Thị trường biến động, BĐS nghỉ dưỡng ven biển đang nắm giữ lợi thế gì?

Thị trường biến động, BĐS nghỉ dưỡng ven biển đang nắm giữ lợi thế gì?

(Xây dựng) – Tại buổi họp báo “Tổng quan thị trường Bất động sản 6 tháng đầu năm 2018”, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng phân khúc bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng ven biển vẫn đang là kênh đầu tư hiệu quả hàng đầu.


Nhiều dự án mang lại diện mạo mới cho hạ tầng du lịch biển

Với triển vọng tăng trưởng mạnh của ngành Du lịch và cam kết lợi nhuận hấp dẫn của các chủ đầu tư uy tín, trong bối cảnh thị trường chung có nhiều biến động từ hiệu ứng chung cư cháy nổ, vàng và đô-la khó đầu tư, chứng khoán giảm mạnh thất thường, các chuyên gia cho rằng BĐS nói chung và BĐS nghỉ dưỡng nói riêng vẫn đang là điểm sáng.

Các kênh đầu tư đều khó

Phó Trưởng khoa Kinh doanh quốc tế – Marketing Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh Huỳnh Phước Nghĩa cho biết: Vụ cháy chung cư Carina vừa qua đang thay đổi hành vi tiêu dùng và hành vi đầu tư căn hộ của người dân. Chuyên gia này chỉ ra những khó khăn cho phân khúc căn hộ nói riêng ít nhất trong vòng 6 – 12 tháng tới vì ảnh hưởng tâm lý lo ngại sẽ bao trùm thị trường căn hộ. Thực tế, tình hình giao dịch trên thị trường chung cư cho thấy, số lượng căn hộ chung cư thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước đây, thanh khoản giảm mạnh và chưa có dấu hiệu hồi phục.

Trong diễn biến khác, kênh đầu tư chứng khoán đang ở đáy thị trường theo báo cáo phát hành ngày 22/7 của Cty Chứng khoán Bảo Việt – BVSC, VN-Index giảm 1,97% xuống 893,16 điểm. Thị trường chịu áp lực giảm mạnh ngay đầu phiên, qua đó tạo ra khoảng trống giảm điểm so với phiên trước đó. Độ rộng thị trường tiêu cực; tâm lý nhà đầu tư bắt đầu lo sợ và có phần bi quan về xu hướng thị trường trong ngắn hạn. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như vàng hay ngoại tệ cũng chưa thể hiện rõ sức hút cạnh tranh về độ an toàn và tỷ lệ lợi nhuận trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế trong nước và quốc tế biến động liên tục khó đoán định rõ xu hướng.


BĐS giải trí, nghỉ dưỡng tại Nha Trang hút các nhà đầu tư cả nước

Tuy nhiên, với các chuyên gia BĐS, kênh đầu tư khác khó khăn lại tạo động lực cho nguồn tiền dồn về kênh đầu tư an toàn theo quy luật “Nước chảy chỗ trũng”. Theo quan điểm của ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, riêng với BĐS du lịch nghỉ dưỡng – Phân khúc có sự bứt phá mạnh mẽ từ năm 2015 đến nay, có thể khẳng định, nguồn cung của chúng ta còn ít, còn thiếu, chứ không phải thừa, đặc biệt ở phân khúc cao cấp. Với định hướng chiến lược của Bộ Chính trị và Chính phủ về việc phát triển du lịch thành ngành Kinh tế mũi nhọn và thực tế tăng trưởng về lượng khách du lịch lên đến trên 30% như hiện nay thì tiềm năng, dư địa cho BĐS du lịch nghỉ dưỡng còn rất lớn.

“Vấn đề là các nhà đầu tư cần phải biết lựa chọn đúng phân khúc, địa điểm đầu tư và đầu tư một cách bài bản, chuyên nghiệp để phát triển bền vững. Đặc biệt, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác hoàn thiện hành lang pháp lý cho BĐS du lịch nghỉ dưỡng để chính sách kịp thời bám sát và có những điều chỉnh tích cực cho thị trường” – ông Nguyễn Trần Nam nói.

Con đường sáng cho BĐS nghỉ dưỡng từ đòn bẩy du lịch

Tại buổi tổng kết hoạt động ngành Du lịch của Tổng Cục Du lịch Việt Nam, Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Tiếp nối đà tăng trưởng của năm 2017, 6 tháng đầu năm 2018, ngành Du lịch Việt Nam nắm bắt những cơ hội thuận lợi tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.

Tổng số khách quốc tế đến đạt 7.891.530 lượt khách, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó một số thị trường khách có số lượng tuyệt đối cao và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái như Trung Quốc đạt 2.568.842 lượt (tăng 36,1%), Hàn Quốc đạt 1.713.604 lượt (tăng 60,7%), Nhật Bản đạt 404.012 lượt 6,6%), Mỹ đạt 369.641 lượt (tăng 15,4%)… Khách nội địa đạt 42,8 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 312.000 tỷ đồng, tăng 22,5%. Những kết quả mà ngành đạt được là điểm sáng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh: Trong 6 tháng cuối năm, cần tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là duy trì đà tăng trưởng lượng khách và tổng thu từ khách du lịch, hoàn thành mục tiêu đón 16 triệu lượt khách quốc tế, 80 triệu lượt khách nội địa, nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Tăng trưởng về lượng du khách sẽ tạo lợi thế cực lớn về nhu cầu hạ tầng đáp ứng cho ngành Du lịch, đặc biệt là hạ tầng du lịch lưu trú nghỉ dưỡng và giải trí thuộc phân khúc BĐS du lịch.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Việt Nam có tiềm năng rất cao về du lịch nghỉ dưỡng nhờ có nhiều cảnh quan đẹp tầm cỡ quốc tế, nhiều di sản văn hóa thế giới. Ông phân tích: BĐS du lịch nghỉ dưỡng được quan tâm nhất về hút dòng vốn trong năm qua. Thị trường cũng đang phân hóa rõ nét theo tính chuyên nghiệp cao. Các sản phẩm không chỉ để nghỉ dưỡng đơn thuần mà còn có triển vọng thương mại cao, nhu cầu nghỉ dưỡng gắn liền với hệ thống các khu du lịch, vui chơi, giải trí.

Nói như vậy để thấy thị trường du lịch giải trí ở Việt Nam còn rất nhiều cơ hội phát triển bùng nổ “Mỏ vàng” hàng chục tỷ USD. Việt Nam không thể không đẩy mạnh khai thác và hiện nay tất cả các thương hiệu BĐS lớn nhất trong nước đều có những dự án đình đám, nguồn lực và quỹ đất cũng đang được tiếp tục đẩy mạnh triển khai đáp ứng nhu cầu du khách cũng như thu hút hàng loạt thương hiệu quốc tế đến Việt Nam.

BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam hút mạnh nhà điều hành quốc tế

Lợi thế tiếp theo của BĐS nghỉ dưỡng không chỉ là uy tín của các nhà đầu tư và sự hiện diện của những dự án lung linh bên những bờ biển đẹp nhất hành tinh, những resort bên bờ di sản thiên nhiên thế giới với mức cam kết lợi nhuận trung bình có thể đạt 10-12%/năm mà còn là lợi thế đưa Việt Nam trở thành điểm đến của du khách với sức hút mạnh đối với các nhà điều hành quốc tế.

Thống kê của Savills cho biết, thị trường khách sạn Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng các dự án mang thương hiệu và sự xuất hiện của nhiều nhà điều hành nước ngoài. Số lượng dự án mang thương hiệu tăng trưởng từ 30 dự án năm 2010 lên đến 79 dự án vào cuối năm 2017. Sự tăng trưởng này càng rõ rệt trong đầu năm 2018 khi thị trường liên tục công bố các thương hiệu điều hành mới.

Có thể kể đến như Intercontinental Hotels Group (IHG), tập đoàn kinh doanh khách sạn số 1 thế giới, ông chủ của 9 thương hiệu nổi danh toàn cầu là Crown Plaza, Hotel Indigo, Holiday Inn, Holiday Inn Express, Staybridge, Candlewood, EVEN Hotels, Hualuxe Hotels & Resorts. Hiện tập đoàn này đang quản lý 8 khách sạn, khu resort cao cấp tại những khu vực đắc địạ.

Một tập đoàn quản lý khách sạn toàn cầu khác là Accor Hotels cũng đã có mặt tại Việt Nam. Tập đoàn này đang quản lý gần 4.000 khách sạn tại 92 thị trường với các thương hiệu như Sofitel, Pullman, Novotel, Mgallery. Accor Hotels đang quản lý tại Việt Nam khoảng 20 khách sạn như Premier Village Danang Resort, Novotel Danang Premier Han River, Mercure Danang French Village, Bana Hills, Pullman Danang Beach Resort…

Tương tự, một tập đoàn khách sạn khác là Hyatt cũng đã từng bước ghi dấu ấn tại thị trường Việt Nam. Ngoài các tên tuổi trên, thị trường khách sạn Việt Nam còn ghi nhận sự xuất hiện của nhiều tên tuổi khác như Absolute Hotel Service, Movenpick và đặc biệt là sự hiện diện lần đầu tiên của Wyndham Hotel Group.

Các dự án nghỉ dưỡng thu hút được sự quan tâm của nhà điều hành quốc tế nhiều hơn so với vài năm trước nhờ vào chất lượng sản phẩm tốt hơn, chú trọng vào thiết kế, tăng trưởng niềm tin với các đơn vị quản lý quốc tế, cũng như mong muốn của chủ đầu tư trong việc tạo ra sản phẩm khác biệt, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng đến sự chuyên nghiệp, hội nhập toàn cầu và tạo giá trị bền vững cho BĐS nghỉ dưỡng trong tương lai.

Ninh Nhi

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *