Khu đông TP Hồ Chí Minh: Lúng túng trong xử lý trật tự xây dựng

Khu đông TP Hồ Chí Minh: Lúng túng trong xử lý trật tự xây dựng

(Xây dựng) – Những năm gần đây, do tỷ lệ đô thị hóa cao nên tình trạng xây dựng không phép, sai phép có chiều hướng gia tăng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, điển hình là khu đông gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức. Mặc dù các quy định, chế tài pháp luật đã có nhưng công tác phối hợp giữa Đội Thanh tra xây dựng địa bàn và UBND phường chưa chặt chẽ, chưa kịp thời, chưa kiên quyết xử lý ngay từ đầu để công trình gần hoàn thành hoặc hoàn thành mới phát hiện

Công trình xây dựng không phép tại quận 9 đã bị Thanh tra Xây dựng xử phạt 40 triệu đồng.

Thực trạng vi phạm trật tự xây dựng tại khu đông

Khu đông TP Hồ Chí Minh gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức là nơi có địa bàn rộng lớn, là cửa ngõ kết nối với miền Trung, Tây Nguyên. Bên cạnh đó, khu đông cũng là khu vực có nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao nên nhu cầu về nhà ở của người lao động là vô cùng lớn lao.

Theo báo cáo của UBND quận 9, tính từ 2016 đến nay, quận đã tiếp nhận và cấp 16.268 giấy phép xây dựng cho người dân. Còn quận 2 thì năm 2017 đã xử lý 187 vụ, năm 2018 là 244 vụ, 5 tháng đầu năm 2019 là 148 vụ. Riêng quận Thủ Đức 6 tháng đầu năm cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện gần 200 trường hợp xây dựng không phép, sai phép, tăng khoảng 150 trường hợp so với năm 2018.

Nguyên nhân dẫn đến vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) là ý thức người dân trong việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực xây dựng còn thấp, sự hiểu biết còn hạn chế, một số trường hợp cố tình vi phạm nên dẫn đến tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, đất biền rạch, mua bán giấy tay vẫn còn diễn ra gây khó khăn trong công tác tuyên truyền (do phần lớn dân nhập cư vi phạm xây dựng không phép).

Bên cạnh đó, công tác quản lý đất do Nhà nước trực tiếp quản lý có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các công trình vi phạm chưa kịp thời, không triệt để sự phối hợp giữa các cấp, các đơn vị chưa chủ động, thiếu chặt chẽ, đùn đẩy trách nhiệm; có lúc có nơi buông lỏng vai trò lãnh đạo của cấp ủy, trách nhiệm quản lý Nhà nước của UBND phường về đất đai; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra chưa được quan tâm đúng mức…

Riêng địa bàn quận 9 thì tình trạng vi phạm TTXD, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép trên địa bàn diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều. Điển hình như năm 2016, quận 9 có 103 trường hợp xây dựng không phép, trong đó đủ điều kiện cấp phép xây dựng có 23/103 trường hợp, tỷ lệ 22,33%, không đủ điều kiện cấp phép 80/103 trường hợp, tỷ lệ 88,8%.

Năm 2017, số vụ không phép tăng lên là 125 (trong đó đủ điều kiện cấp phép xây dựng đó 7/125 trường hợp, tỷ lệ 5,6%, không đủ điều kiện cấp phép 118/125 trường hợp, tỷ lệ 94,4% trường hợp), tăng 22 trường hợp so với năm 2016 (tỷ lệ tăng 21,35%).

Đùn đẩy trách nhiệm

Ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Chủ tịch UBND quận 2 cho biết: Công tác phối hợp giữa Đội Thanh tra địa bàn quận (Thanh tra Sở Xây dựng) và UBND phường chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kiên quyết vi phạm ngay từ đầu, để công trình gần hoàn thành hoặc đã hoàn thành đưa vào sử dụng mới xử lý.

“Việc xác định công trình vi phạm xây dựng không phép, sai phép còn bất cập, chưa thống nhất, có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm xử lý giữa Thanh tra Sở Xây dựng và UBND phường, chưa thực hiện đúng, đủ nội dung quy chế phối hợp quản lý xây dựng ban hành kèm theo Quyết định số 58/2013/QĐ-UBND của UBND thành phố. Trường hợp điển hình như chủ đầu tư có ý đồ không trung thực, xây dựng phần thô công trình theo giấy phép xây dựng, sau đó liên hệ chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) lập thủ tục công nhận quyền sở hữu nhà và cập nhật tài sản trên Giấy chứng nhận (thủ tục hoàn công) trong khi công trình chưa hoàn tất xây dựng và đưa vào sử dụng.

Thủ tục này không thông qua UBND quận kiểm tra, kiểm soát. Sau khi hoàn công xong, chủ nhà tiếp tục xây dựng sai phép, lúc này Đội Thanh tra địa bàn xác định trách nhiệm kiểm tra, giám sát thuộc phường do xây dựng không phép, phường lại xác định theo Quyết định số 58/2013/QĐ-UBND trách nhiệm này của Đội Thanh tra địa bàn do xây dựng sai phép”, ông Khiết nhấn mạnh.

Để xử lý vấn đề xây dựng không phép, sai phép được triệt để, ngoài việc tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật thì cơ quan chức năng cần kiên quyết hơn.

Ông Trần Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức hiến kế: “Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức công tác trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về TTXD. Tăng cường và nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền, giáo dục với các hình thức phong phú, sáng tạo, thuyết phục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc thực hiện quy định của pháp luật về TTXD nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong chấp hành pháp luật về xây dựng.

Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia sử dụng phần mềm quận 9 trực tiếp trong việc phản ánh các nội dung liên quan đến lĩnh vực TTXD đô thị, nâng cao trách nhiệm giám sát của cộng đồng dân cư và các tổ chức đoàn thể trong việc giám sát TTXD.

Tuyên truyền và khuyến khích người dân nộp hồ sơ cấp Giấy phép xây dựng qua mạng (dịch vụ công mức độ 3) trên địa bàn quận 9, giúp người dân tiếp cận thủ tục hành chính một cách dễ dàng, nhanh chóng nhằm hạn chế và giảm bớt tình trạng vi phạm xảy ra trên địa bàn”.

UBND quận 2 đưa ra các giải pháp như: Không cấp số nhà cho công trình vi phạm, không cấp đồng hồ nước và đồng hồ điện hoặc nếu đã có điện nước rồi thì tạm thời cắt điện nước cho đến khi khắc phục sai phạm xong; không giải quyết đăng ký kinh doanh; không giải quyết nhập hộ khẩu; không giải quyết thủ tục công nhận quyền sở hữu nhà và cập nhật tài sản trên giấy chứng nhận đối với các công trình sai phạm nếu chưa khắc phục xong; không thực hiện thủ tục mua bán, chuyển nhượng…

“Quận 2 cũng đưa ra mục tiêu từ nay đến Đại hội Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2020 – 2025 phấn đấu 100% công trình khi khởi công xây dựng phải đảm bảo điều kiện và kiểm tra, giám sát theo quy định. 100% công trình sai phép, không phép phải được phát hiện ngay từ đầu và được xử lý theo quy định”, ông Khiết thông tin thêm.

Nguồn: Cao Cường – Báo Xây Dựng

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *