Lào siết chặt quản lý xăng dầu

Lào siết chặt quản lý xăng dầu

Lào chuẩn bị áp dụng các hàng loạt biện pháp nhằm ổn định thị trường xăng dầu, bảo đảm tiêu chuẩn xăng dầu nhập khẩu và tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh trên thị trường kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước.

Là o siết chặt quản lý xăng dầu

Một trạm xăng của Petrolimex Lào tại Vientiane.

Bộ Công thương Lào vừa công bố văn bản số 0577 quy định thời hạn hoàn thiện hồ sơ bổ sung đối với một số hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu tại nước này. Theo đó, thời hạn các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực xuất nhập khẩu hoặc phân phối xăng dầu phải hoàn thành chậm nhất là ngày 1-5-2019. Văn bản này sẽ có hiệu lực áp dụng từ ngày 1-6 tới, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn khi kinh doanh xăng dầu dựa trên Nghị định số 331/CP của Chính phủ Lào, ký ngày 27-10-2017.

Theo đó, những công ty nhập khẩu và phân phối xăng dầu tại Lào muốn chuyển đổi thành công ty xuất nhập khẩu xăng dầu thì cần phải chuyển đổi Giấy đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp vốn đăng ký nhỏ hơn 150 tỷ kíp Lào (khoảng 18 triệu USD) với việc trình đủ hồ sơ lên Bộ Công thương chậm nhất là ngày 1-5 tới đây để xem xét. Các công ty kinh doanh trạm cung cấp xăng dầu cũng phải đáp ứng đủ các điều kiện trong quy định của Nghị định năm 2017 và cũng phải trình đủ hồ sơ lên Bộ Công thương Lào chậm nhất là vào ngày 1-5-2019.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Nghị định 331/CP và Văn bản số 0577 của Bộ Công thương Lào không nhằm phân hạng các doanh nghiệp được kinh doanh xăng dầu tại Lào mà nhằm quy hoạch lĩnh vực xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu theo đúng định hướng phát triển thị trường năng lượng của Lào. Hiện nay, tại Lào có 26 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó doanh nghiệp ngoại gồm hai công ty của Việt Nam là Công ty TNHH MTV Petrolimex Lào và Công ty PV OIL Lào, Thái-lan là Tập đoàn Dầu khí Thái-lan (PTT).

Trao đổi phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Lào, ông Vũ Ngọc Tú, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Petrolimex Lào, đơn vị thành viên của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đang hoạt động tại Lào, cho biết, Nghị định 331/CP và Văn bản số 0577 của Bộ Công thương Lào có ý nghĩa rất tích cực trong việc quy chuẩn các đầu mối phân phối xăng dầu tại Lào, tạo điều kiện cho các nhà phân phối xăng dầu đủ năng lực, hạn chế các đầu mối phân phối xăng dầu nhỏ lẻ nhập xăng dầu từ các nguồn không chính thức. Mặt khác cũng vừa tạo áp lực nhất định cũng như cơ hội để các doanh nghiệp có tiềm lực về xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu tại Lào có định hướng rõ ràng về chất lượng dịch vụ và năng lực kinh doanh.

Trong Nghị định số 331/CP của Chính phủ Lào, đáng chú ý về phần phụ lục có nội dung quy định kinh doanh phân phối xăng dầu là, các trạm xăng đã có từ trước khi Nghị định có hiệu lực phải hội đủ điều kiện hoạt động là: cách khu dân cư, trường học, bệnh viện, chợ, nguồn nước, đường cong, ngã rẽ, trạm xăng…. đã có trước đó từ một km trở lên. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, sẽ phải ngừng hoạt động sau hai năm Nghị định có hiệu lực. Điều này cũng là một thách thức đối với hệ thống phân phối xăng dầu của các công ty kinh doanh xăng dầu có chức năng xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu đang hoạt động kinh doanh tại Lào, nhưng cũng hướng thị trường kinh doanh xăng dầu tại Lào ngày càng phát triển ổn định, lành mạnh và đạt tiêu chuẩn chất lượng khu vực.

Nguồn: hiephoixangdau.org

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *