Mỹ quyết phá mạng lưới vận chuyển dầu mỏ của Iran ra nước ngoài

Mỹ quyết phá mạng lưới vận chuyển dầu mỏ của Iran ra nước ngoài

Đây là động thái mới nhất của Mỹ để truy lùng các mạng lưới vận tải đường biển giúp Iran lách lệnh cấm vận của Mỹ.

Chú thích ảnh

Tàu chở dầu của Iran neo tại cơ sở khai thác dầu El Palito sau khi tới Venezuela ngày 25/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Các công tố viên liên bang Mỹ vừa tiến hành khởi kiện để thu giữ số tiền tương ứng với lượng dầu mỏ được 4 tàu chở dầu của Iran chuyển cho Venezuela. Với việc khiếu kiện phạt tiền dân sự này, các công tố viên Mỹ không chỉ nhắm đến mục tiêu ngăn chặn vận chuyển dầu mỏ của Iran cho Venezuela (được khởi động từ tháng trước), mà còn tước đoạt nguồn thu của Tehran từ việc giao hàng này, ngăn chặn các chuyến hàng tiếp theo.

Đây là diễn biến mới nhất trong một loạt những động thái mà Mỹ theo đuổi để chống Iran và quốc gia đồng minh Venezuela, là một phần trong chiến lược gây sức ép đòi chính quyền Tehran và Caracas phải đáp ứng các yêu sách của Mỹ.

Trong đơn kiện, công tố viên Zia Faruqui tại Washington DC cáo buộc một doanh nhân người Iran có liên hệ với lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC), tổ chức bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố, là người đứng ra thu xếp việc mua bán, vận chuyển dầu thô thông qua một mạng lưới các công ty vỏ bọc để tránh sự theo dõi và lách đòn trừng phạt từ phía Mỹ.

Theo các điều tra viên liên bang Mỹ, doanh nhân Mahmoud Madanipour người Iran đã sử dụng các công ty vỏ bọc đặt ở Các Tiểu vương quốc Arabp thống nhất (UAE) để điều phối hoạt động mua bán dầu, sửa đổi, làm sai lệch nguồn gốc lô dầu và thực thi các hoạt động sang mạn trên biển xa đầy nguy hiểm. Chính Madanipour cũng là người thu xếp vận chuyển dầu mỏ của Iran sang Trung Quốc và Malaysia.

Việc khởi kiện diễn ra sau nhiều căng thẳng ngoại giao trong quan hệ song phương Mỹ-Iran, cùng với đó là cảnh báo của Mỹ – từ phía nhà nước lẫn tư nhân, nhằm vào các công ty có hoạt động trong ngành vận tải biển trong hoạt động làm ăn với Iran, Venezuela. Giới phân tích nhận định, chiến dịch gây sức ép của Mỹ đã khiến xuất khẩu năng lượng của hai nước này rớt xuống đáy.

Theo các quan chức Mỹ, chiến dịch vận chuyển dầu mỏ từ Iran sang Venezuela vừa rồi có sự tham gia của một đội tàu chở dầu 9 chiếc. Trước đó, Mỹ đã cảnh báo, gây áp lực để 4 tàu là Bella, Luna, Pandi và Bering rời đội tàu vận tải này.

Thông tin mà các điều tra viên liên bang Mỹ thu thập được trong vụ này cho thấy những cá nhân đứng ra thu xếp việc vận chuyển dầu cho Iran có thể đã tìm ra một cách thức mới để thoát sức ép từ Mỹ. Theo đó, chủ sở hữu các tàu không muốn thực hiện các chuyến giao hàng này vì sợ đe dọa từ Mỹ. Nhưng những người như Madanipour lôi kéo số này bằng được, thậm chí sẵn sàng đồng ý mua cả tàu.

Vụ kiện cũng chứng tỏ Iran vẫn duy trì các kênh liên hệ tài chính với thế giới bên ngoài bất chấp chiến dịch gây sức ép của Mỹ. Một người mua đại diện cho Trung Quốc đã từng hỏi Madanipour liệu có thể trả tiền mua dầu ở một nước thứ 3 như Oman, UAE hay không để tránh cấm vận Mỹ. Câu trả lời của Madanipour là: “Chúng tôi có thể nhận tiền ở Oman, UAE, Thổ Nhĩ kỳ, Italy và Đức”.

Nhưng một thực tế khác cũng lộ ra, đó chính là điểm yếu cốt tử của những người trong mạng lưới muốn lách trừng phạt: Họ cần tiếp cận được với hệ thống tài chính do Mỹ chi phối để trả tiền cho các dịch vụ vận tải biển, thường là thông qua thẩm quyền tài phán ở nước ngoài.

Ông Madanipour cùng phái đoàn thường trực Iran tại Liên hợp quốc không đưa ra phản hồi trước đề nghị của tờ Wall Street Journal làm rõ những thông tin trên.

Nguồn: Báo tin tức

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *