Thép ngoại giá rẻ tràn vào, thép nội lao đao!

Thép ngoại giá rẻ tràn vào, thép nội lao đao!

Thời gian gần đây, do lượng thép giá rẻ nhập khẩu từ các nước Nga, Ấn Độ, Trung Quốc…vào Việt Nam tăng nhanh khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành gang thép trong nước gặp nhiều khó khăn.

tr13.jpg

FHS tải các sản phẩm thép lên tàu.

Ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đã ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và trật tự cung cầu của ngành gang thép. Các nhà máy thép lớn trên thế giới như ArcelorMittal phải giảm sản lượng 3 triệu tấn, U.S. Steel tuyên bố dừng sản xuất 2 lò cao.

Trái ngược với điều đó, sản lượng của các nhà máy sản xuất gang thép tại Trung Quốc, Ấn Độ, Nga lại không giảm mà còn tăng. Khi nhu cầu sử dụng nội tại không lớn, hầu hết sản lượng thép sản xuất ra được nhà máy xuất khẩu sang các nước khác, trong đó Việt Nam.

Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tính chung cả 9 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu sắt thép các loại tăng 4,6% về lượng so với cùng kỳ năm 2018, đạt 10,81 triệu tấn, trị giá 7,21 tỷ USD.

Toàn bộ giá sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga là những nước có sản lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam lớn nhất.

Để tiêu thụ được lượng thép cuộn cán nóng sản xuất ra, trong vòng nửa năm lại đây, Ấn Độ và Nga đã giảm giá bán tới hơn 20%. Lượng thép Ấn Độ bán về Việt Nam trước đây mỗi tháng khoảng 70.000 tấn, nay tăng mạnh lên hơn 200.000 tấn.

Giá thép cán nóng giảm đồng nghĩa với việc giá thép cán nguội, mạ kẽm và thép ống cũng giảm, điều này ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và tiêu thụ của ngành thép trong nước. Nhiều nhà máy chịu thua lỗ do phải giảm giá đối với hàng tồn kho để cạnh tranh với thép ngoại nhập giá rẻ.

tr13a.JPG

Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đã ảnh hưởng đến trật tự cung – cầu của ngành gang thép thế giới.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thị trường thép trong nước, đặc biệt loại thép không gỉ, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự đổ bộ của các sản phẩm Trung Quốc. Do đó, trước mắt các doanh nghiệp không nên đầu tư thêm vào các dự án thép không gỉ cán nguội, vì sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất và làm giảm hiệu quả đầu tư.

VSA vừa kiến nghị cơ quan chức năng không cấp phép các dự án thép không gỉ mới vào Việt Nam nhằm tránh mất cân đối cung cầu, cũng như tranh chấp thương mại giữa các quốc gia. Bởi lẽ, các nhà sản xuất thép trong khu vực đang có xu hướng chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam; thậm chí đã đồng ý bán sản lượng của họ ở mức thua lỗ để giành được nhiều đơn đặt hàng hơn và trang trải chi phí vận hành cố định.

Đồng thời, VSA cũng đưa ra khuyến nghị chỉ nên khuyến khích cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án sản xuất hợp kim và thép chất lượng cao trong nước đang thiếu.

Doanh nghiệp sản xuất thép trong nước lao đao

Mặc dù các doanh nghiệp ngành thép đã quen với việc ứng phó với những bất thường của biến động giá nguyên liệu có thể lãi khủng hay lỗ đậm, nhưng khó khăn thời điểm này với ngành thép mang tính căn bản, thúc đẩy quá trình sàng lọc doanh nghiệp.

Công ty cổ phần Thép Đại Thiên Lộc (DTL) đã xin ý kiến cổ đông về việc hủy niêm yết tự nguyện trên HOSE. Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, do thị trường trong nước dư thừa công suất, còn thị trường xuất khẩu tôn thu hẹp do các loại thuế chống bán phá giá nên doanh nghiệp gặp khó khăn, buộc phải cắt giảm sản xuất để tránh thua lỗ.

tr13b.jpg

Tháng 7/2019, sản lượng thép cuộn cán nóng của Formosa Hà Tĩnh đạt khoảng 350 ngàn tấn nhưng trước sức ép cạnh tranh từ thép ngoại nhập giá rẻ, đến hết tháng 9, Formosa Hà Tĩnh chỉ sản xuất khoảng 300 ngàn tấn.

Quý III vừa qua, DTL chỉ lời hơn 6 tỷ đồng, không bị lỗ như quý trước đó chính là do thu hẹp sản xuất. Doanh thu quý III chỉ còn hơn 55,4 tỷ đồng, giảm gần 500 tỷ đồng so với cùng kỳ. DTL là doanh nghiệp thép lâu năm và cũng trải qua nhiều biến động của giá thép cán nóng. Lợi nhuận lũy kế để lại còn lớn, song nhận thấy càng sản xuất càng thua lỗ ở thời điểm này nên Công ty quyết định thu hẹp sản xuất.

Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) sau khi nằm dưới sự điều hành của nhóm cổ đông mới đến từ SMC đã có quý thứ 2 có lợi nhuận dù rất mỏng sau các quý thua lỗ trước đó. Giá cổ phiếu NKG giảm sút rất khó phục hồi dù thị giá hiện tại (hơn 6.000 đồng/cổ phần) thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách (16.000 đồng/cổ phần). NKG cũng bị ảnh hưởng mạnh của quá trình giảm giá thép cán nóng HRC. Trong quý II/2019, doanh thu thuần của Công ty đạt 2.964 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán đã chiếm tới hơn 96% trong doanh thu thuần, khiến lãi gộp chỉ còn hơn 112 tỷ đồng, chỉ bằng một phần ba cùng kỳ 2018.

Trước sức ép cạnh tranh từ thép ngoại nhập giá rẻ, nên sản lượng sản xuất của Formosa Hà Tĩnh cũng có sự sụt giảm. Tháng 7/2019 sản lượng thép cuộn cán nóng của Formosa khoảng 350 ngàn tấn thì đến hết tháng 9 chỉ còn khoảng 300 ngàn tấn.

Không những sản lượng sản xuất mà sản lượng thép tiêu thụ trong nước của Công ty cũng sụt giảm. Đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng, tháng 7/2019 tiêu thụ trong nước khoảng 320 ngàn tấn thì đến tháng 9 giảm xuống chỉ còn khoảng 250 ngàn tấn.

Hoạt động sản xuất, tiêu thụ thép của Formosa Hà Tĩnh bị sụt giảm kéo theo hoạt động nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào để sản xuất cũng bị giảm sút, ảnh hưởng lớn đến kết quả thu ngân sách của Nhà nước.

Ngành thép là nền tảng để phát triển công nghiệp với giá trị lớn, nếu tình hình không tốt sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và nguồn thu ngân sách. Chính vì vậy, Chính phủ cần sớm có các giải pháp kịp thời, phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của ngành thép trong nước, tạo động lực cho sự tăng trưởng kinh tế hàng năm.

Nguồn: Báo Mới  

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *