệu từ Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy dự trữ cà phê ở những nước nhập khẩu chính cao kỷ lục trong tháng 6.

Hiệp hội xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé) đưa tin, trong 9 tháng qua, xuất khẩu cà phê Brazil đạt 21,8 triệu bao cà phê (loại 60 kg/bao), giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù lượng cà phê xuất khẩu của Brazil giảm mạnh trong những tháng qua nhưng giá mặt hàng này trên thị trường quốc tế ở mức cao đã giúp doanh thu của Brazil tăng 1,1% so với cùng thời gian của năm 2016.

Trong tháng 9 vừa qua, lượng hạt cà phê của Brazil xuất sang các nước giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Giá hàng hóa thế giới

Hàng hóa ĐVT 7/10 30/9 7/10 so với 6/10 7/10 so với 6/10(%)
Dầu thô WTI USD/thùng 49,29 51,45 +0,85 +1,68%
Dầu Brent USD/thùng 55,62 57,17 +0,92 +1,64%
Dầu thô TOCOM JPY/kl 37.300,00 37.920,00 +220,00 +0,58%
Khí thiên nhiên USD/mBtu 2,86 3,00 +0,01 +0,37%
Xăng RBOB FUT US cent/gallon 155,88 162,22 +3,90 +2,46%
Dầu đốt US cent/gallon 174,39 179,70 +3,15 +1,78%
Dầu khí USD/tấn 515,75 533,75 +12,25 +2,35%
Dầu lửa TOCOM JPY/kl 52.300,00 52.590,00 +240,00 +0,46%
Vàng New York USD/ounce 1.274,90 1.304,60 +8,10 +0,62%
Vàng TOCOM JPY/g 4.606,00 4.675,00 +15,00 +0,32%
Bạc New York USD/ounce 16,79 17,41 +0,14 +0,84%
Bạc TOCOM JPY/g 60,80 62,10 0,00 0,00%
Bạch kim giao ngay USD/t oz. 916,20 945,78 +7,58 +0,81%
Palladium giao ngay USD/t oz. 923,31 991,47 +15,93 +1,63%
Đồng New York US cent/lb 302,90 313,35 +1,35 +0,43%
Đồng LME 3 tháng USD/tấn 6.666,50 6.882,00 -5,00 -0,07%
Nhôm LME 3 tháng USD/tấn 2.153,00 2.133,50 -13,00 -0,61%
Kẽm LME 3 tháng USD/tấn 3.235,00 3.235,00 -15,00 -0,46%
Thiếc LME 3 tháng USD/tấn 20.550,00 20.600,00 -140,00 -0,68%
Ngô US cent/bushel 350,00 352,75 +3,75 +1,07%
Lúa mì CBOT US cent/bushel 443,50 439,50 +9,00 +2,09%
Lúa mạch US cent/bushel 251,00 266,75 +5,00 +1,91%
Gạo thô USD/cwt 11,89 12,19 -0,06 -0,53%
Đậu tương US cent/bushel 972,25 1.000,25 +8,25 +0,83%
Khô đậu tương USD/tấn 319,20 328,60 +2,30 +0,70%
Dầu đậu tương US cent/lb 32,95 33,69 +0,41 +1,23%
Hạt cải WCE CAD/tấn 496,70 499,00 +3,30 +0,67%
Cacao Mỹ USD/tấn 2.085,00 2.087,00 -3,00 -0,14%
Cà phê Mỹ US cent/lb 130,00 126,45 +0,10 +0,08%
Đường thô US cent/lb 13,98 14,41 +0,13 +0,91%
Nước cam cô đặc đông lạnh US cent/lb 157,15 151,55 -7,15 -4,51%
Bông US cent/lb 68,84 68,62 +0,78 +1,15%
Lông cừu (SFE) US cent/kg
Gỗ xẻ USD/1000 board feet 412,10 424,30 +7,10 +1,70%
Cao su TOCOM JPY/kg 208,00 202,20 +0,50 +0,25%
Ethanol CME USD/gallon 1,42 1,43 +0,01 +0,35%

Nguồn tin: vinanet.vn

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *