Hội thảo lấy ý kiến định hướng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành Xây dựng

Hội thảo lấy ý kiến định hướng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành Xây dựng

(Xây dựng) – Ngày 15/8, Ban chỉ đạo Đề án “Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng” đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo định hướng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành Xây dựng, đề xuất danh mục và lộ trình biên soạn các tiêu chuẩn cốt lõi. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã chủ trì hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng chủ trì hội thảo.

Vì sao hệ thống tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam cần đổi mới?

Năm 1996, Bộ Xây dựng lần đầu tiên ban hành quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Một năm sau, Bộ Xây dựng tiếp tục ban hành tuyển tập tiêu chuẩn xây dựng (TCXD) gồm 11 tập với hơn 500 tiêu chuẩn (TC) về thiết kế, quản lý chất lượng, VLXD…

Năm 2006, Quốc hội ban hành Luật Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật 68/2006/QH11 và tính cho đến nay, ngành Xây dựng đã có khoảng 1.500 TCVN, các đối tượng bao trùm hầu hết các hoạt động xây dựng và được áp dụng rộng rãi. Về cơ bản, hệ thống TCXD Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, kinh tế đất nước phát triển nhanh, quản lý theo cơ chế thị trường và sự tiến bộ rất nhanh của khoa học công nghệ xây dựng, hệ thống TCXD Việt Nam dần bộc lộ nhiều bất cập.

Hệ thống TC chưa bao phủ hết tất cả các đối tượng xây dựng, một số TC chưa thực sự phù hợp với điều kiện Việt Nam do được chuyển dịch từ tài liệu nước ngoài. Các TC còn phân tán với nhiều nội dung trùng lặp do nhiều bộ, ngành biên soạn. Nhiều TC đã lạc hậu, nhưng chậm được cập nhật sửa đổi.


Viện Khoa học công nghệ xây dựng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo định hướng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành Xây dựng, đề xuất danh mục và lộ trình biên soạn các tiêu chuẩn cốt lõi.

Chính vì vậy, hệ thống TCXD Việt Nam cần được hoàn thiện, đổi mới đồng bộ, đầy đủ, tiên tiến, hội nhập quốc tế và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tháng 2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng. Sau đó, Bộ Xây dựng đã giao Viện Khoa học công nghệ xây dựng phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện đề tài nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất “Định hướng mới hệ thống TC quốc gia về xây dựng”.

Trong đó, hệ thống TCXD Việt Nam cần đảm bảo các yếu tố kế thừa, đổi mới, phát triển trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, cập nhật các tiến bộ kỹ thuật của những nước tiên tiến và các điều kiện riêng của Việt Nam.

TS. Đinh Quốc Dân của Viện Khoa học công nghệ xây dựng trình bày thực trạng hệ thống TC ngành Xây dựng.

Định hướng hệ thống TCXD, danh mục TC cốt lõi và lộ trình thực hiện

Hiện nay, ngành Xây dựng có khoảng 1.500 TCVN, chia làm 11 lĩnh vực như xây dựng thủy lợi, thiết kế kiến trúc công trình, giao thông vận tải… Nội dung của các TC tương đối rộng, mỗi lĩnh vực lại có mức độ sử dụng, đặc thù và phạm vi tác động xã hội khác nhau. Các lĩnh vực vừa có tính độc lập, vừa có mối liên hệ qua lại lẫn nhau. Chính vì thế, việc phân nhóm để định hướng hệ thống TC kỹ thuật ngành Xây dựng là rất cần thiết.

Trên cơ sở này, Viện Khoa học công nghệ xây dựng đã phân loại các TC thành 3 nhóm: Cần định hướng, độc lập và đặc thù. Trong đó, các TC thiết kế kết cấu và địa kỹ thuật thuộc nhóm “cần định hướng” có vai trò quan trọng, mang tính dẫn dắt, ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn chịu lực của công trình xây dựng, cần được đánh giá và định hướng một cách cụ thể, chi tiết.

Trong khi đó, các TC của nhóm “phát triển độc lập” bao gồm các TC vật liệu, sản phẩm khác không liên quan trực tiếp đến an toàn chịu lực, tự phát triển và không phụ thuộc nhiều vào định hướng của nhóm cần định hướng.

Cuối cùng, nhóm “đặc thù” bao gồm các TC liên quan đến các đối tượng chuyên ngành được định hướng theo yêu cầu và chức năng cụ thể như dầu khí, tàu điện ngầm, đường sắt cao tốc…

TS. Lê Minh Long – Viện Khoa học công nghệ xây dựng giới thiệu định hướng hệ thống TCXD, danh mục TC cốt lõi và lộ trình thực hiện.

Nhóm nghiên cứu đề xuất 3 phương án định hướng đổi mới đối với các TC thiết kế kết cấu và địa kỹ thuật của nhóm cần định hướng. Thứ nhất là tự phát triển, kế thừa, đổi mới, phát triển, tích hợp nội dung phù hợp của hệ thống châu Âu hoặc Mỹ. Thứ hai là đổi mới căn bản, dựa hoàn toàn vào hệ thống châu Âu và thứ ba là đổi mới căn bản, dựa hoàn toàn vào hệ thống Mỹ. Quan điểm của nhóm đề xuất nghiêng về phương án 2.

Trên cơ sở định hướng đổi mới hệ thống TCXD, nhóm nghiên cứu có đề xuất khoảng 104 TCVN làm TCXD cốt lõi, bao gồm TC cần định hướng và 54 TC độc lập. TC cốt lõi được lựa chọn theo các tiêu chí về tầm quan trọng, mức độ ảnh hưởng và số lượng chiếm từ 15% – 20% tổng số TCVN trong lĩnh vực xây dựng.

Lộ trình thực hiện TC cốt lõi thuộc Bộ Xây dựng được chia thành hai giai đoạn 2019 – 2021 và 2021 – 2023, đảm bảo việc triển khai thành công, đổi mới hệ thống TC, phù hợp với trình độ, nguồn lực và tiến độ đề ra trong Đề án 198.

Các bộ, ngành, chuyên gia đóng góp ý kiến như thế nào?

Về cơ bản, đại diện các bộ, ngành và các chuyên gia đến từ các Hiệp hội, các cơ sở đào tạo trong ngành Xây dựng đều nhất trí với phương án đổi mới hệ thống TC, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đóng góp một số ý kiến để Bộ Xây dựng hoàn thiện Đề án một cách tốt nhất.

Đại diện Bộ Giao thông vận tải đóng góp ý kiến hoàn thiện Đề án.

Trong đó, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị xây dựng mới TC thiết kế cầu dành cho đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao; Xây dựng các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật liên quan đến hệ thống giao thông thông minh (ITS)…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tập trung hoàn thiện tiêu chuẩn cho các công trình phòng chống thiên tai; hoàn thành các TC về khảo sát, thiết kế quy mô liên quan đến công trình đê điều, phòng chống thiên tai và cập nhật TC về giải pháp kết cấu mới, vật liệu mới trong công trình thủy lợi.

Bộ Công Thương kiến nghị xem xét TC số lượng người lao động trong công trình công nghiệp, thường xuyên tổ chức cập nhật thông tin cho người sử dụng thông qua các hội thảo định kỳ hàng năm.

Bộ Quốc Phòng đề xuất đổi mới cơ bản hệ thống TC dựa hoàn toàn vào hệ thống châu Âu, xem xét lại tiến độ thực hiện. Bộ Công An đề xuất làm việc riêng với Viện Khoa học công nghệ xây dựng về TC về phòng cháy chữa cháy.

Trường Đại học Xây dựng đánh giá hệ thống TCVN và tài liệu giảng dạy vẫn còn một số bất cập như: Việc xác định thành phần động của tải trọng gió lên công trình còn phức tạp; thiếu quy định về việc sử dụng thí nghiệm hầm gió với công trình có quy mô phức tạp và độ cao lớn; Không có tiêu chuẩn tính toán thanh thành mỏng tạo hình nguội, thiết kế kháng hỏa và thiết kế cấu kiện liên hợp thép – bê tông cốt thép…

Đại diện Bộ Quốc phòng đóng góp ý kiến cho Đề án hệ thống TC, quy chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng.

Ngoài ra, các chuyên gia đầu ngành đến từ các Hiệp hội, Hội trong lĩnh vực xây dựng còn đóng góp nhiều ý kiến khác như vấn đề bản quyền khi chuyển đổi tiêu chuẩn nước ngoài sang TCVN, xác định luận chứng cơ sở để lựa chọn hệ thống TC… Ngoài ra, hầu hết các chuyên gia đều kiến nghị đổi mới hệ thống TC dựa hoàn toàn vào hệ thống TC của châu Âu hoặc Mỹ, trừ Hội Kết cấu và công nghệ xây dựng Việt Nam đề xuất tự xây dựng hệ thống TC riêng.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, cơ bản các ý kiến đều nhất trí phải thay đổi, tiêu chuẩn hiện tại so với thực tiễn đang bị tụt hậu. Tuy nhiên, sự thay đổi phải có lộ trình, không phải loại bỏ toàn bộ tiêu chuẩn cũ.

Thực tế trong 20 năm qua, thị trường Việt Nam đã áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn, nhưng chưa bao giờ có đánh giá cụ thể về việc áp dụng các TC. Chính vì thế, Bộ Xây dựng đã giao cho Cục Quản lý hoạt động xây dựng thực hiện việc rà soát toàn bộ lĩnh vực xây dựng kết cấu, tìm hiểu việc thiết kế trong thực tiễn theo TC nào thuận tiện hơn, làm tiền đề cho việc lựa chọn một hệ thống tiêu chuẩn phù hợp với thị trường Việt Nam.

Về lộ trình phát triển hệ thống mới, Bộ Xây dựng sẽ vừa duy trì hệ thống hiện tại, vừa xây dựng hệ thống mới. Sau khi hệ thống TC mới được áp dụng phổ biến, Bộ Xây dựng sẽ có kế hoạch để từ từ loại bỏ các TC cũ. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ làm việc cùng Bộ Khoa học và Công nghệ để tìm giải pháp đặt tên của hệ thống tiêu chuẩn mới đảm bảo tính pháp lý để áp dụng vào thực tiễn.

Nguồn: Hữu Mạnh – Báo Xây Dựng

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *