Thách thức đón chờ nền kinh tế thế giới ở phía trước

Thách thức đón chờ nền kinh tế thế giới ở phía trước

Nếu các ngân hàng trung ương hành động quá chậm, lạm phát có thể tiếp tục tăng. Nhưng nếu họ tăng lãi suất quá nhanh, điều đó có thể cản trở sự phục hồi kinh tế trong một thế giới nợ nần chồng chất.
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Wall Street Journal, sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau đợt suy thoái sâu của năm ngoái đang tiến gần một thời điểm nhạy cảm, khi các nhà hoạch định chính sách và các giám đốc điều hành doanh nghiệp phải vật lộn với quá trình chuyển đổi gập ghềnh từ giai đoạn mở cửa trở lại sau đại dịch sang giai đoạn với nhịp độ tăng trưởng bình thường hơn.
Các ngân hàng trung ương ở Mỹ và các nước khác đang cố gắng vạch ra một lộ trình nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát, nhưng không làm cản trở tăng trưởng. Họ đang phải tiến hành điều hướng quá trình loại bỏ các biện pháp khác thường đối với các nền kinh tế, bao gồm lãi suất chạm đáy và các chương trình mua trái phiếu khổng lồ – vốn được triển khai để hỗ trợ các nền kinh tế.
Sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng của Mỹ trong năm qua, được thúc đẩy bởi các gói kích thích trị giá hàng ngàn tỷ USD, đã gây ra sự gián đoạn cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Gián đoạn chuỗi cung ứng trên thế giới cũng đang trở nên tồi tệ và có thể kéo dài đến năm 2022. Kết quả là giá cả cao hơn và cuộc tranh giành để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô và lao động đang gây áp lực lên một số công ty và tạo gánh nặng lên các nền kinh tế lớn như Đức.
Trong khi đó, Trung Quốc đang trong nỗ lực đầy tham vọng để cải cách nền kinh tế, bao gồm kiềm chế nợ hộ gia đình và nợ doanh nghiệp, đặc biệt đối với thị trường nhà ở của nước này, kìm hãm lĩnh vực công nghệ và theo đuổi các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Những yếu tố này có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc cũng như trên toàn cầu.
Kết quả là, sự phục hồi toàn cầu – trong khi vẫn còn mạnh mẽ – đang ở một điểm bấp bênh, với nguy cơ các bước đi sai lầm. Ông Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics ở thủ đô London của Anh, nhận định: “Đây là giai đoạn khó khăn của quá trình phục hồi. Các nhà hoạch định chính sách cần vạch ra các giải pháp lâu dài cũng như các giải pháp ngắn hạn”.
Nếu các ngân hàng trung ương hành động quá chậm, lạm phát có thể tiếp tục tăng, với việc giá cả và tiền lương sẽ tăng cao hơn. Nhưng nếu họ tăng lãi suất quá nhanh, điều đó có thể cản trở sự phục hồi kinh tế trong một thế giới nợ nần chồng chất.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tuần trước đã đề cập đến một kế hoạch của Fed bắt đầu thu hẹp lại chương trình mua trái phiếu trị giá 120 tỷ USD/tháng từ cuối tháng này. Ông Powell nói: “Rất khó để có thể dự đoán tình hình và cũng không dễ dàng để hoạch định chính sách”. Ông cho biết thêm: “Lạm phát đã tăng cao hơn dự kiến và các nút thắt cổ chai ngày càng dai dẳng và phổ biến hơn”.
Tuy vậy, có một số động thái đang khiến cho các nhà đầu tư ngạc nhiên. Quyết định không tăng lãi suất hôm 4/11 của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã kích hoạt đợt tăng giá lớn đối với lợi suất trái phiếu của Anh trong nhiều năm. Cùng ngày, ngân hàng trung ương Czech đã tăng lãi suất cơ bản nhiều hơn dự kiến, từ 1,5% lên 2,75%.

Quang cảnh bên ngoài Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington DC., ngày 27/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Chỉ có khoảng 1/5 số doanh nghiệp đánh giá rằng tình trạng tồi tệ nhất của sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã trôi qua, theo một cuộc khảo sát vào tháng 10 của Oxford Economics đối với các doanh nghiệp lớn. Một phần ba số người được hỏi cho biết sự gián đoạn có thể sẽ kéo dài đến cuối năm sau hoặc dài hơn.
Những thách thức đặc biệt gay gắt ở Mỹ, khi các gói kích thích tài khóa trị giá gần 6.000 tỷ USD đã khiến chi tiêu của người tiêu dùng cao hơn khoảng 9% so với mức trước đại dịch. Tình trạng tắc nghẽn nguồn cung đã đẩy tỷ lệ lạm phát lên tới 5,4% trong tháng 9, mức cao nhất trong 13 năm.
Ông Jeffrey Edwards, Giám đốc điều hành tại Cooper-Standard Holdings Inc., một nhà sản xuất phụ tùng ô tô, cho biết: “Tuần trước, chúng tôi không thể bù đắp những tác động lạm phát lan rộng đối với vật liệu, năng lượng, giao thông vận tải và lao động”. Công ty này đã báo cáo doanh số bán hàng thấp hơn và lỗ trong quý III/2021. Ông Edwards cho biết công ty đang xem xét bán bớt một số tài sản.
Bộ Lao động Mỹ cho biết, nền kinh tế nước này đã tạo ra hơn nửa triệu việc làm mới trong tháng 10 khi các doanh nghiệp quay trở lại sau đợt suy thoái vào mùa Hè do biến thể Delta của dịch COVID-19 gây ra. Ngoài ra, khoảng 1/4 triệu việc làm đã được bổ sung vào tháng Tám và tháng Chín so với ước tính trước đó. Mức lương trung bình theo giờ của công nhân khu vực tư nhân tăng 4,9%, gần gấp đôi mức tăng lương trung bình hàng năm trong 15 năm trước đại dịch.
Ở Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế có thể sẽ chậm lại với tốc độ hàng năm chỉ đạt khoảng 3% hoặc 4% trong vài quý tới do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bị kìm hãm bởi tình trạng thiếu hụt năng lượng và nguyên liệu cũng như các nỗ lực kiểm soát của chính phủ đối với các lĩnh vực chủ chốt như kinh doanh bất động sản.
Theo ông Kevin Lai, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của công ty Daiwa Capital Markets, “tốc độ tăng trưởng chững lại sẽ lớn hơn và kéo dài hơn bất kỳ giai đoạn nào mà chúng ta đã thấy trong 10 năm qua”.
Ở khu vực Đông Nam Á, các đợt bùng phát COVID-19 đã giảm bớt và các nhà máy đã mở cửa trở lại, khôi phục một số liên kết chính trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng khu vực này tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu lao động, giá vận chuyển cao và các ca lây nhiễm mới bùng phát.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, dự kiến sẽ bị đình trệ trong những tháng tới do tắc nghẽn nguồn cung đang đè nặng lên lĩnh vực sản xuất của quốc gia này, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô. Sản lượng tháng 9/2021 thấp hơn 10% so với mức trước đại dịch. Doanh số bán ô tô mới của châu Âu đã giảm gần 25% trong tháng Chín so với một năm trước đó./.

Khắc Hiếu (P/V TTXVN Tại New York)

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *