Bước đi rón rén của các “đại gia” trên thị trường dầu mỏ

Bước đi rón rén của các “đại gia” trên thị trường dầu mỏ

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga hôm 9/4 đã đồng ý cắt giảm sâu sản lượng dầu nhằm chấm dứt cuộc chiến thị phần đang khiến giá năng lượng lao dốc mạnh trong nhiều tuần qua.
Công nhân công ty dầu Aramco làm việc tại nhà máy chế dầu Abqaiq của Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng với đó, OPEC và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, cũng bày tỏ mong muốn Mỹ và các nhà sản xuất khác hợp tác cùng với họ trong nỗ lực nhằm vực dậy thị trường năng lượng đang “điêu đứng” vì đại dịch COVID-19.
Một bước đi “rón rén”…
Cụ thể, các nhà sản xuất đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu 10 triệu thùng/ngày. Đây được coi là thỏa thuận về nguồn cung lớn nhất trong lịch sử, tương đương với khoảng 10% nhu cầu dầu trước khủng hoảng, một phần do những áp lực từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mặc dù vậy, OPEC+ vẫn chưa thể đưa ra thỏa thuận cuối cùng vì Mexico đã từ chối hạn chế đáng kể việc sản xuất dầu. Bộ trưởng Năng lượng Mexico Rocío Nahle García thậm chí đã rời đi trước khi cuộc họp trực tuyến của nhóm kết thúc. Sau đó, nhà lãnh đạo này đã đăng lên twitter rằng bà đề xuất giảm 100.000 thùng dầu mỗi ngày, hoặc một con số ít hơn 10% sản lượng của đất nước.
Kết quả là phản ứng của thị trường lại không quá tích cực ngay sau khi thông tin này được công bố, với giá dầu Brent phiên giao dịch 9/4 đảo ngược xu hướng tăng gần 11% trước đó để đóng cửa với mức giảm 4%, xuống còn 31,48 USD/thùng.

Nguyên nhân là do giới thương nhân tỏ ra nghi ngờ rằng con số 10 triệu thùng dầu/ngày chỉ đủ để bù đắp cho nhu cầu tiêu thụ đi xuống vì những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. Ngoài ra, họ cũng đặt câu hỏi liệu các nhà sản xuất không thuộc nhóm OPEC có tham gia vào thỏa thuận hay không?
Mexico đã lên kế hoạch thúc đẩy sản xuất sau nhiều năm cắt giảm theo thỏa thuận hợp tác với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) từ năm 2016. Các nhà phân tích cho rằng mặc dù sự vắng mặt của Mexico dẫn đến khả năng các cuộc đàm phán thất bại là khó xảy ra, song điều đó có thể dẫn đến việc nước này bị loại khỏi liên minh OPEC+.
Theo kế hoạch, việc cắt giảm sẽ hạ dần theo thời gian và sẽ kết thúc vào tháng 4/2022. Saudi Arabia và Nga, hai nhà sản xuất lớn nhất tham gia thỏa thuận, đã đồng ý cắt giảm tổng cộng 5 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, các nhà sản xuất khác trong OPEC+ cũng nhất trí giảm thêm 5 triệu thùng/ngày từ số lượng sản xuất của mình. Ngoài ra, OPEC+ cũng đã kêu gọi Mỹ và Canada cùng một số quốc gia khác, cắt giảm thêm 5 triệu thùng dầu/ngày.
Trước đó, Tổng thống Trump cho biết, ông đã hội đàm với Quốc vương Saudi Arabia và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tối ngày 9/4, khẳng định rằng OPEC+ đang tiến gần đến một thỏa thuận. Liên quan đến thị trường năng lượng, vị Tổng thống doanh nhân đầu tiên của nước Mỹ nói: “Tôi cho rằng giá dầu đã thật sự chạm đáy”, và khẳng định: “Chúng tôi đã có một ngày (đàm phán) tuyệt vời”.
… khiến thị trường phản ứng chậm chạp
Hy vọng về việc OPEC+ sẽ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã khiến giá dầu tăng nhẹ trong tuần qua. Tuy nhiên, việc kết quả cuộc họp được công bố đã khiến nhiều thương nhân đẩy mạnh bán ra, với suy nghĩ mức cắt giảm là chưa đủ để bù đắp những tổn thất của việc nhu cầu tiêu thụ đang sụt giảm đến 1/3 do hàng loạt nước phải đóng cửa biên giới để ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2.
Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, nhu cầu tiêu thụ dầu trên toàn cầu ở mức 100 triệu thùng/ngày. Mohammad Barkindo, Tổng thư ký OPEC, đã mô tả virus SARS-CoV-2 như một “con quái vật” lần đầu tiên xuất hiện đã tạo ra một cơn khủng hoảng về cán cân cung – cầu, trong khi triển vọng đối với ngành công nghiệp dầu mỏ sẽ “vượt xa những gì mà chúng ta từng chứng kiến trong quá khứ”.
Giá dầu Brent đã có lúc tăng lên mức 36,40 USD/thùng ngay sau khi cuộc họp bắt đầu với các báo cáo dự đoán rằng Nga và Saudi Arabia có thể lãnh đạo các tập đoàn cắt giảm tới 20 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, Riyadh và Moskva thay vào đó chỉ đồng ý cắt giảm khoảng 22% của mức cơ bản là 11 triệu thùng/ngày.

Điều này là dễ hiểu bởi trước khi cuộc chiến giá cả bắt đầu, Saudi Arabia đã sản xuất khoảng 9,7 triệu thùng dầu/ngày. Con số này sau đó tăng mạnh lên mức cao kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày. Do đó, việc cắt giảm 10 triệu thùng dầu mỗi ngày sẽ đặt ra những câu hỏi khó cho cả Nga và Saudi Arabia, chuyên gia Bill Farren-Price của tập đoàn RS Energy Group cho biết.
Việc cắt giảm sản lượng dầu 10 triệu thùng/ngày cho đến nay chưa chứng minh được hiệu quả tích cực trên thị trường. Các chuyên gia kinh tế cho rằng thất bại trong việc chống đỡ thị trường sẽ làm lan rộng nỗi sợ hãi trong một ngành công nghiệp vốn đã phải vật lộn để thích ứng với thực trạng giá dầu giảm hơn 50% kể từ đầu năm.

Không chỉ các cơ sở sản xuất truyền thống, ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ cũng đang phải đối mặt với các vụ phá sản trên diện rộng, trong khi cả ngành công nghiệp rộng lớn đối mặt nguy cơ buộc phải ngừng hoạt động sản xuất. Điều này có thể gây thiệt hại lâu dài bởi nguồn dầu dự trữ được dự đoán sẽ tràn ngập trên toàn cầu trong vòng vài tháng tới.
Giá dầu WTI của Mỹ đã tăng lên mức 28,36 USD/thùng trước khi giảm xuống chỉ còn 23,24 USD/thùng ngày 9/4 – mức giảm tương đương 5% chỉ trong vòng một ngày. Washington đã phải thừa nhận rằng hoạt động sản xuất dầu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sụt giảm trong môi trường giá hiện nay, nhưng nước này không thể cắt giảm sản lượng ngay cả khi họ mong muốn vì luật chống độc quyền.
Các chi tiết đầy đủ của thỏa thuận dự kiến sẽ được công bố sau cuộc họp Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Chuyên gia Helima Croft tại RBC Capital Markets dự báo rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ mang lại một khuôn khổ rộng lớn nhằm hạn chế sản lượng đáng kể. Tuy nhiên, những thông tin cụ thể như thời lượng, thời gian thực hiện và cơ chế thực thi có thể sẽ không được công khai.
Bên cạnh đó, một phần của thỏa thuận cũng yêu cầu các quốc gia tiêu thụ dầu trong khối G20 đóng góp bằng cách mua dầu giá rẻ vào các kho dự trữ chiến lược của họ, để từ đó tạo một cú hích về nguồn cung./.

Nguồn: Bnews

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *