Lời kêu gọi mở kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ có là cảnh báo với OPEC+?

Lời kêu gọi mở kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ có là cảnh báo với OPEC+?

Mỹ đã hối thúc OPEC+ đẩy nhanh việc tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu, khi các nền kinh tế trên toàn cầu bắt đầu phục hồi sau giai đoạn đóng cửa để phòng ngừa đại dịch COVID-19.
Tàu chở khí hóa lỏng Ob River trên vùng Bắc Cực. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới quan sát nhận định việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy các nước tiêu thụ dầu lớn phối hợp “giải phóng” kho dự trữ dầu là lời cảnh báo đối với Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất ngoài khối (nhóm OPEC+) rằng họ nên “bơm” thêm dầu để giải quyết tình hình giá nhiên liệu tăng cao ở các nền kinh tế lớn.
* Tín hiệu từ Chính phủ Mỹ
Trong một thời gian tương đối dài, Nhà Trắng và các quan chức Chính phủ Mỹ đã hối thúc OPEC+ đẩy nhanh việc tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu, khi các nền kinh tế trên toàn cầu bắt đầu phục hồi sau giai đoạn đóng cửa để phòng ngừa đại dịch COVID-19.

Các thùng chứa dầu tại Công ty Dầu Saudi Aramco ở Dammam, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN ; [05/11/2021 09:56:40] Ngày 4/11/2021, Tổ chức các nước xuất khẩu

Tuy nhiên, OPEC+ cho biết vẫn giữ ý định bám sát kế hoạch tăng dần sản lượng khoảng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng. Một nguồn tin OPEC+ đánh giá động thái của Chính phủ Mỹ là một “nỗ lực trong tuyệt vọng” để thách thức khối này. Nguồn tin nói rằng việc số ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng cùng triển vọng những biện pháp hạn chế mới để chống dịch được áp dụng chắc chắn sẽ làm giảm nhu cầu về dầu.
Sau khi những lời kêu gọi của Mỹ bị OPEC+ phớt lờ, chính quyền Tổng thống Biden đã đưa ra một kế hoạch khác để duy trì sức ép lên OPEC+ trước cuộc họp ngày 2/12 của nhóm này về chính sách sản xuất.
Một nguồn tin thân cận ngày 17/11 đã tiết lộ với báo giới rằng nhóm các quan chức Mỹ do Cố vấn cấp cao về An ninh Năng lượng Amos Hochstein dẫn đầu đã kêu gọi các đồng minh lâu năm, gồm Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như Trung Quốc và Ấn Độ xem xét cùng kết hợp mở các kho dự trữ dầu khẩn cấp để kiểm soát giá.
Giới quan sát chỉ ra rằng các quốc gia trên cùng Mỹ hợp thành nhóm 5 nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Vì vậy, động thái này có thể đóng vai trò như một tín hiệu mạnh mẽ về sự thống nhất giữa phía các quốc gia tiêu thụ dầu trước bối cảnh giá năng lượng toàn cầu leo thang. Các nhà phân tích cho biết nếu những lời kêu gọi này được thực hiện, chúng cũng có thể khiến giá dầu xuống thấp hơn trong ngắn hạn. Và điều này có thể ảnh hưởng đến doanh thu của OPEC+.
* Liên minh các quốc gia tiêu thụ dầu chủ chốt hợp lực
Cũng giống như Saudi Arabia và các quốc gia OPEC khác những năm trước đây đã cùng với Nga và các nhà sản xuất lớn ngoài khối hình thành nên một OPEC+ mạnh mẽ hơn, việc Tổng thống Biden tiếp cận các quốc gia châu Á cho thấy khả năng hình thành một nhóm quốc gia tiêu thụ dầu rộng lớn hơn. Giới quan sát cho rằng nhóm này có thể trở thành một “Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mở rộng” – còn gọi là IEA+.

Một cơ sở lọc dầu của công ty dầu mỏ và khí đốt Saudi Aramco, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhật Bản và Hàn Quốc là thành viên IEA, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ chỉ là thành viên liên kết. Một phát ngôn viên của Tổng cục Dự trữ Trung Quốc cho hay nước này đang hành động để mở kho dự trữ năng lượng quốc gia, song không đưa thêm thông tin chi tiết nào.
Trong số các quốc gia tiêu thụ nhiều năng lượng nhất, Ấn Độ là tiếng nói lớn nhất về việc thể hiện sức mạnh của nước này với tư cách là một thị trường tiêu thụ dầu quan trọng. Ấn Độ đã giảm 25% lượng dầu nhập khẩu từ Saudi Arabia sau khi OPEC+ gia hạn chương trình cắt giảm sản lượng.
Sang tuần này, Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Hardeep Singh Puri cho biết tại một sự kiện tổ chức ở Dubai thuộc Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) rằng, các thành viên OPEC có thể tận dụng giá cao trong một thời gian. Nhưng nếu họ làm suy yếu quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu, điều đó có thể tạo ảnh hưởng trái ngược và ám ảnh các nước này.
Bên cạnh đó, một nguồn tin của chính quyền Tổng thống Biden cho biết các quan chức Mỹ đã chuyển sang kêu gọi các quốc gia châu Á này thay vì các thành viên IEA châu Âu. Điều này chủ yếu do phía châu Âu đang lo ngại về giá khí đốt tự nhiên nhiều hơn là giá dầu như các nước châu Á.
Đây không phải lần đầu tiên có lời kêu gọi các nước cùng mở kho dự trữ chiến lược. Kể từ khi IEA được thành lập vào năm 1974, đã có ba đợt phối hợp như vậy. Đầu tiên là trong quá trình trước khi xảy ra cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, sau khi Iraq đưa quân vào Kuwait và khiến một phần lớn xuất khẩu dầu thô của Trung Đông bị đình trệ.

Đợt thứ hai là sau các cơn bão Katrina và Rita, làm hư hại nặng các cơ sở dầu khí ngoài khơi của Mỹ vào năm 2005. Đợt gần đây nhất là vào năm 2011, nhằm giảm thiểu sự gián đoạn nguồn cung do nội chiến Libya gây ra.
* Mối quan hệ nhiều thăng trầm giữa Mỹ và Saudi Arabia
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Biden đã có một mối quan hệ khá thất thường với Saudi Arabia, nhà lãnh đạo trên thực tế của OPEC. Trong chiến dịch tranh cử vào năm 2019, ông Biden khi đó đã mô tả vương quốc này như một “kẻ ngoài lề”. Thậm chí, ông còn có dự định đưa ra lập trường cứng rắn hơn về hồ sơ nhân quyền của Saudi Arabia và sự tham gia của nước này ở Yemen (Y-ê-men).
Chính quyền Tổng thống Biden đã hạn chế việc bán vũ khí cho Saudi Arabia, trừ vũ khí phòng thủ. Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn chưa đe dọa rút hỗ trợ quân sự như cựu Tổng thống Donald Trump từng làm vào năm 2020, khi Saudi Arabia khiến nguồn cung thị trường dư dôi tới hàng triệu thùng dầu.

Dù động thái đó giúp giá xăng rẻ hơn, nó cũng khiến giá dầu thô xuống mức -40 USD/thùng và đe dọa việc làm trong ngành công nghiệp dầu của Mỹ.
Với việc Saudi Arabia hiện từ chối tăng nguồn cung dầu thô, một số nguồn tin Chính phủ Mỹ cho biết Tổng thống Biden đã nêu ý tưởng về việc “giải phóng” kho dự trữ năng lượng khẩn cấp trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, như một phần trong Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo vào đầu tuần này.
Nguồn tin cho hay mặc dù Mỹ có một số bất đồng mạnh mẽ với Trung Quốc, nhưng rõ ràng hai nước có thể hợp tác với nhau về vấn đề này vì có rất nhiều điểm tương đồng trong tác động của giá dầu cao đối với nền kinh tế của hai cường quốc.
Giới phân tích đánh giá mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ có nguy cơ trở nên căng thẳng hơn vì vấn đề giá dầu. Một mặt, nước Mỹ đang dốc toàn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua hạn chế năng lượng hóa thạch. Nhưng mặt khác, Saudi Arabia cũng phải tự tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng của mình. Và quốc gia Vùng Vịnh này đang nhờ vào giá dầu tăng cao cùng những mối quan hệ có lợi cho việc đó.
Nếu OPEC+ chấp thuận yêu cầu của Mỹ, vẫn chưa rõ liệu nhóm này có thể cung cấp thêm bao nhiêu thùng dầu ngoài mức tăng 400.000 thùng/ngày theo kế hoạch. Nếu nhóm cam kết tăng 600.000 thùng/ngày hoặc thậm chí 800.000 thùng/ngày trong tháng 12, câu hỏi lớn đặt ra ở đây sẽ là về việc liệu các nước này có thể thực hiện được kế hoạch đó hay không.
OPEC+ vốn đang phải vật lộn để đạt được mục tiêu sản lượng hàng tháng do thiếu đầu tư vào các mỏ dầu ở các nước như Angola, Nigeria đã cản trở hoạt động sản xuất. Saudi Arabia, Nga và UAE có thể vượt quá hạn ngạch của mình để bù đắp cho các nước yếu hơn, nhưng làm như vậy sẽ đòi hỏi những thay đổi đối với thỏa thuận OPEC+ hiện có.
Một lý do khác cho sự kháng cự của OPEC+ là rủi ro rằng, nếu họ cung cấp thêm dầu ra thị trường, cán cân thị trường sẽ nhanh chóng chuyển sang hướng khác. Nguồn cung hiện đang eo hẹp, nhưng cán cân dự kiến sẽ trở lại dư thừa vào đầu năm tới. Khi đó, những thùng dầu tăng thêm vào cuối năm nay sẽ lại bị cắt giảm./.

H.Thủy (Tổng Hợp)

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *