Lợi nhuận doanh nghiệp cảng biển sẽ hụt hơi khi thực hiện hàng loạt chính sách miễn giảm cho khách hàng?

Lợi nhuận doanh nghiệp cảng biển sẽ hụt hơi khi thực hiện hàng loạt chính sách miễn giảm cho khách hàng?

Đại diện hiệp hội, doanh nghiệp cảng biển cho biết việc thực hiện đồng loạt các chính sách miễn, giảm chi phí lưu container, lưu kho sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc duy trì chuỗi cung ứng, giữ cho huyết mạch kinh tế thông suốt quan trọng hơn lợi nhuận của riêng cá nhân.

Chuỗi cung ứng quan trọng hơn lợi nhuận

Mới đây, Bộ Công Thương kêu gọi các hiệp hội, doanh nghiệp cảng biển giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi cho hàng hóa ở cảng biển và các trung tâm logistics cho các doanh nghiệp bị buộc phải cắt giảm sản xuất do tác động của dịch COVID-19.

Đối với cụm Cảng Quốc tế Tân cảng Cái Mép và Cảng Tân cảng Cái Mép Thị Vải (TCIT/TCTT, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn có văn bản khuyến khích khách hàng khách hàng điều chỉnh “cảng đích” (nơi nhận hàng trực tiếp) về cảng TCIT/TCTT và cảng Tân cảng Hiệp Phước đối với các tàu cập cảng TCIT/TCTT sao cho thuận tiện cho việc tiếp nhận hàng.

Các cảng sẽ hỗ trợ hãng tàu, khách hàng làm việc với cơ quan Hải quan để thực hiện thủ tục chỉnh sửa kê khai hàng hóa (manifest).

Ngay từ đầu tháng 7, TCIT đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu chỉnh sửa cảng đích và nhận container hàng lạnh trực tiếp.

Ngoài việc hỗ trợ phí điều chỉnh manifest, doanh nghiệp sẽ được miễn phí vận hành container lạnh từ lúc container hạ bãi đến 96 giờ đầu tiên sau khi container hoàn thành việc điều chỉnh manifest với cảng đích là TCIT.

Đồng thời, TCIT cũng gảm 50% phí nâng container hàng lạnh khi cảng giao container cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành và sản xuất Cảng TCIT cho biết: “Việc thực hiện đồng loạt các chính sách miễn, giảm chi phí cho doanh nghiệp chắc chắn sẽ khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, việc duy trì chuỗi cung ứng quan trọng hơn lợi nhuận của riêng mình”.

Theo ông Tuấn dư địa bãi chứa của các cảng cộng lại tương đương 35% so với dung lượng của cảng Tân Cảng Cát Lái. Do đó, nếu ùn ứ ở cảng Cát Lái thì nguy cơ ùn ứ cả cụm cảng phía Nam.

Việc giải phóng container, điều chuyển tàu sang các cảng, ICD khác là giải pháp giúp giải tỏa tắc nghẽn cho cảng Cát Lái.

Hiện nay, hàng hóa sau khi được điều tiết chủ yếu sang Tân cảng Hiệp Phước và ICD lân cận cũng thông thoáng hơn, chưa đến mức phải đưa xuống Cái Mép.

Lợi nhuận doanh nghiệp cảng biển hụt hơi khi thực hiện hàng loạt chính sách miễn giảm cho khách hàng? - Ảnh 1.

Cảng Cát Lái kẹt cứng, Tân cảng Sài Gòn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển cảng đích sang các cảng lân cận (Ảnh: VnEconomy)

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) cho biết: “Việc miễn, giảm chi phí sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp cảng biển. Bởi COVID-19 tác động toàn diện đến nền kinh tế, doanh nghiệp cảng biển cũng đang gồng mình gánh chi phí 3 tại chỗ và nhiều chi phí phát sinh khác”.

Theo Tạp chí Vietnam Logistics Review, chi phí lưu kho chiếm 11%, cảng phí chiếm 1% trong tổng chi phí logistics doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải trả cho cảng.

Ông Tương cho biết Bộ Công Thương kêu gọi các hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đến ngành cảng biển hỗ trợ giảm chi phí lưu container, lưu kho bãi nhưng không đưa ra thời hạn và mức độ cụ thể. Do vậy, tùy vào khả năng tài chính và dung lượng tiếp nhận, các doanh nghiệp cảng sẽ có những chính sách phù hợp.

“Chừng nào doanh nghiệp không cầm cự được hoặc dịch COVID-19 được kiểm soát, kinh tế phục hồi thì các chi phí sẽ quay về mặt bằng cũ”, ông Tương nói.

Nói về việc giảm chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ông Hồ Kim Lân, Tổng Thư ký Hiệp hội Hàng Hải Việt Nam (VPA) cho biết: “Đây không phải biện pháp hành chính mà là lời kêu gọi. Doanh nghiệp sẽ cân đối và thiết lập các chính sách trong khả năng của mình.

Bên cạnh đó, chi phí lưu container, lưu kho bãi chỉ là một phần nhỏ trong doanh thu của cảng biển. Do đó, chúng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp cảng biển nhưng không đáng kể”.

Ông Lân cho biết thông thường các doanh nghiệp cảng biển đã có nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng chứ không chờ đến khi có dịch COVID-19 mới làm.

Ngoài chi phí lưu container, lưu kho bãi, doanh nghiệp cảng biển thường xuyên giãn thời gian thanh toán, gói giảm giá, tăng thời lưu kho, miễn phí bốc xếp… để giữ lợi ích lâu dài và mối quan hệ với khách hàng, đặc biệt với các chủ hàng quan trọng.

Dự báo kinh tế cảng biển 6 tháng cuối năm

Theo thống kê của Cục Hàng Hải, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 7 tháng đầu năm ước đạt 425 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó khối lượng hàng container thông qua cảng biển ước đạt gần 15 triệu TEU (container 20 feet), tăng 21% so với năm 2020.

Lợi nhuận doanh nghiệp cảng biển hụt hơi khi thực hiện hàng loạt chính sách miễn giảm cho khách hàng? - Ảnh 2.

Khối lượng hàng hóa container qua cảng biển trong 7 tháng đầu năm (Số liệu: Cục Hàng Hải, Đơn vị: triệu TEU, Đồ họa: Hoàng Anh)

Ông Hồ Kim Lân cho biết 6 tháng đầu năm tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng khả quan nhờ mở rộng quan hệ ngoại thương nên nước ta có nhiều hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt qua Mỹ.

Sản lượng container xuất nhập khẩu Mỹ đạt gần 1,3 triệu TEU, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là nhóm cảng biển có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới với 22%/năm.

Trái với bức tranh tươi sáng đầu năm, ông Lân dự báo: “Ở kịch bản xấu, tăng trưởng 6 tháng cuối năm của ngành cảng biển sẽ không bằng 6 tháng đầu năm. Mức tăng trưởng năm 2021 có thể cao hơn so với năm 2020 nhưng cũng không thể kỳ vọng nhiều”.

Trường hợp dịch COVID-19 kết thúc sớm, mức độ thiệt hại của các doanh nghiệp sẽ thấp hơn. Nhưng nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, hàng xuất không ra được, hàng nhập không vào được, doanh nghiệp cảng biển, xuất nhập khẩu không có hợp đồng sẽ vô cùng khó khăn.

Ngoài ra, các cảng cần giải quyết tình trạng dồn ứ nhanh chóng bởi điều này có thể ảnh hưởng đến các hợp đồng dài hạn với các chủ hàng nước ngoái. Khi chuỗi cung ứng đứt gãy, các chủ hàng có thể sẽ tìm kiếm phương án, thị trường mới.

Cũng theo đại diện TCIT, dịch COVID-19 càng diễn biến phức tạp, nhu cầu vận chuyển đường thủy càng cao do nhu cầu người tiêu dùng tăng, các cảng thế giới cũng giảm công suất, thiếu nhân lực và vận chuyển theo đường bộ, đường không cũng đình trệ.

TCIT thống kê 6 tháng đầu năm, sản lượng hàng hóa qua cảng dự kiến đạt 1,1 triệu TEU, tăng 13 % so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 42% thị phần khu vực cảng container nước sâu Cái Mép Thị Vải.

Ông Tuấn cho biết trước tình hình dịch COVID-19 lan rộng ở các tỉnh phía Nam, TCTT đang thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động, chia tách đội nhóm, làm việc giãn cách, hạn chế tiếp xúc để giảm nguy cơ đứt gãy chuỗi kinh tế cảng.

Đại diện TCIT so sánh dịch COVID-19 xảy ra ở các địa phương chỉ ảnh hưởng đến 1 – 2 doanh nghiệp nhưng nếu dịch bùng phát ở cảng biển sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn doanh nghiệp xuất nhập khẩu và đối tác nước ngoài.

“Trong hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo cho công nhân, cảng biển được an toàn. Cho dù có bị ảnh hưởng cũng sẽ khắc phục nhanh nhất chứ không bị dừng hoạt động”, ông Tuấn nói.

Nguồn Doanh Nghiệp Niêm Yết

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *