Hàng hóa thông qua các cảng biển của Quảng Ninh giảm mạnh

Hàng hóa thông qua các cảng biển của Quảng Ninh giảm mạnh

Theo Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, 9 tháng năm 2021 sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển của Quảng Ninh chỉ đạt gần 68 triệu tấn (chỉ bằng 81% so với cùng kỳ năm 2020).

Hàng hóa qua Cảng quốc tế Cái Lân (ảnh: Quangninh.gov)

Đặc biệt, mặt hàng xăng dầu và than là 2 mặt hàng chủ chốt tại các cảng biển của Quảng Ninh đã giảm sút sâu trong 9 tháng năm 2021. Trong đó, riêng nhập khẩu than gần như không có. Các mặt hàng khác như nông sản, dăm gỗ đều khá chậm. Tuy nhiên, đầu tháng 9/2021 mặt hàng container đã vắng bóng tại Quảng Ninh nhiều năm thì nay đã quay trở lại thông qua việc hãng tàu MAERSK LINE khai thác thí điểm tại cảng CICT Cái Lân.

Cùng với việc Chính phủ đang triển khai nhiều chính sách nhằm kích cầu kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19; các chủ cảng cũng chủ động kết nối, thu hút nguồn hàng mới về cảng… Đây sẽ là những tín hiệu vui báo hiệu phục hồi tăng trưởng cảng biển của Quảng Ninh trong quý IV/2021.

Quảng Ninh hiện đang khai thác tại 6 cụm cảng, được Chính phủ phê duyệt thuộc nhóm I, đảm nhận trên 40% tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực phía Bắc.

9 tháng năm 2021, các cảng biển đón được tổng số 83.981 lượt tàu các loạt, bằng 98,9% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, sản lượng hàng hóa chỉ đạt gần 68 triệu tấn, bằng 81% so với cùng kỳ năm 2020.

Giai đoạn những tháng cuối năm, dự báo khối lượng hàng hóa thông qua tăng cao, đặc biệt trong đó là mặt hàng container. Lý do là bởi, tại Quảng Ninh các KCN đang hình thành và phát triển rất mạnh, trong đó nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tính chất toàn cầu sẽ kéo theo hàng loạt các nhà đầu tư phụ trợ vào Quảng Ninh dẫn đến nhu cầu vận chuyển, nhập và xuất thiết bị cao vào dịp cuối năm.

Để chuẩn bị cho đợt tăng trưởng mới, hiện các cảng biển tại Quảng Ninh đã đưa ra hàng loạt những biện pháp đổi mới, như: Tăng cường quảng bá thương hiệu, tối đa hóa năng suất khai thác và tăng chất lượng dịch vụ; tăng tính tiện ích trong phát triển các loại hình dịch vụ logistics như đưa dịch vụ vận tải đường bộ (xe tải), đường thủy (sà lan); hỗ trợ khách hàng triển khai thủ tục hành chính; nâng công suất kho chứa và năng suất bốc xếp, vận chuyển. Cùng với đó, công tác kiểm soát và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chuỗi dây chuyền khép kín cũng được thực hiện tích cực.

Duy Ngợi

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *