“Khoảng lặng” trong các hoạt động khai thác khi giá dầu giảm

“Khoảng lặng” trong các hoạt động khai thác khi giá dầu giảm

Giá dầu thấp đã buộc các công ty năng lượng lớn phải siết chặt hoạt động thăm dò và khai thác dầu, ngay cả khi việc tìm ra các mỏ dầu mới là yếu tố quyết định sự tồn tại của họ.
Các công ty năng lượng lớn phải siết chặt hoạt động thăm dò và khai thác dầu. Ảnh minh họa: TTXVN

Những diễn biến tiêu cực của đại dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu sụt giảm mạnh.

Trong bối cảnh đó, môi trường giá thấp đã buộc các công ty năng lượng lớn phải siết chặt hoạt động thăm dò và khai thác dầu, ngay cả khi việc tìm ra các mỏ dầu mới là yếu tố quyết định sự tồn tại của họ.
Lâu nay, dầu khí vẫn là lĩnh vực kinh doanh chính của ngành năng lượng, mặc dù nhiều khu vực trên thế giới đang có xu hướng chuyển dần sang năng lượng sạch hơn như năng lượng gió.
Stephen Brennock, chuyên gia phân tích thuộc công ty môi giới dầu PVM, chia sẻ với hãng tin AFP rằng các công ty dường như không thể thu được lợi nhuận từ các hoạt động tìm kiếm dầu nếu triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu và môi trường giá cả tiếp tục ở mức thấp.
Theo đó, chuyên gia Brennock khẳng định ông không kỳ vọng các hoạt động khoan dầu sẽ phục hồi trong trung hạn và “thay vào đó, các chuyên gia sẽ buộc phải chuyển hướng sang tăng cường danh mục năng lượng xanh để tồn tại”.
Theo nhóm nghiên cứu Westwood, so với các kế hoạch được công bố trước khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện, số dự án thăm dò ở vùng Biển Bắc của Vương quốc Anh đến nay đã giảm đến 70%, trong khi ở ngoài khơi bờ biển Na Uy, con số này là 30%.
Tập đoàn dầu khí khổng lồ ExxonMobil của Mỹ đã cắt giảm tổng cộng 30% các dự án thăm dò, tương đương với mức giảm đầu tư lên tới 10 tỷ USD (8,4 tỷ euro). Trong khi đó, cũng tại Mỹ, có đến hơn 30 công ty khai thác dầu đã nộp đơn phá sản trong năm nay, theo công ty luật Haynes & Boone.
Ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, các đối thủ của ExxonMobil là ENI, BP và Equinor cũng đã thực hiện các động thái tương tự, khiến các nhà thầu phụ (bao gồm cả tập đoàn dịch vụ dầu khí CGG của Pháp), dự kiến doanh thu giảm đến 40% trong năm nay.
Nhóm nghiên cứu Rystad Energy ước tính, nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức 40 USD/thùng như hiện tại, sẽ có thêm 150 công ty có thể bị “xóa sổ” vào năm 2022.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia phân tích Raphaela Hein của JBC Energy nhận định: “Các chương trình khoan dầu sẽ bị cản trở trong thời gian tới, không chỉ ở khu vực dầu đá phiến của Mỹ mà còn ở những khu vực khác. Đây là hậu quả của các biện pháp cắt giảm chi phí”.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng hoạt động khai thác và tìm kiếm mỏ dầu mới vẫn sẽ được thực hiện, dù có thể ở mức độ thấp hơn một chút, để phục vụ các kế hoạch dài hạn. Tất nhiên điều này cũng sẽ góp phần đảm bảo sự sống sót của các doanh nghiệp. Mặc dù vậy, chuyên gia Hein nói rằng các dự án ở Bắc Cực dường như là “không khả thi về mặt kinh tế”.
Giá dầu đã phục hồi mạnh sau khi rơi xuống ngưỡng âm trong những ngày đầu của đại dịch COVID-19, song mức tăng là không bền vững trong các hợp đồng giao dịch dầu chủ chốt của thế giới như dầu Brent Biển Bắc và dầu ngọt nhẹ WTI.

Trong tuần trước, giá dầu đã một lần nữa “rơi” mạnh xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng.
Nhà phân tích Bjarne Schieldrop của SEB cho biết: “Các thị trường hiện tại không tin tưởng vào tương lai ngành dầu mỏ và việc các hoạt động khai thác dầu sẽ giảm trong bao lâu phụ thuộc vào diễn biến giá dầu”.
Mặc dù vậy, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 8/2020 đã phê duyệt kế hoạch khoan dầu và khí đốt tại Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Bắc Cực ở Alaska. Điều này khiến các nhà hoạt động môi trường phẫn nộ.
Chuyên gia Hein nhận định, trong khi cuộc khủng hoảng giá dầu đang khiến những dự án tầm cỡ như vậy trở nên khó thực hiện, các mục đích chính trị có thể vẫn tạo ra điều khác biệt./.

Nguồn: BNEWS

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *