Ngành công nghiệp dầu mỏ của Alaska có lẽ đang lụi tàn

Ngành công nghiệp dầu mỏ của Alaska có lẽ đang lụi tàn

Tuần trước, một thẩm phán đã tạm dừng dự án dầu Alaska mới nhất sau một năm đầy thất vọng do nhu cầu dầu sụt giảm liên quan đến Covid và việc hủy bỏ hết dự án này đến dự án khác khi quá trình chuyển đổi xanh diễn ra. Thật khó để không lo lắng về tương lai của dầu Alaska. Trong khi người dân địa phương nói rằng họ cần dầu Alaska để có việc làm và thu nhập, thì Tổng thống Biden và các lực lượng khác dường như kiên quyết hạn chế sản xuất ở khu vực giàu dầu mỏ này.

Mới tuần trước, một thẩm phán Hoa Kỳ đã từ chối các phê duyệt cho một dự án dầu ở quận North Slope thuộc bang Alaska, vốn đã được chính quyền của cựu Tổng thống Trump phê duyệt vào năm 2020, phần lớn là do những lo ngại về môi trường. Dự án Willow của hãng ConocoPhillips trong Khu Dự trữ Dầu khí Quốc gia-Alaska đã được phê duyệt trước đây bao gồm ba địa điểm khoan, cơ sở xử lý liên kết, đường rải sỏi và các đường ống tại North Slope, có tiềm năng phát triển hơn nữa trong tương lai.

Dự án này dự kiến ​​sẽ khai thác 160.000 thùng dầu mỗi ngày, nghĩa là tổng cộng khoảng 590 triệu thùng trong ba thập kỷ. Ngoài ra, dự án sẽ tạo ra khoảng 1.000 việc làm về xây dựng và 400 việc làm vận hành dài hạn.

Liệu có phải vì lý do này mà nhiều người dân địa phương đang phản đối các nhà bảo vệ môi trường và cơ quan quốc tế để ngành dầu khí của bang hoạt động lâu nhất có thể. Với một nền kinh tế chủ yếu được xây dựng dựa trên năng lượng, nhiều người tin rằng việc ngừng phát triển dầu khí sẽ khiến Alaska có tỷ lệ thất nghiệp cao và mức doanh thu giảm đáng kể.

Dầu và khí đốt của Alaska đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, khiến hàng nghìn người thất nghiệp và chứng kiến ​​mức sản xuất dầu ở Alaska thấp nhất trong hơn 40 năm. Vào năm 2020, Alaska mất khoảng 3.000 việc làm trong lĩnh vực dầu khí, giảm từ 10.000 người được thuê trong ngành xuống chưa tới 6.900, đây là tỷ lệ việc làm thấp nhất trong ngành dầu khí trong 30 năm.

Đây là xu hướng có vẻ sẽ tiếp tục diễn ra sau lễ nhậm chức của Tổng thống Biden vào tháng 01 năm nay, người đã nêu rõ lập trường của mình về biến đổi khí hậu và ý định thoát khỏi dầu khí; cũng như các báo cáo mang tính bước ngoặt gần đây về nhu cầu thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo trong thập kỷ tới của cả IEA và Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu IPCC.

Tháng 8 năm nay, Biden lại một lần nữa bị soi xét vì phong trào rời khỏi dầu mỏ của ông, khi một số người phàn nàn rằng điều đó gây tổn thất cả việc làm và nền kinh tế quốc gia, trong khi Mỹ tiếp tục dựa vào dầu nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của mình.

Đầu tháng này, Biden đã bị những người ủng hộ dầu mỏ của Mỹ và Canada chỉ trích khi ông yêu cầu Ả Rập Xê-út và OPEC+ tăng sản lượng để ổn định giá dầu quốc tế. Các ông lớn dầu mỏ và các chính trị gia cho rằng Bắc Mỹ sẽ không rơi vào tình trạng này nếu các dự án mới được thực hiện và sản lượng đã trở lại mức trước đại dịch. Sau khi yêu cầu của ông Biden bị từ chối vào đầu tháng này, phần lớn công chúng đã nhắc lại quan điểm này, vì hàng triệu người Mỹ hiện đang phải đối mặt với giá xăng ngày càng tăng do đại dịch toàn cầu.

Thống đốc bang Alaska, Mike Dunleavy, đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Biden và thẩm phán liên bang về các quyết định của họ về việc thoát khỏi sản xuất nhiên liệu hóa thạch ở khu vực Alaska giàu dầu mỏ. Ông Dunleavy tuyên bố, “Đừng nhầm lẫn, phán quyết hôm nay từ một thẩm phán liên bang đang cố gắng gác lại một dự án dầu mỏ lớn trên đất Mỹ đã làm nên một điều: trao quyền sản xuất cho các tổ chức độc tài và khủng bố”. “Đây là một quyết định kinh khủng. Chúng ta đang từ từ trao nước Mỹ cho kẻ thù của chúng ta. Dự án Willow sẽ mang lại cho nước Mỹ 60.000 thùng/ngày, tạo ra hàng nghìn việc làm nuôi sống gia đình và mang lại lợi ích to lớn cho người dân Alaska”.

Tuy nhiên, không thể coi nhẹ việc quản lý kém nguồn doanh thu từ dầu mỏ ở Alaska. Mặc dù việc thành lập Quỹ Thường trực Alaska vào năm 1976 như một cách của việc đầu tư phần trăm doanh thu từ dầu mỏ của bang vào trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản, cơ sở hạ tầng và các tổ chức tư nhân cho tương lai của nền kinh tế, nhưng chính quyền Alaska và các hãng khai thác dầu mỏ lớn đã nhiều lần bị chỉ trích vì chi tiêu cho lợi ích của cổ đông thay vì đem lại doanh thu từ dầu mỏ cho chính người dân Alaska.

Ngoài ra, doanh thu từ dầu Alaska đã giảm từ lâu trước khi đại dịch xảy ra, khi chính quyền phải đối mặt với thâm hụt 1,5 tỷ đô la vào đầu năm 2020. Với mỏ dầu lớn nhất được phát hiện ở Bắc Mỹ, dầu Alaska bùng nổ vào cuối những năm 1960 và sau nhiều thập kỷ tiếp theo. Tuy nhiên, nó đã ở trong tình trạng suy giảm kể từ khi đạt đỉnh vào năm 1988, giảm từ mức sản xuất 2 triệu thùng/ngày xuống dưới 1 triệu thùng/ngày vào năm 2002. Đến năm 2020, Alaska sản xuất khoảng 460.000 thùng/ngày.

Vì vậy, trong khi chúng ta có thể đổ lỗi cho Biden và chủ nghĩa môi trường về sự tổn thất gần đây trong nền kinh tế dầu mỏ và mức thất nghiệp gia tăng của bang, Alaska ắt hẳn phải ứng phó trong nhiều thập kỷ với sự suy giảm xảy ra trước đó. Có thể vẫn còn một vài năm nữa, với việc sản xuất hiện tại vẫn còn tương đối ổn định, nhưng có một điều chắc chắn là Alaska phải đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực phi dầu mỏ nếu muốn hy vọng thịnh vượng trở lại một lần nữa.

Nguồn tin: xangdau.net

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *