Quy hoạch cảng biển Việt Nam: Phát huy tối đa lợi thế…

Quy hoạch cảng biển Việt Nam: Phát huy tối đa lợi thế…

Thủ tướng yêu cầu quy hoạch cảng biển phải bảo đảm nguyên tắc phát huy tối đa lợi thế của quốc gia có biển…

Cần phát huy tối đa lợi thế trong quy hoạch cảng biển Việt Nam

Cần phát huy tối đa lợi thế trong quy hoạch cảng biển Việt Nam

Ngày 18/8, Văn phòng Chính phủ có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch mạng lưới đường bộ và Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát huy tối đa lợi thế của quốc gia có biển

Thông báo nêu rõ, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua Bộ GTVT đã chủ trì, cùng với các bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương xây dựng đồng thời 05 quy hoạch chuyên ngành GTVT thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch mạng lưới đường bộ; Quy hoạch mạng lưới đường sắt; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc; Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa), bảo đảm tiến độ, chất lượng, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch.

Để sớm phê duyệt 05 bộ quy hoạch chuyên ngành GTVT nói chung, Quy hoạch mạng lưới đường bộ, hệ thống cảng biển nói riêng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc xây dựng các Quy hoạch phải bám sát Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ; cập nhật các Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết về đầu tư công để bảo đảm tính khả thi về bố trí nguồn lực. Quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, có tính kế thừa, có đổi mới và có tính liên thông, liên kết và bổ sung cho nhau về các loại hình giao thông để sao cho tiết kiệm, hiệu quả; quy hoạch có tính chiến lược và phân kỳ đầu tư, tập trung giải quyết điểm nghẽn của nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu dự họp để hoàn thiện các quy hoạch trên quan điểm phải bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội với quốc phòng – an ninh và an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu, cân đối hài hòa giữa các phương thức vận tải, xác định rõ phương thức vận tải trung tâm để ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư, trên cơ sở bảo đảm tính đồng bộ, kết nối liên thông trong từng phương thức vận tải, cũng như trong hệ thống các phương thức vận tải; làm rõ cơ sở lựa chọn quy mô cao tốc, xác định hướng tuyến bảo đảm tối ưu việc lựa chọn ngắn nhất có thể không đi qua khu đô thị, bám sát đường cũ mà phải gắn phát triển không gian đô thị mới với các tuyến cao tốc. Rà soát lại các thuật ngữ chuyên ngành sử dụng trong các quy hoạch, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đối với quy hoạch cảng biển, bảo đảm nguyên tắc phát huy tối đa lợi thế của quốc gia có biển, lấy cảng biển là trung tâm, đầu mối tiếp nhận, trung chuyển hàng hóa, hành khách được kết nối đồng bộ với các phương thức khác. Ưu tiên phát triển các cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện tại Hải Phòng, Cái Mép Thị Vải – Bà Rịa Vũng Tàu. Nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp phát triển từng bước cảng Vân Phong – Khánh Hòa để khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý.

Bộ GTVT phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao rà soát việc quy hoạch cảng biển tại các đảo nhằm phục vụ phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh – quốc phòng, phù hợp với pháp luật quốc tế.

Quy hoạch chuyên ngành GTVT phải bảo đảm tính mở, dễ thực hiện, có sự gắn kết với các quy hoạch chuyên ngành khác tạo thành hệ thống tổng thể, thống nhất, tránh manh mún chia cắt; bảo đảm tầm nhìn xa, có chiến lược lâu dài, khả thi, chống tiêu cực trong xây dựng và thực hiện quy hoạch.

Nghiên cứu đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông như vốn Nhà nước, doanh nghiệp, phát hành trái phiếu, ODA, quỹ đầu tư phát triển và các nguồn vốn hợp pháp khác; sắp xếp thứ tự ưu tiên nghiên cứu đầu tư phù hợp với khả năng cân đối và bố trí nguồn lực.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, tránh phải điều chỉnh, bổ sung; có chế tài để quản lý quy hoạch hiệu lực, hiệu quả, trong đó gắn trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong triển khai thực hiện quy hoạch. Trong đó, thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản lý đầu tư xây dựng nhằm huy động tối đa nguồn lực của các địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Nghiên cứu đề xuất nhu cầu sử dụng đất đai hợp lý, hiệu quả, quản lý chặt chẽ đất quy hoạch, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc cập nhật các nội dung liên quan đến quy hoạch trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, rà soát lại các quy định của pháp luật có liên quan, đề xuất sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai quy hoạch; nghiên cứu kinh nghiệm của các nước phát triển trong việc lập quy hoạch. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thực hiện Quy hoạch, trong đó có các quy hoạch vùng, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên với Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng báo cáo tình hình triển khai xây dựng các quy hoạch đến thời điểm hiện nay theo quy định của Luật Quy hoạch; trong đó nêu rõ tiến độ trình duyệt từng quy hoạch; đánh giá khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp (trong đó nghiên cứu cơ chế tham vấn ý kiến của các chuyên gia và tư vấn quốc tế), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/8/2021.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ rà soát, ký quyết định phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành GTVT nêu trên.

Đóng góp, phản biện về quy hoạch cảng biển trên Đất Việt

Thực hiện nhiệm vụ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam giao về việc tiếp nhận và công bố những ý kiến đóng góp tư vấn phản biện và giám định xã hội về các chủ trương, chính sách và các dự án phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thông qua Diễn đàn Trí thức, thời gian qua Đất Việt cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, trí thức tham gia đóng góp ý kiến về quy hoạch cảng biển Việt Nam.

Trong số này, có bài viết “Nâng cao chất lượng công tác tư vấn lập quy hoạch cảng biển là một trong số nhân tố quyết định giảm chi phí logistics tại Việt Nam” của PGS.TS Nguyễn Văn Ngọc (Đại học Hàng hải Việt Nam) gửi tới Đất Việt. Trong đó, ông Ngọc đã chỉ ra những điểm tồn tại dẫn tới tư vấn lập quy hoạch cảng biển tại Việt Nam đạt chất lượng không cao.

Theo PGS Ngọc, từ khi đất nước đổi mới, nền kinh tế Việt Nam từng bước phát triển, hội nhập; trao đổi buôn bán hàng hóa với các nước trên thế giới tăng một cách nhanh chóng, điều đó đã thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tế.

Bài toán đặt ra là phải lập quy hoạch xây dựng cảng biển nói riêng và hệ thống cảng biển nói chung tại Việt Nam sao cho kết nối giao thông giữa vận tải đường biển với các dạng vận tải khác thuận lợi; chi phí đầu tư xây dựng và chi phí trong khai thác là thấp nhất, làm được điều này chính là trực tiếp góp phần giảm chi phí logistics góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thời gian qua chúng ta chưa làm tốt việc này, mới chỉ quan tâm tới số lượng các cảng biển, mà chưa quan tâm tới chất lượng quy hoạch đã là một trong số các nguyên nhân làm cho chi phí logistics tại Việt Nam hiện nay thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Vị chuyên gia nhận định, tư vấn lập quy hoạch cảng biển hiện nay tại Việt Nam còn mang nặng tư duy của người buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ; đó là cứ có nhà mặt đường là có thể mở cửa hàng buôn bán. Cụ thể là các tỉnh tiếp giáp với biển, khu công nghiệp tiếp giáp với sông, biển… đều đề xuất mở cảng mà không quan tâm tới điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường có đảm bảo yêu cầu hay không.

Hệ quả là cảng biển bị quy hoạch tràn lan, dàn trải, dẫn tới không thể sử dụng có hiệu quả khu đất, khu nước của cảng, việc quản lý an ninh, hải quan, phòng chống cháy nổ, ô nhiễm môi trường… gặp nhiều khó khăn.

PGS.TS Nguyễn Văn Ngọc cũng chỉ ra rằng, lập quy hoạch cảng biển Việt Nam hiện nay không thuận theo tự nhiên, làm tăng chi phí nạo vét luồng vào cảng và khu nước của cảng, đặc biệt các cảng cửa ngõ quốc tế không tận dụng độ sâu tự nhiên.

Tương tự, chuyên gia logistics – GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân), đã nhiều lần bày tỏ góp ý trên Đất Việt về vấn đề quy hoạch cảng biển Việt Nam. Theo ông Đào, sự rời rạc trong công tác điều hành quản lý cảng là tình trạng chung tại Việt Nam. Bởi lẽ, địa phương nào cũng đề xuất mở cảng mà chưa quan tâm một cách đầy đủ tới điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường có đảm bảo yêu cầu hay không.

Cảng nào cũng muốn mang danh quốc tế nhưng đầu tư lại không xứng tầm. Nghiêm trọng hơn, tình trạng “phân lô, chia nền”, một cảng vài chục hecta mà có tới mấy nhà đầu tư cùng vào, phân chia mỗi nhà đầu tư một vài hecta, mỗi người một mảng khiến việc quản lý bị rời rạc, thiếu kết nối, mạnh ai nấy làm.

Chính hiện tượng địa phương nào cũng muốn có cảng biển, một cảng chưa đủ phải có vài ba cảng nhưng lại không có sự kết nối liên thông mới dẫn tới tình trạng “cảng thì quá tải, cảng bị ế”.

Đặc biệt, theo vị chuyên gia, tồn tại tình trạng làm cảng nhưng không tính tới kết nối với hệ thống giao thông quốc gia, đặc biệt là hệ thống đường sắt, không chỉ gây ách tắc, quá tải hàng hóa mà còn gây tai nạn, ùn tắc trên các tuyến đường bộ kết nối ra cảng.

Để phát huy được lợi thế quốc gia có biển của Việt Nam, GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng phải có tầm nhìn dài hạn, tránh tư duy manh mún, mỗi địa phương một cảng biển, hay mỗi nhà đầu tư lớn vào địa phương đều có cảng biển của riêng mình.

Báo Đất Việt

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *