Ngành Xây dựng những ngày đầu

Ngành Xây dựng những ngày đầu

(Xây dựng) – “…Giữa năm 1958, Bộ Thủy lợi và Bộ Kiến trúc chia thành hai bộ (Bộ Thủy lợi, Bộ Kiến trúc) tôi được phân công làm Bộ trưởng Bộ Kiến trúc, Bí thư Đảng đoàn Bộ. Khi mới thành lập Bộ Kiến trúc, lực lượng công nhân cán bộ có trên 1.000 người, số đông là bộ đội mới chuyển ngành và thanh niên xung phong, công nhân chuyên nghiệp rất ít, từ nhiều nơi tập trung lại. Quản lý ngành Kiến trúc lúc bấy giờ cán bộ khoa học kỹ thuật có 13 kiến trúc sư, 1 kỹ sư giao thông công chính (là công chức lưu dung) số đông là cán bộ chính trị, chưa có kinh nghiệm làm công tác quản lý công trường, xí nghiệp. Cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành Kiến trúc hầu như chưa có gì, công việc xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng chủ yếu là làm thủ công. Để đáp ứng yêu cầu khôi phục kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của Chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi công tác xây dựng phải làm nhanh, đảm bảo chất lượng, hạ giá thành, sớm đưa công trình vào sản xuất và sử dụng.


Chủ tịch Hồ Chí Minh góp ý quy hoạch xây dựng Hà Nội (1959).

Căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ mới, lúc bấy giờ tôi và các đồng chí Đảng đoàn Bộ nhận thấy, công việc cấp bách cần phải làm là gấp rút xây dựng lực lượng công nhân, cán bộ xây dựng. Phải đào tạo công nhân có tay nghề giỏi, cán bộ khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý phải có trình độ cần thiết, có ý thức trách nhiệm cao, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ xây dựng từng thời kỳ do Đảng và Nhà nước đề ra. Đi đôi với việc đào tạo công nhân kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ và quản lý, phải có kế hoạch xây dựng gấp cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành kiến trúc và vật liệu xây dựng; nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá từng loại sản phẩm, để thực hiện chế độ trả lương theo sản phảm, trong ngành kiến trúc.

Để thực hiện tốt những công tác nói trên phải yêu cầu anh chị em vừa làm, vừa học ngay tại công trường, xí nghiệp. Mặt khác, mở trường đào tạo cán bộ kỹ thuật sơ cấp, trung cấp trước, sau đó đào tạo tiếp cán bộ kỹ thuật cấp cao. Ngoài ra, có kế hoạch cử cán bộ đi học ở ngoài nước, chủ yếu là các nước xã hội chủ nghĩa. Kiến nghị Nhà nước mời chuyên gia đến hướng dẫn, giúp đỡ xây dựng những công trình, kỹ thuật phức tạp mà ta chưa tự giải quyết được. Mở hội nghị những người có năng suất cao để kiểm tra tay nghề, phát hiện nhân tài để có kế hoạch sử dụng đúng tài năng của từng người.


Thủ tướng Phạm Văn Đồng thả viên đá tượng trưng, mở đầu cho ngày hội ngăn sông Đà để xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình ngày 09/01/1986.

Việc thực hiện khoán sản phẩm ở công trường Thủy điện Thác Bà năm 1969 đã có tác dụng thúc đẩy thi công nhanh, bảo đảm chất lượng, rút ngắn thời gian hoàn thành công trình 19 tháng so với thời gian Nhà nước quy định. Theo kế hoạch Nhà nước phải hoàn thành trong năm 1973, nhưng đến tháng 5/1972, công trình đã xây dựng xong, đưa vào sản xuất (dự tính trong 4 tháng sản xuất có thể thu hồi đủ vốn đầy tư xây dựng nhà máy).

Kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành Kiến trúc được tiến hành tích cực. Trang bị xe máy cơ giới cho thi công, thiết bị cho sản xuất vật liệu xây dựng, (xi măng, gạch, ngói, khai thác đá, cát, sỏi…), trang thiết bị cho các viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật xây dựng. Kết quả: xây dựng được hàng trăm công trình công nghiệp lớn nhỏ như các nhà máy điện, cơ khí, hóa chất, phân đạm, phân lân: nhiều nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng như nhà máy dệt, giấy, thuốc lá, xà phòng, cao su, bóng đèn, phích nước, sắt tráng men, xay sát gạo, chế biến đường, sản xuất gạo chè… và hàng trăm công trình phúc lợi như nhà ở, trường học, bệnh viện nhà nghỉ… ở các TP Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Việt Trì (Vĩnh Phú), Vinh, Thái Nguyên và các KCN lớn. Từ chỗ chỉ xây dựng được những công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản, đã tiến lên làm được nhiều công trình quy mô lớn kỹ thuật phức tạp. Chỉ đạo thiết kế công trình, thiết kế quy hoạch thành phố, để giải quyết những yêu cầu xây dựng cơ bản của kế hoạch Nhà nước. Chỉ đạo nghiên cứu trình Bộ Chính trị và Bác Hồ về thiết kế quy hoạch cải tạo mở rộng Thủ đô Hà Nội, theo nghị quyết của Bộ Chính trị do Ủy viên Bộ Chính trị – Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký. Những thiết kế quy hoạch thành phố khác như Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Thái Nguyên, Việt Trì đều trình lên Bộ Chính trị và Bác Hồ xem xét cho ý kiến chỉ đạo.

Sau này, khi làm Lăng Bác, nhiệm vụ thiết kế công trình Lăng Bác đã trình Bộ Chính trị xét, phê duyệt phương châm thiết kế “hiện đại, dân tộc, trang nghiêm, giải dị”. Công tác thiết kế Lăng Bác Hồ đã phát huy được tinh thần dân chủ, trí tuệ tập thể của đông đảo cán bộ khoa học kỹ thuật trong ngành kiến trúc và nhiều ngành khác. Lúc đầu có tới 150 bản vẽ thiết kế sơ phác. Qua một năm, đã có nhiều cuộc họp tập thể thảo luận từng bản thiết kế, đối chiếu với phương án thiết kế, rút xuống còn 12 bản, rồi 8 bản, 4 bản sau cùng còn 2 bản đề nghị Trung ương Đảng và Chính phủ cho phép đưa ra triển lãm ở 5 địa điểm (Hà Nội, Nghệ Tĩnh, Việt Bắc, Hải Phòng, Quảng Ninh) để nhân dân góp ý kiến vào thiết kế Lăng Bác, đã có trên 70 vạn người đóng góp ý kiến. Ban chỉ đạo xây dựng Lăng Bác do Phó chủ tịch nước làm Trưởng Ban, tôi là Phó trưởng ban thường trực, đã nghiên cứu nghiêm chỉnh những ý kiến đóng góp của nhân dân, bổ sung, sửa đổi hoàn chỉnh bản thiết kế, trình Bộ Chính trị xem xét phê duyệt trước khi khởi công xây dựng. Thời gian này Phó Thủ tướng Đỗ Mười thay đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Lăng Bác.


Thủy điện Thác Bà – công trình thủy điện đầu tiên của ngành Xây dựng (1964).

Ngoài ra, Bộ Kiến trúc còn xây dựng nhiều bản thiết kế công trình về vật liệu xây dựng, công trình dân dụng, công trình phúc lợi công cộng…

Trong thời gian đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhiều công trình xây dựng cơ bản phải tạm đình chỉ hoặc giãn tiến độ thi công, tôi cùng Đảng đoàn Bộ Kiến trúc kịp thời đề ra chủ trương chuyển hướng công tác, đưa lực lượng công nhân, cán bộ đi làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại đế quốc Mỹ, xây dựng các sân bay (Hòa Lạc, Kép, Kiến An), tu bổ sân bay Nội Bài, làm cầu phao, sà lan che chắn nhà máy điện (Uông Bí, Ninh Bình) vận chuyển lương thực vũ khí đạn dược ra tiền tuyến, tiếp tục sản xuất khai thác đá, cát, sỏi phục vụ xây dựng công trình thời chiến tranh và chuẩn bị cho xây dựng khi chấm dứt chiến tranh. Những công nhân từ bậc 3 trở lên đều có việc làm, công nhân bặc 2, bặc 1 và lao động phố thông được động viên gia nhập bồ đội, hoặc lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn có kế hoạch đưa đi học để đào tạo thành cán bộ hoặc công nhân chuyên nghiệp.

Hoạt động của Bộ Kiến trúc đã đạt được kết quả thiết thực, góp phần tích cực vào việc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa duy trì được lực lượng công nhân, cán bộ kiến trúc và chuẩn bị cho yêu cầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội sau ngày chiến thắng.

Chấp hành nghị quyết của Bộ Chính trị, giữa năm 1973 tôi bàn giao công việc cho Phó Thủ tướng Đỗ Mười kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, tổng số lực lượng công nhân cán bộ lúc ấy là 12 vạn người (7 vạn người do Bộ trực tiếp quản lý, 5 vạn người do địa phương quản lý) chưa kể số công nhân cán bộ xây dựng do các Bộ, ngành, Trung ương quản lý. Trong số 7 vạn người có khoảng 1 vạn là cán bộ khoa học kỹ thuật về thiết kế, thi công, vật liệu xây dựng và cán bộ quản lý nghiệp vụ. Trong số cán bộ khoa học kỹ thuật có 40 Phó tiến sĩ đang công công tác và 40 cán bộ còn học Phó tiến sĩ ở nước ngoài…”.

(Trích hồi ký “Nhớ lại những năm tháng cách mạng” của cố Bộ trưởng Bùi Quang Tạo)

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *