Logistics xanh tại các doanh nghiệp

Logistics xanh tại các doanh nghiệp

(VLR) Không thể không thừa nhận lợi ích của logistics xanh với xã hội và doanh nghiệp, nhưng tỷ lệ các doanh nghiệp có hoạt động này hiện nay còn rất hạn chế. Những cản trở chủ yếu ngoài vốn đầu tư ban đầu lớn thì còn phải kể đến năng lực ứng dụng công nghệ, trình độ quản lý và những hướng dẫn chi tiết cho hoạt động logistics xanh. Dưới đây là khung sườn khái quát cho các hoạt động logistics xanh tại doanh nghiệp. Tùy điều kiện, mỗi doanh nghiệp có thể lựa chọn những khía cạnh thuận lợi, dễ tiến hành để thích nghi dần, về lâu dài các biện pháp sẽ được mở rộng, đồng bộ.

Mua xanh

Mua xanh đề cập đến việc mua sắm các sản phẩm và dịch vụ giảm thiểu tác hại đến sức khỏe con người và môi trường. Bao gồm việc mua nguyên liệu cho sản xuất, đóng gói, phân phối, tái sử dụng, vận hành, bảo trì và xử lý sản phẩm hoặc dịch vụ. Mục tiêu của mua xanh không nhằm vào giảm sức tiêu dùng mà chuyển đổi hoạt động mua theo hướng thải ít carbon, sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên, mà vẫn tạo ra cơ hội gia tăng chất lượng cuộc sống của người sử dụng. Mua xanh thường được mô tả đơn giản dưới công thức: Mua xanh = (Chất lượng + Chi phí + Giao hàng) + Môi trường.

Công thúc này hàm ý rằng ngoài những mục tiêu cơ bản của mua về chất lượng hàng hóa, chi phí và các yêu cầu giao hàng thì cần đạt cả mục tiêu về môi trường. Doanh nghiệp cần cân bằng tất cả các mục tiêu này khi thực hiện mua xanh.

Để thực hiện mua xanh hiệu quả và thành công, Mạng lưới mua sắm xanh quốc tế (IGPN) đã xác định 4 nguyên tắc cơ bản dưới đây:

  • Cân nhắc kỹ các sản phẩm/dịch vụ có thực sự cần thiết phải mua, sửa chữa hay đổi mới hay không. Tính toán mua các sản phẩm mới với số lượng vừa đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng, các giải pháp thuê hoặc cho thuê cũng nên được xem xét.
  • Xem xét vòng đời của sản phẩm. Cần xem tác động tới môi trường trong suốt các giai đoạn thu mua nguyên liệu thô cho tới khi thải bỏ sản phẩm. Về khả năng giảm thiểu các chất độc hại; sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, tăng độ bền, thiết kế để tái sử dụng, thiết kế để tái chế, khả năng thải bỏ.
  • Chọn nhà cung cấp bảo vệ môi trường. Ưu tiên nhà cung cấp có chính sách và các biện pháp quản lý bảo vệ môi trường phù hợp, tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường.
  • Thu thập thông tin về môi trường. Trước khi quyết định mua, nên quan tâm tới các thông tin về sản phẩm xanh hay nhãn sinh thái của doanh nghiệp, các tiêu chuẩn môi trường mà doanh nghiệp tuân thủ.

Vận tải xanh

Vận tải xanh được hiểu là những nỗ lực giảm thiểu các tác động có hại tới môi trường trong việc tổ chức các hoạt động vận chuyển và chuyên chở hàng hóa tại doanh nghiệp. Các hoạt động vận tải xanh đòi hỏi doanh nghiệp phải tính toán để giảm thiểu nhu cầu vận tải; Khuyến khích sử dụng các phương tiện vận tải dùng ít năng lượng hoặc năng lượng sạch, thân thiện môi trường; Cải tiến các quy trình vận tải để giảm khí thải và áp dụng các công nghệ, kỹ thuật mới nhằm giảm mức độ ô nhiễm. Tuy nhiên việc ứng dụng vận tải xanh tại doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào mức độ xanh hóa của hệ thống giao thông vận tải quốc gia. Loại trừ doanh nghiệp vận tải, các doanh nghiệp kinh doanh khác cần chú trọng nhiều vào giảm thiểu nhu cầu vận tải và tận dụng tối đa dung tích phương tiện vận tải để hạn chế số chuyến xe chạy trên đường.

Sản xuất xanh

Sản xuất xanh là việc thực hiện tích hợp quá trình sản xuất với chiến lược quản lý môi trường nhằm phòng ngừa và loại bỏ các rủi ro đối với sức khỏe con người, nâng cao hiệu quả môi trường. Sản xuất xanh giải quyết hai vấn đề:

Sản xuất các sản phẩm xanh: Một sản phẩm được xem là xanh nếu đáp ứng được 1 trong 4 tiêu chí: được tạo ra từ các loại nguyên vật liệu thân thiện với môi trường; đem lại giải pháp an toàn cho sức khỏe con người và môi trường; ít tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng; sản phẩm phải thực sự thân thiện với môi trường và an toàn với sức khỏe con người.

Sử dụng công nghệ xanh: Là những công nghệ cho phép giảm ô nhiễm và chất thải nhờ sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên, có khả năng tái chế và tái sử dụng chất thải, giảm khí thải. Các công nghệ này được sử dụng để đưa môi trường trở lại trạng thái ban đầu trước khi bị hư hại nên còn được gọi là công nghệ môi trường, hay công nghệ sạch. Công nghệ xanh bao gồm nhiều hướng như tái chế; làm sạch nước, lọc không khí, năng lượng sạch, phục hồi hệ sinh thái… Việc sử dụng công nghệ xanh sẽ tạo ra khoảng “thời gian nghỉ” cho môi trường sống. Trong khi chất thải được quản lý chặt chẽ và có thể được tái chế thì hệ sinh thái bị ảnh hưởng có thời gian để hồi phục lại và được bảo tồn.

Nhà kho và bao bì xanh

Cùng với sản xuất, doanh nghiệp có thể làm xanh là nhà kho và trung tâm phân phối của mình. Bằng cách tối ưu hóa không gian và cải tiến các nghiệp vụ, kho và trung tâm phân phối có thể giảm thiểu việc sử dụng đất, giảm chi phí năng lượng điện, giảm lãng phí về vật chất và lượng phế thải ra môi trường. Nhà kho xanh cũng gắn liền với bao bì đóng gói xanh, vì đây là không gian liên quan chủ yếu đến các tác nghiệp đóng gói, dỡ và hoàn trả bao bì.

Bao bì xanh, hay bao bì sinh thái, là tên gọi chung cho những loại bao bì thân thiện với môi trường. Bao gồm những sản phẩm từ tự nhiên hay nguyên liệu dễ tái chế, sử dụng trong việc đóng gói, lưu trữ thực phẩm hàng ngày. Các giải pháp đóng gói xanh bao gồm sử dụng các vật liệu phân hủy sinh học hoặc có thể tái chế như nhựa và xốp. Chú trọng đến kích thước, hình dạng của các gói và loại vật liệu đệm lót để giảm tối đa tiêu tốn nguyên liệu. Đóng gói hợp lý cũng cho phép sử dụng hiệu quả không gian nhà kho và giảm số lượng phương tiện vận chuyển cần thiết, hỗ trợ cho vận tải xanh.

Logistics ngược

Logistics ngược là hoạt động tối ưu hóa dòng nguyên liệu, vật liệu, bán thành phẩm từ điểm tiêu thụ đến các giai đoạn ban đầu nhằm gia tăng giá trị hoặc xử lý phù hợp. Hoạt động logistics ngược tại doanh nghiệp nhằm tận dụng tối đa những giá trị còn lại hoặc thải hồi các phế phẩm một cách hợp lý. Các hoạt động cơ bản của logistics ngược bao gồm: Tái sử dụng trực tiếp hoặc bán lại; Phục hồi sản phẩm bao gồm việc sửa chữa, làm mới, sản xuất lại, tháo để lấy phụ tùng…; Xử lý rác thải.

Với bản chất tích hợp, các hoạt động logistics xanh cũng đòi hỏi phải được phối hợp thành hệ thống tại doanh nghiệp để đạt được hiệu quả tối đa. Tuy nhiên ở giai đoạn đầu, doanh nghiệp có thể xanh hóa theo từng khâu, từng hoạt động. Mặt khác cũng cần chú trọng kết hợp với hệ thống hạ tầng logistics quốc gia. Các giải pháp logistics xanh của doanh nghiệp chỉ có thể thành công khi được sự hỗ trợ từ những nỗ lực xanh hóa của toàn ngành. Đây cũng là cơ sở để giảm chi phí trong các ứng dụng xanh vì chỉ khi dựa vào sự đồng bộ của các giải pháp vĩ mô và vi mô, mới có thể tạo ra những nỗ lực quy mô lớn, nhờ đó giảm chi phí trên bình diện tổng thể cũng như ở doanh nghiệp.

Nguồn: VLR

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *