Vận tải đường thủy nội địa phía Bắc – xu hướng tất yếu

Vận tải đường thủy nội địa phía Bắc – xu hướng tất yếu

Hệ thống vận tải đường thủy nội địa – một hình thức vận tải tiềm năng với chi phí thấp sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong thời gian tới, giải quyết ngay bài toán hỗ trợ vận tải đường bộ đang quá tải ở khu vực phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Vận tải đường thuỷ nội địa phía Bắc sẽ trở thành xu hướng tất yếu (Ảnh minh họa)

Vận tải đường thuỷ nội địa phía Bắc sẽ trở thành xu hướng tất yếu (Ảnh minh họa)

Thực trạng khó khăn của đường bộ

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA), hiện nay có khoảng 99% sản lượng container (container hàng và container rỗng) đang được vận chuyển bằng đường bộ đi, về các cảng khu vực Hải phòng, Lạch Huyện từ các nhà máy, kho hàng tại các tỉnh, thành phía Bắc, mà trọng điểm là Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc…

Kẹt xe trên Quốc lộ 5

Kẹt xe trên Quốc lộ 5

Trong khi đó, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong nước và trên thế giới, năm 2020 tốc độ tăng trưởng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn ở mức cao, tăng 5.4% so với năm 2019; và 6 tháng đầu năm 2021, theo Tổng cục hải quan giá trị xuất nhập khẩu tăng trưởng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã và đang tạo ra áp lực ngày càng lớn lên hệ thống đường bộ khu vực phía Bắc với ba trục giao thông chính là Quốc lộ 5, quốc lộ 5B và quốc lộ 18 kết nối khu vực công nghiệp trọng điểm với các cảng biển tại Hải Phòng, dẫn đến tình trạng quá tải, ùn tắc và tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra, chi phí logistics tăng cao cho doanh nghiệp và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Đặc biệt trong thời gian vừa qua, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát với tâm dịch ở Hải Dương (đợt dịch thứ 3) và Bắc Ninh, Bắc Giang (đợt dịch thứ 4), việc các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ xe, người di chuyển ra vào địa phương mình đã tạo ra sự thiếu hụt về năng lực vận tải đường bộ, gây ắch tắc hàng hoá xuất nhập khẩu và đứt gãy chuỗi cung ứng.

Đường thủy nội địa và giải pháp

Trọng trách này được lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tin tưởng và giao nhiệm vụ cho Cục Đường thuỷ Nội địa Việt Nam (ĐTNĐ) nghiên cứu giải pháp, cơ chế thúc đẩy dịch vụ vận tải thủy kết nối các khu vực kinh tế trong điểm với các cảng biển Khu vực Hải Phòng.

Tuyến luồng kết nối Bắc Ninh - Hải Phòng

Tuyến luồng kết nối Bắc Ninh – Hải Phòng

Cục ĐTNĐ đã tích cực xúc tiến các chương trình làm việc, các chuyển khảo sát thực tế để cùng với các doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác cảng và vận tải sà lan container tìm giải pháp tháo gỡ và đã lựa chọn đẩy mạnh triển khai tuyến đường thuỷ nội địa kết nối từ các cảng khu vực Hải Phòng qua các sông gồm: sông Cấm – sông Kinh Thầy – sông Đuống.

Sà lan Bắc kỳ từ Bắc Ninh hải hành trên sông Cấm về cảng Tân Cảng - HICT

Sà lan Bắc kỳ từ Bắc Ninh hải hành trên sông Cấm về cảng Tân Cảng – HICT

Hiện nay Công ty Bắc Kỳ đang khai thác sà lan với sức chở 2.000 DWT (tương đương 120 TEUs) lên đến cảng Tri Phương (Tiên Du, Bắc Ninh), hay Công ty Vận tải Thuỷ Tân Cảng (thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) đang khai thác sà lan loại 1.500 DWT (tương đương 72 TEUs) lên đến ICD Tân Cảng – Quế Võ (Quế Võ, Bắc Ninh) và cảng Dabaco Tân Chi (Tiên Du, Bắc Ninh). Cũng theo kết quả khảo sát đo thực tế của ICD Tân Cảng – Quế Võ (TCT Tân Cảng Sài Gòn) thì tuyến luồng từ ICD Tân Cảng – Quế Võ (ICD TCQV) đi các cảng khu vực Hải Phòng có thể vận hành được sà lan lên đến 3.000 DWT, tương đương với sức chở 160 teu quanh năm, không phụ thuộc vào điều kiện thuỷ văn theo mùa.

Sà lan Tân Cảng 18 chuẩn bị cập bến ICD Tân Cảng - Quế Võ (Sông Đuống)

Sà lan Tân Cảng 18 chuẩn bị cập bến ICD Tân Cảng – Quế Võ (Sông Đuống)

Phát huy năng lực và lợi thế của nhà khai thác cảng hàng đầu Việt Nam

Tận dụng lợi thế tự nhiên về luồng lạch, lợi thế về kết nối giao thông đường bộ (kết nối trực tiếp với quốc lộ 18 và 17), đón đầu xu hướng chuyển dịch sang sử dụng các giải pháp logistics xanh, thân thiện với môi trường và xu hướng cắt giảm chi phí logistics của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, từ cuối năm 2018 Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã cùng với doanh nghiệp địa phương tiến hành đầu tư Cảng cạn Tân Cảng – Quế Võ trên địa bàn huyện Quế Võ, Bắc Ninh với quy mô ban đầu gần 10ha bãi chứa container và 5 bến có thể đón sà lan lên đến 3.000 DWT (tương đương 160 teu), với năng lực thông qua đạt 700.000 TEUs/năm. Cảng cạn TCQV được trang bị hệ thống trang thiết bị, công nghệ điều hành và khai thác đồng bộ, hiện đại, là địa điểm làm thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất nhập khẩu với đầy đủ chức năng như: dịch vụ depot conrtainer rỗng, dịch vụ M&R; dịch vụ vận chuyển, xếp dỡ sà lan, dịch vụ nâng hạ bãi; dịch vụ hải quan, soi chiếu, kiểm hoá; dịch vụ cảng đích…

Một góc của ICD Tân Cảng - Quế Võ

Một góc của ICD Tân Cảng – Quế Võ

Cảng cạn Tân Cảng – Quế Võ hứa hẹn sẽ là điểm tập kết container (cả hàng và rỗng), điểm thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu, cho các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh thành trong khu vực, đặc biệt là Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, những tỉnh có chung cục hải quan.

Giá trị khách hàng và phát triển bền vững

Hoạt động của cảng cạn Tân Cảng – Quế Võ và các cảng sông khác như Tri Phương, Dabaco sẽ gắn liền với hoạt động vận chuyển container bằng sà lan trên tuyến đường thủy nội địa sông Cấm – sông Kinh Thầy – sông Đuống. Với lợi thế về kết nối giao thông thuận lợi cả đường thuỷ và đường bộ, sự kết hợp này đảm bảo đem lại cho các doanh nghiệp trong khu vực giải pháp logistics ổn định, bền vững, thân thiện với môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, với việc sử dụng dịch vụ sà lan và làm thủ thụ thông quan, giao nhận hàng hoá tại cảng sông gần nhà máy còn giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong kế hoạch sản xuất do thời gian giao nhận ngắn hơn và giảm thiểu rủi ro đối với hàng hóa.

Lợi ích tối ưu phương thức vận tải đường thủy

Lợi ích tối ưu phương thức vận tải đường thủy

Đặc biệt với năng lực vận tải lớn và những chính sách ưu đãi hợp lý, vận chuyển sà lan sẽ đem lại cho khách hàng lựa chọn hoàn hảo để từng bước cắt giảm chi phí logistic. Theo tính toán của các doanh nghiệp trong ngành, việc sử dụng dịch vụ sà lan trước mắt có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm được ít nhất 10% chi phí logistics so với đường bộ hiện nay, đây là con số ấn tượng trong bối cảnh hoạt động của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì đại dịch và càng ấn tượng hơn đối với các doanh nghiệp có sản lượng vận chuyển lớn như Canon, Samsung, Vina Solar, Nitori, Ikea, Foxconn… Ngoài ra còn các chính sách khác như phí nâng hạ container thấp hơn khu vực Hải Phòng, miễn phí hoàn toàn phí lưu bãi… được các doanh nghiệp áp dụng để thu hút khách hàng.

Tân Cảng - Quế Võ, cảng cạn tại tỉnh Bắc Ninh

Tân Cảng – Quế Võ, cảng cạn tại tỉnh Bắc Ninh

Tuy nhiên, để Cảng cạn Tân Cảng – Quế Võ nói riêng và các cảng trên tuyến đường thủy nội địa sông Cấm – sông Kinh Thầy – sông Đuống hoàn thành sứ mệnh hỗ trợ và giảm tải cho các tuyến giao thông đường bộ thì bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kinh doanh vận tải và nỗ lực thúc đẩy của Cục Đường thuỷ Nội địa Việt Nam, rất cần sự chung tay góp sức, vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các Bộ, Ngành, từ Trung ương đến các địa phương trong việc tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của lĩnh vực này phát triển, thúc đẩy công tác truyền thông ở cấp trung ương; tháo gỡ các điểm nghẽn cả về hạ tầng lẫn cơ chế, chính sách; có chế tài để địa phương miễn phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại Hải Phòng nhằm tạo sự khác biệt đủ lớn về chi phí giữa vận tải bộ truyền thống hiện nay và vận tải sà lan (vì thực tế phương thức vận chuyển bằng sà lan không sử dụng hạ tầng do địa phương đầu tư); và cuối cùng là tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, với môi trường và với sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa trong khu vực trong việc thay đổi thói quen sử dụng từ dịch vụ đường bộ như hiện nay sang dịch vụ đường thủy.

Theo kế hoạch, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn sẽ công bố và đưa Cảng cạn Tân Cảng – Quế Võ vào hoạt động chính thức với đầy đủ chức năng vào dịp quốc khánh 02/9/2021. Hiện nay việc xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản đã hoàn thiện, TCSG đang làm thủ tục đề nghị công bố cảng cạn (Cục Hàng hải Việt Nam và Bộ Giao thông) và để nghị thành lập địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu trong nội địa (Tổng cục Hải quan và Bộ Công thương). Việc đưa Cảng cạn Tân Cảng – Quế Võ vào hoạt động sẽ là một bước đột phá trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp hỗ trợ cho vận tải đường bộ đang quá tải ở khu vực phía Bắc hiện nay mà Chính phủ và Bộ Giao thông đang giao Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam chủ trì triển khai.
Theo vlr.vn

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *