OPEC+ chuẩn bị cho một năm 2021 với vô vàn thử thách

OPEC+ chuẩn bị cho một năm 2021 với vô vàn thử thách

Sự suy giảm kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra đã làm thay đổi về mô hình cung và cầu năng lượng trong năm 2020 và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình cung cầu năng lượng trong tương lai.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước liên minh (còn được gọi là OPEC+) hồi đầu tháng đã nhất trí tăng sản lượng dầu thêm 500.000 thùng/ngày từ tháng 1/2021, song không đạt được thỏa hiệp về chính sách dài hạn trong thời gian còn lại của năm tới.

Trong khi đó, các làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới kèm theo những lệnh tái phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ một cách đáng kể.

Dù nhiều hãng dược phẩm đã công bố kết quả thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 đáng khích lệ, nhưng việc phân phối trên toàn cầu cần có thời gian và hiệu quả sẽ chưa xuất hiện rõ rệt trong nửa đầu năm tới. Các hoạt động kinh tế sụt giảm do COVID-19 đã làm thay đổi cung cầu về năng lượng trong năm 2020 và sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong tương lai

Nỗ lực hỗ trợ thị trường

Trước đó, OPEC+ được cho là sẽ kéo dài các đợt cắt giảm sản lượng hiện tại cho đến ít nhất là tháng 3/2021. Những tín hiệu tích cực về một số loại vắcxin ngừa COVID-19 đã thúc đẩy một đợt tăng giá dầu vào cuối tháng 11/2020. Tuy nhiên, sau đó một số nhà sản xuất bắt đầu đặt câu hỏi về sự cần thiết của yêu cầu kiểm soát chặt chẽ chính sách dầu mỏ theo chủ trương của quốc gia đứng đầu OPEC là Saudi Arabia.

4 nước Nga, Iraq, Nigeria và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bày tỏ sự quan tâm đến việc cung cấp thêm dầu ra thị trường trong năm 2021. Nhiều nguồn tin từ OPEC+ cho biết liên minh này sẽ nhóm họp hàng tháng để quyết định những chính sách về sản lượng sau tháng 1/2021 và mức tăng hàng tháng được cho là khó có thể vượt 500.000 thùng/ngày.

Cuộc họp vào đầu tháng 12/2020 của OPEC+ diễn ra trong bối cảnh ngành công nghiệp dầu mỏ thế giới đang kỳ vọng sẽ thoát khỏi một năm “thảm hại” khi buộc phải cắt giảm mạnh sản lượng để ứng phó với việc nhu cầu tiêu thụ bị thu hẹp đáng kể do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và giá dầu lần đầu tiên trong lịch sử rơi xuống mức âm.

Trong cuôc họp hồi tháng 4/2020 OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu 9,7 triệu thùng/ngày (tương đương 10% nguồn cung toàn cầu) trong tháng 5-6/2020, sau đó mức cắt giảm được điều chỉnh còn 7,7 triệu thùng/ngày trong những tháng còn lại của năm.

Hồi tháng 3/2020, Saudi Arabia và đồng minh quan trọng là Nga đã bước vào cuộc chiến giá dầu khi Moskva từ chối đề xuất tiếp tục cắt giảm sản lượng của Riyadh, khiến quốc gia Trung Đông này có màn đáp trả gay gắt bằng tuyên bố tăng sản lượng lên mức kỷ lục và khiến thế giới “ngập” dầu giá rẻ.

OPEC+ chuan bi cho mot nam 2021 voi vo van thu thach hinh anh 1

Vào giữa tháng 11/2020, UAE bày tỏ sự miễn cưỡng trước viễn cảnh áp dụng đầy đủ các hạn mức cắt giảm sản lượng tới vào cuối năm nay.

Một vấn đề đáng chú ý là liệu tất cả các thành viên OPEC+ có đang tuân thủ hạn ngạch về cắt giảm sản lượng đã được quy định hay không. Những nước vẫn đang vượt sản lượng được phân bổ như Iraq và Nigeria thường xuyên phải hứng chịu nhiều sự chỉ trích từ Bộ trưởng Năng lượng của Saudi Arabia Abdelaziz bin Salman.

Trọng tâm chính của OPEC là giá dầu thô, hiện đã trở lại gần mức trước đại dịch là từ 45-50 USD/thùng đối với cả dầu ngọt nhẹ (WTI) và dầu Brent Biển Bắc. Mặc dù vậy, các thành viên của tổ chức này vẫn đang phải theo dõi sát sao số liệu về sản xuất dầu mỏ bên ngoài khối cũng như lượng dầu hiện đang có trong các kho dự trữ.

Sản lượng của nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới ngoài OPEC là Mỹ hiện đã giảm từ mức cao nhất lịch sử vào đầu năm nay xuống còn khoảng 11 triệu thùng/ngày. Xu hướng này khó có thể bị đảo ngược khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã cam kết sẽ không hạn chế nhiều hoạt động khai thác dầu mỏ.

Một năm khó khăn phía trước

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo, thị trường năng lượng vẫn chịu một số ảnh hưởng khi những yếu tố không chắc chắn liên quan đến đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn ra. Theo EIA, hoạt động kinh tế suy giảm liên quan đến đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi về mô hình cung và cầu năng lượng trong năm 2020 và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình cung cầu năng lượng trong tương lai.

Đối với giá dầu thô, EIA dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 49 USD/thùng vào năm 2021, tăng so với mức dự báo trung bình 43 USD/thùng trong quý 4/2020. Dự báo giá dầu thô cao hơn trong năm tới phản ánh kỳ vọng của EIA rằng lượng dầu tồn kho sẽ vẫn ở mức cao và sẽ giảm khi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tăng và sản lượng dầu hạn chế của OPEC+.

Trong khi đó, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo giá dầu Brent sẽ giảm xuống 45 USD/thùng vào năm 2021 do nhu cầu năng lượng vẫn sẽ thấp cho đến nửa cuối năm sau, bởi tiến độ tiêm phòng COVID-19 có thể không diễn ra nhanh như mong đợi.

Mức giá dầu dự báo của Fitch Ratings đưa ra thấp hơn gần 9% so với kết quả dự báo do tổ chức Refinitiv Eikon thực hiện. 36 chuyên gia tham gia cuộc khảo sát của Refinitiv Eikon dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức 49,35 USD/thùng trong năm tới.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ chưa có tác động đáng kể trong nửa đầu năm 2021. IEA lưu ý rằng những tiến bộ trong việc phát triển vắcxin ngừa COVID-19 đã gây ra “sự phấn khích đáng kể” trên thị trường, khiến giá dầu nhìn chung tăng mạnh trong thời gian gần đây. Dù vậy, vẫn còn quá sớm để xác định khi nào và làm thế nào vắcxin sẽ đưa cuộc sống và hoạt động kinh tế toàn cầu bình thường trở lại.

OPEC cũng hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay và năm 2021 do tác động của dịch COVID-19 tới kinh tế thế giới. Theo OPEC, nhu cầu đối với dầu thô trong năm 2020 sẽ giảm 9,8 triệu thùng/ngày, cao hơn mức dự báo giảm 9,5 triệu thùng được đưa ra tháng trước. Trong năm 2021, nhu cầu có thể phục hồi khi tăng 6,2 triệu thùng, lên 96,3 triệu thùng/ngày, song vẫn giảm 300.000 thùng so với dự báo trước đó.

Thị trường dầu mỏ chắc hẳn sẽ khó phục hồi nếu không có hành động quyết đoán của OPEC+ hồi tháng Tư năm nay. Vì vậy, các quyết định sắp tới OPEC+ sẽ ảnh hưởng lớn đến quỹ đạo ngắn hạn của thị trường “vàng đen”, đồng thời là một chỉ dấu quan trọng để đánh giá về sự gắn kết trong nội bộ OPEC+./.

OPEC+ chuan bi cho mot nam 2021 voi vo van thu thach hinh anh 2

OPEC+ sẽ trải qua năm 2021 đầy khó khăn. (Ảnh: Business Insider)

Nguồn: Bnews

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *