Trung Quốc soán ngôi vị trung tâm lọc dầu thế giới của Mỹ sau hơn 250 năm

Trung Quốc soán ngôi vị trung tâm lọc dầu thế giới của Mỹ sau hơn 250 năm

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến ngành lọc dầu tại Mỹ gặp khó, Trung Quốc dần khẳng định vị thế là nhà lọc dầu hàng đầu của thế giới.

Chú thích ảnh

Cơ sở lọc dầu của Shell đặt tại Convent, bang Louisiana, Mỹ. Ảnh: Advocate

Đầu tháng này, tập đoàn Royal Dutch Shell quyết định thoái lui khỏi tổ hợp lọc dầu Convent ở bang Louisiana, Mỹ. Khác với các nhà máy lọc dầu bị đóng cửa trong nhiều năm gần đây, Convent không phải là một cơ sở lạc hậu: Đó là một nhà máy lớn, hiện đại theo tiêu chuẩn của Mỹ, đủ khả năng để lọc rất nhiều chủng loại dầu thô thành nhiên liệu thành phẩm giá trị cao. Đơn giản chỉ là muốn giảm năng lực lọc dầu, nhưng Shell tìm mỏi mắt vẫn chưa thấy người mua.

Nhưng ở bên kia bờ Thái Bình Dương, một nhà máy lọc dầu khác của tập đoàn hóa dầu Rongsheng Petrochemical lại vừa được khởi công xây dựng tại khu phức hợp ở tỉnh Chiết Giang. Đây chỉ là một trong bốn dự án lọc dầu mới nhất được xây dựng tại Trung Quốc, có công suất lọc 1,2 triệu thùng dầu/ngày, tương đương với toàn bộ công suất lọc dầu của Anh.

Khủng hoảng COVID-19 đã tạo ra sự dịch chuyển địa chấn đối với ngành hóa dầu. Mỹ luôn là người giữ vị thế hàng đầu trong ngành này kể từ thời điểm dầu thô được khai thác, sử dụng vào giữa thế kỉ 19. Nhưng theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc sẽ sớm soán ngôi vị này của Mỹ vào trong năm tới. Đó sẽ là bước tiến lớn, bởi tại thời điểm Convent đi vào hoạt động năm 1967, năng lực lọc dầu của Mỹ gấp 35 lần Trung Quốc.

Sự nổi lên của Trung Quốc cùng với sự xuất hiện của một số nhà máy lọc dầu mới quy mô lớn ở Ấn Độ, Trung Đông đang tạo ra những chuyển động mới trong hệ thống năng lượng toàn cầu. Các nhà xuất khẩu giờ hướng dòng dầu thô sang châu Á và giảm sản lượng bán cho các khách hàng truyền thống ở Bắc Mỹ, châu Âu. Các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc đang trở thành động lực ngày một lớn đối với thị trường xăng, dầu diesel và một số mặt hàng nhiên liệu khác.

Dịch chuyển vai trò mới giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là điều quá bất ngờ và đã có tiền lệ tương tự: Trung Quốc từng vươn lên thống trị ngành sản xuất thép toàn cầu vào những năm đầu của thế kỉ 21, khi nước này cho xây dựng một loạt những nhà máy cán thép hiện đại, quy mô lớn. Không những đáp ứng nhu cầu trong nước, Trung Quốc còn dư sản lượng để tràn ngập thi trường thế giới, bóp chết các nhà sản xuất thép giá thành cao của châu Âu, Bắc Mỹ và một số nước khác ở châu Á.

“Trung Quốc sắp sửa bổ sung thêm năng lực lọc hơn 1 triệu thùng dầu/ngày trong một vài năm tới. Họ sẽ sớm soán ngôi của Mỹ trong 1-2 năm nữa mà thôi”, Steve Sawyer – giám đốc phụ trách mảng hóa dầu tại hãng tư vấn năng lượng Facts Global Energy (FGE) nhận định.

Chú thích ảnh

Một tàu chở dầu cập cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Vấn đề dư thừa công suất

Năng lực lọc dầu sẽ gia tăng mạnh ở Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông, thế nhưng nhu cầu tiêu thụ năng lượng hóa thạch truyền thống sẽ phải mất nhiều năm mới có thể trở lại mức trước đại dịch COVID-19. Theo thống kê của IEA, năm 2020, năng lực lọc dầu chưa được dùng đến là 1,7 triệu thùng/ngày. Điều đó đồng nghĩa công suất lọc dầu dư thừa trong vài năm tới có thể lên đến vài triệu thùng/ngày.

Hơn một nửa số cơ sở lọc dầu phải đóng cửa nằm ở Mỹ. Còn tại châu Âu, 2/3 các nhà máy hóa dầu rơi vào tình cảnh sản xuất không đủ bù chi phí. Theo đánh giá của ông Sawyer, xu hướng đóng cửa này sẽ còn tiếp tục, với tổng công suất lọc dầu phải để ngoài thị trường là khoảng 2 triệu thùng/ngày trong năm 2021.

Năng lực lọc dầu của Trung Quốc đã tăng gấp ba lần tính từ năm 2000, trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực đáp ứng mức gia tăng tiêu thụ xăng và dầu diesel. Theo tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), tổng công suất lọc dầu của nước này sẽ đạt tới ngưỡng 1 tỉ thùng/năm vào năm 2025, tương ứng với 20 triệu thùng/ngày, tăng so với mức 17,5 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay.

Do tác động của dịch bệnh, tiêu thu dầu mỏ toàn cầu năm 2020 suy giảm 8,8 triệu thùng/ngày, xuống chỉ còn 91,3 triệu thùng/ngày. Một số nhà máy lọc dầu đã được lên kế hoạch đóng cửa trước khi COVID-19 xuất hiện, do năng lực hóa dầu toàn cầu đã đạt ngưỡng 102 triệu thùng/ngày, vượt xa mức nhu cầu các sản phẩm hóa dầu ở mức 84 triệu thùng/ngày.

Ngay cả Trung Quốc cũng sẽ phải đối diện với nguy cơ dư thừa công suất. Năng lực lọc dầu được bổ sung mới sớm vượt so với tăng trưởng cầu tiêu dùng. Dư thừa các sản phẩm lọc dầu tại quốc gia đông dân nhất thế giới có thể đạt mức 1,4 triệu thùng/ngày vào năm 2025 – theo dự báo của CNPC. Ngay cả khi các tổ hợp lọc dầu được hoàn tất, tăng trưởng tiêu dùng các sản phẩm hóa dầu tại Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2025, sau đó sẽ giảm dần khi nước này hướng đến mô hình kinh tế trung hòa carbon.

“Trong một môi trường mà công suất lọc dầu của thế giới đã ở ngưỡng đủ đáp ứng nhu cầu, nếu có xây thêm một nhà máy ở đâu đó thì sẽ phải đóng cửa một cơ sở ở một nơi khác để duy trì ngưỡng cân bằng. Đó chính là tình cảnh của thế giới hiện nay và sẽ còn tiếp tục trong ít nhát 4-5 năm tới”, ông Sawyer bình luận.

Nguồn: Báo tin tức

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *