Bổ sung chính sách quản lý kho ngoại quan

Bổ sung chính sách quản lý kho ngoại quan

(VLR) Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC đang được Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện để tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của doanh nghiệp (DN) cũng như hoạt động quản lý của cơ quan Hải quan. Một trong những nội dung quan trọng được sửa đổi trong dự thảo Thông tư lần này là quy định quản lý hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan (KNQ).
Kho ngoại quan tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long

Kho ngoại quan tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long

Cần đảm bảo quản lý chặt chẽ

Trên thực tế, thời gian qua, qua công tác quản lý hải quan đối với loại hình hàng hóa gửi KNQ, Tổng cục Hải quan đã nhận diện hiện tượng một số DN lợi dụng chính sách thông thoáng đối với loại hình KNQ để buôn lậu, gian lận thương mại. Các hành vi vi phạm nổi lên như: Không khai hoặc khai thông đúng tên hàng, mã số HS, số lượng, khối lượng hàng hóa để thẩm lậu hàng hóa vào nội địa, gian lận tiền thuế, trốn tránh các quy định về chính sách quản lý mặt hàng. Các đối tượng không khai báo để đưa vào KNQ hàng hóa thuộc diện không được phép gửi KNQ; lợi dụng hình thức gửi KNQ để tạm nhập, tái xuất hàng hóa né tránh các quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Vận chuyển không đúng tuyến đường, tự ý tắt định vị GPS, phá niêm phong, sang tải hàng hóa trái phép trong quá trình vận chuyển, đăng ký gửi hàng hóa vào KNQ nhưng thực tế không đưa hàng vào kho.

Mới đây, tại cuộc họp giao ban trực tuyến công tác hải quan quý III triển khai nhiệm vụ quý IV/2019, lãnh đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo về vấn đề hoàn thiện chính sách liên quan đến quản lý KNQ cần bổ sung quy định về hàng hóa đưa vào, đưa ra KNQ phải đăng ký tờ khai hải quan, khai báo đầy đủ thông tin từng dòng hàng, chi tiết tên hàng, mã số HS, chủng loại, số lượng; quy định về yêu cầu, biện pháp giám sát hải quan đối với hàng hóa trong quá trình vận chuyển; quy định thủ tục hải quan xác nhận thực xuất để đảm bảo quản lý chặt chẽ đối với loại hình hàng hóa gửi KNQ.

Hiện tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC đang được Tổng cục Hải quan tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi người dân, DN, trong đó riêng quản lý hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra KNQ quy định chi tiết các khâu thủ tục từ việc khai báo, giám sát đối với hàng hóa đưa vào KNQ, đưa ra KNQ. Cụ thể, thủ tục hải quan đối với hàng hóa từ nước ngoài đưa vào KNQ; hàng hóa đưa từ khu phi thuế quan hoặc từ nội địa vào KNQ; thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất KNQ để xuất ra nước ngoài; thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất KNQ để nhập khẩu vào nội địa hoặc nhập khẩu vào khu phi thuế quan hoặc tạm nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế; thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất KNQ để vận chuyển đến KNQ khác.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng quy định hàng hóa vận chuyển từ cửa khẩu, từ KNQ này hoặc từ các địa điểm khác đến KNQ và ngược lại, nhưng các địa điểm này đều cùng chịu sự quản lý của một chi cục hải quan thì việc giám sát hàng hóa vận chuyển giữa các địa điểm này do cục trưởng cục hải quan quy định. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chi cục trưởng chi cục hải quan quản lý KNQ quyết định việc kiểm tra thực tế hàng hóa trước khi đưa vào, đưa ra KNQ. Định kỳ mỗi năm một lần, cục hải quan tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động của KNQ và việc chấp hành pháp luật hải quan của chủ KNQ, báo cáo kết quả kiểm tra về Tổng cục Hải quan. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cục hải quan tiến hành kiểm tra đột xuất KNQ.

Quản lý hoạt động đưa vào, ra kho ngoại quan

Đáng chú ý, dự thảo Thông tư quy định cụ thể thủ tục thay đổi cửa khẩu xuất hoặc đưa trở lại KNQ đối với hàng hóa gửi KNQ đã đưa ra cửa khẩu xuất nhưng không xuất được hoặc chỉ xuất được một phần. Về hồ sơ hải quan, người khai hải quan phải có văn bản thông báo thay đổi địa điểm xuất hàng hoặc đề nghị được đưa hàng về KNQ để lưu giữ chờ xuất khẩu; nêu rõ tên, địa chỉ KNQ và thời gian dự kiến lưu giữ. Tổng thời gian lưu giữ trong lãnh thổ Việt Nam không được vượt quá thời gian quy định tại Luật Hải quan. Ngoài ra, chi cục hải quan cửa khẩu xuất và chi cục hải quan quản lý KNQ thực hiện thêm những nội dung sau: Trường hợp lô hàng chưa đưa vào khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu xuất: Trên cơ sở văn bản đề nghị của người khai hải quan được gửi hàng trở lại KNQ, chi cục hải quan quản lý KNQ kiểm tra tình trạng niêm phong, hồ sơ lô hàng để làm thủ tục đưa hàng vào KNQ theo quy định. Đồng thời có văn bản thông báo hàng đã nhập trở lại KNQ với chi cục hải quan cửa khẩu xuất để chi cục hải quan quản lý KNQ làm thủ tục hủy tờ khai xuất kho và Biên bản bàn giao.

Trường hợp lô hàng đã đưa vào khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu xuất nhưng DN đề nghị đưa toàn bộ lô hàng về gửi KNQ ban đầu hoặc KNQ tại cửa khẩu xuất: Trường hợp DN đề nghị đưa toàn bộ lô hàng về KNQ ban đầu, chi cục hải quan cửa khẩu xuất kiểm tra, đối chiếu lượng hàng đã đến cửa khẩu xuất, lập biên bản bàn giao cho chi cục hải quan quản lý KNQ ban đầu; chi cục hải quan quản lý KNQ thực hiện thủ tục tiếp nhận hàng hóa và đưa hàng vào KNQ theo thông tin hàng hóa của tờ khai xuất đồng thời thực hiện hủy tờ khai xuất theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 22 Thông tư này; Trường hợp DN đề nghị đưa toàn bộ lô hàng về KNQ tại cửa khấu xuất, chi cục hải quan cửa khẩu xuất kiểm tra, đối chiếu lượng hàng đã đến cửa khẩu xuất, lập biên bản bàn giao cho chi cục hải quan quản lý KNQ tại cửa khấu xuất; chi cục hải quan quản lý KNQ tại cửa khẩu xuất thực hiện thủ tục đưa hàng vào KNQ theo quy định tại khoản 5 Điều này.

Trường hợp lô hàng đã đưa vào khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu xuất, DN đã xuất được một phần, phần hàng còn lại gửi KNQ tại cửa khẩu xuất hoặc đưa về KNQ ban đầu. Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất yêu cầu DN khai sửa đổi bổ sung lượng hàng đã xuất khẩu trên tờ khai xuất KNQ để thanh khoản tờ khai, sau đó kiểm tra lượng hàng còn lại chưa xuất được yêu cầu DN mở tờ khai nhập KNQ, vận chuyển kết hợp đến KNQ ban đầu hoặc KNQ tại cửa khẩu xuất;

Trường hợp lô hàng đã đưa vào khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu xuất và đã xuất được một phần, phần còn lại DN đề nghị thay đổi cửa khẩu xuất khác: Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất đầu tiên xác nhận lượng hàng thực xuất, phần hàng còn lại lập biên bản bàn giao đến chi cục hải quan cửa khẩu xuất tiếp theo. Chi cục hải quan cửa khẩu xuất cuối cùng sau khi giám sát hàng hóa còn lại đã thực xuất hết, xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát của toàn bộ lô hàng trên tờ khai xuất KNQ.

Trong dự thảo Thông tư quy định: Không gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa đối với trường hợp hàng hóa gửi KNQ đã xuất kho đang lưu giữ tại địa điểm tập kết, kiểm tra giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở khu vực cửa khẩu xuất. Tổng thời gian lưu giữ trong lãnh thổ Việt Nam không được vượt quá thời gian quy định tại Luật Hải quan; Quá thời hạn được phép lưu giữ, nếu chủ hàng hoặc người được chủ hàng hóa ủy quyền không đưa hàng hoá ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì chi cục hải quan nơi đang lưu giữ hàng hóa tiến hành xử lý như hàng hóa tồn đọng trong KNQ theo quy định của pháp luật.

Hàng gửi KNQ đã đưa vào khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu xuất, trường hợp muốn tiêu hủy những lô hàng đổ vỡ, hư hỏng, giảm phẩm chất hoặc quá thời hạn sử dụng, chủ hàng hóa hoặc người được chủ hàng ủy quyền có văn bản đề nghị tiêu hủy hàng hóa gửi chi cục hải quan cửa khẩu xuất nơi đang lưu giữ hàng hóa, thực hiện các thủ tục và chịu trách thanh toán các khoản chi phí có liên quan đến việc tiêu hủy hàng hóa theo quy định của pháp luật”.

Nguồn: Báo VLR

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *