Quản lý việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Quản lý việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Tăng cường quản lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng là một trong những nội dung được Bộ Xây dựng chú trọng và yêu cầu có sự phối hợp kiểm soát, giám sát từ các địa phương.

Quản lý nhà nước về khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở các địa phương từng bước đi vào nề nếp. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, quản lý nhà nước về khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở các địa phương từng bước đi vào nề nếp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển ngày càng tăng của ngành vật liệu xây dựng.

Các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã chú trọng đầu tư công nghệ khai thác, chế biến, làm tăng giá trị khoáng sản, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu; bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản tiếp tục được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, thực trạng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng diễn ra trên thực tế còn nhiều tồn tại, bất cập. Do đó, cần nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương rà soát để phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.

Cùng đó, các địa phương chủ động rà soát, tổng hợp các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn để đảm bảo không ảnh hưởng tới khu vực an ninh, quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa, du lịch, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên; không tác động tiêu cực tới môi sinh, môi trường, sinh hoạt của dân cư và không chồng chéo với các quy hoạch khác.

Việc rà soát của các địa phương cần báo cáo để Bộ Xây dựng kịp thời cập nhật, bổ sung trong quá trình lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Một trong những nội dung được chú trọng là tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong cấp phép thăm dò, khai thác và quản lý hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng sau khi cấp phép khai thác; việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình hoạt động và hoàn nguyên mỏ sau khai thác.

Hoạt động đầu tư các dự án khai thác, chế biến khoáng sản cần được giám sát để đảm bảo sử dụng công nghệ tiến tiến, nâng cao giá trị tài nguyên; hạn chế việc khai thác nổ mìn, tiêu hao nguyên, nhiên liệu và điện năng thấp, đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là cát xây dựng, đá xây dựng và đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch ngói cần được giám sát chặt chẽ các khâu. Cụ thể như với hoạt động cấp phép, khai thác, kinh doanh và sử dụng cát sỏi, lòng sông sẽ đặc biệt chú ý tới những tác động xấu đến môi trường, nguy cơ và gây sạt lở, sụt, lún bờ sông khi khai thác.

Cùng đó, Bộ Xây dựng cho rằng, cần tiếp tục giải pháp khuyến khích, tăng cường sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm cát xây dựng ở một số địa phương như mấy năm vừa qua; tăng cường sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp thay thế cát tự nhiên cũng đã được triển khai trên diện rộng.

Theo yêu cầu của Bộ Xây dựng, các địa phương cần rà soát để đảm bảo dự án đầu tư nhà máy sản xuất gạch ngói đất sét nung trước khi cấp phép đầu tư đều phải có nguồn nguyên liệu hợp pháp theo quy định pháp luật về khoáng sản.

Bên cạnh việc không cấp phép thăm dò, khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường ở chân sườn đồi, núi và dọc tuyến quốc lộ để bảo vệ cảnh quan, các địa phương nên khuyến khích doanh nghiệp sản xuất đá xây dựng kết hợp đầu tư dây chuyền sản xuất cát nhân tạo, vật liệu xây không nung./.

Nguồn: Bnews

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *