Hướng tới hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật quản trị đất đai

Hướng tới hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật quản trị đất đai

Sau sáu năm thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy vẫn còn những vướng mắc trong quá trình thực hiện, hiện tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Hội thảo những định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai về kinh tế đất, giá đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vào chiều 8/8, tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh sau sáu năm thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy vẫn còn những vướng mắc trong quá trình thực hiện, hiện tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do hệ thống chính sách pháp luật chưa hoàn thiện, vẫn còn chồng chéo. Nguyên nhân cốt lõi dẫn đến khiếu kiện về đất đai chính là tài chính, kinh tế đất đai chưa được giải quyết triệt để…

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đưa ra nội dung cơ bản dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai về kinh tế và giá đất.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến, mục đích của việc sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm và bền vững. Đồng thời, tăng nguồn thu từ đất đai phát triển bằng hình thức thu hồi đất sau khi quy hoạch được công bố, tạo quỹ đất sạch cho Nhà nước để đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; giảm khiếu kiện về đất đai…

Cụ thể, về dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Đất đai về kinh tế và giá đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, sửa đổi Khoản 2, Điều 77 theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện bồi thường đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp ổn định trước ngày 1/7/2004 nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Về giá đất, dự thảo bổ sung quy định về việc đăng ký giá đất vào Điều 95 Luật Đất đai nhằm từng bước thiết lập cơ sở dữ liệu về giá đất…

Bàn về các giải pháp về sửa đổi, bổ sung bảng giá đất, đại diện Cục Kinh tế Phát triển Quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai cho rằng, cần quy định nâng bảng giá đất phù hợp với thị trường; quy định đối với địa phương có đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở dữ liệu đất đai thì từng bước xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn; áp dụng công nghệ thông tin hỗ trợ việc định giá đất, xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất. Về lâu dài, bỏ hàng giá đất, thay thế phương pháp định giá đất bằng phương pháp thửa đất chuẩn theo vùng giá trị. Bên cạnh đó cần mở rộng phạm vi áp dụng hàng giá đất đối với loại đất không có thị trường, không xác định được thu nhập từ thửa đất và định giá đất cụ thể.

Để giải bài toán khiếu kiện liên quan đến đất đai, nhiều ý kiến thống nhất rằng khi có một hệ thống quản trị đất đai tốt thì nguồn lực của đất đai sẽ mang lại rất lớn. Do vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần tính đến sửa từ gốc, đó là giải quyết vấn đề tài chính-kinh tế đất đai, từ đó tạo ra hệ thống quản trị đất đai tốt.

Nguồn: Diệu Thúy (TTXVN/Vietnam+)

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *