Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt 358 tỷ USD

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt 358 tỷ USD

 

(VLR) Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9/2019 (từ ngày 1-15/9) đạt 20,71 tỷ USD, giảm 18,8% (tương ứng giảm 4,81 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 8/2019.
Quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam nhiều khả năng đạt mốc mới 500 tỷ USD trong năm 2019

Quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam nhiều khả năng đạt mốc mới 500 tỷ USD trong năm 2019

Như vậy, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 358 tỷ USD, tăng 7,8% (tương ứng tăng 25,98 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.

Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 9 năm 2019 thặng dư 189 triệu USD, qua đó đưa mức thặng dư từ đầu năm đến hết ngày 15/9 đạt 5,57 tỷ USD.

15 ngày đầu tháng 9 các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 13,53 tỷ USD, giảm 16,9%, tương ứng giảm 2,75 tỷ USD so với nửa cuối tháng 8/2019.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/9 nhóm doanh nghiệp FDI có kim ngạch xuất nhập khẩu 226,64 tỷ USD, tăng 4,6%, so với cùng thời gian năm 2018.

Cán cân thương mại hàng hóa của các doanh nghiệp FDI đạt thặng dư 1,05 tỷ USD trong nửa đầu tháng 9 và tính đến hết ngày 15/9 đạt 22,31 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 9 đạt 10,45 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/9 đạt 181,72 tỷ USD, tăng 7,7% (tương ứng tăng 12,99 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.

So với nửa cuối tháng 8/2019, xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 9 bị giảm ở nhiều mặt hàng quan trọng như: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 565 triệu USD; hàng dệt may giảm 550 triệu USD; máy vi tính điện tử và linh kiện giảm 370 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 217 triệu USD, tương ứng giảm 23,9%; giày dép các loại giảm 206 triệu USD…

Về nhập khẩu, kim ngạch trong kỳ 1 tháng 9 đạt 10,26 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch đến hết ngày 15/9 đạt 176,15 tỷ USD, tăng 8% (tương ứng tăng 12,99 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.

Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kỳ 1 tháng 9 một số mặt hàng chủ lực bị giảm kim ngạch như: Máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 269 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 220 triệu USD; than các loại giảm 108 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 91 triệu USD…

Nguồn: Theo Báo Hải quan

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *