Các “đại gia” năng lượng đối mặt với yêu cầu cắt giảm sản lượng từ các chính phủ

Các “đại gia” năng lượng đối mặt với yêu cầu cắt giảm sản lượng từ các chính phủ

 Từ Kazakhstan và Azerbaijan đến Nigeria và Angola, các nhà sản xuất dầu mỏ lớn đang loay hoay đàm phán với các chính phủ về cách chia sẻ kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu.
Trong ảnh (tư liệu): Cơ sở khai thác dầu tại cảng Jubail thuộc Saudi Arabia, Đông Bắc vùng Vịnh. Ảnh: AFP/TTXVN

Từ Kazakhstan và Azerbaijan đến Nigeria và Angola, các nhà sản xuất dầu mỏ lớn đang loay hoay đàm phán với các chính phủ về cách chia sẻ kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu, vốn làm tăng thêm “nỗi đau” mà họ đã phải hứng chịu từ giá dầu thấp và doanh số bán sụt giảm do đại dịch COVID-19.

Trước đây, các công ty dầu mỏ thường “thoát” được những kế hoạch cắt giảm sản lượng lớn ở các quốc gia Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), chẳng hạn như Nigeria.

Họ cũng chưa bao giờ trải qua việc phải kiềm chế sản lượng ở các quốc gia ngoài OPEC như Kazakhstan, nơi họ được bảo vệ bởi các điều khoản đặc biệt đã đàm phán với các chính phủ.

Nhưng các thỏa thuận chia sẻ sản xuất (PSA) đang bị gạt sang một bên sau khi OPEC và các nhà sản xuất ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+) chấp nhận cắt giảm 23% sản lượng để hỗ trợ giá dầu đi lên, khi các lệnh hạn chế đi lại vì dịch COVID-19 đã làm giảm 1/3 nhu cầu năng lượng thế giới.

Kế hoạch giảm sản lượng ở quy mô chưa từng có như vậy là không khả thi ở hầu hết các quốc gia nếu không có sự trợ giúp của các công ty sản xuất lớn.

Azerbaijan đã yêu cầu liên danh năng lượng khổng lồ chính của nước này cắt giảm sản lượng 80.000 thùng/ngày, đồng nghĩa với việc nhà lãnh đạo liên danh BP sẽ phải cắt giảm khoảng 30.000 thùng/ngày.

Tại Kazakhstan, một số nguồn thạo tin cho hay suốt hai tuần qua, Chính phủ Kazakhstan đã tiến gần tới thỏa thuận với các nhà khai thác nước ngoài tại hai mỏ dầu Kashagan và Tengiz để cắt giảm 22% sản lượng kể từ tháng Năm.

ExxonMobil, Chevron, Eni, Total và Shell chiếm tới 60% trong tổng sản lượng 1,7 triệu thùng/ngày của Kazakhstan, khiến nước này khó có thể đáp ứng hạn ngạch cắt giảm 390.000 thùng/ngày do OPEC+ đề ra nếu không có các tập đoàn năng lượng lớn trên.

Còn tại Nigeria, Shell và các “ông lớn” khác cũng đang tiến hành đàm phán với tập đoàn dầu khí quốc gia NNPC về việc giảm sản xuất trong và ngoài nước.

Shell và Total sẽ phải chia sẻ việc cắt giảm sản lượng 285.000 thùng/ngày của Oman, trong khi Iraq vẫn đang đàm phán với các cái tên lớn như Exxon và BP về việc chia sẻ khoản cắt giảm 1 triệu thùng/ngày của nước này như thế nào.

Ngoài OPEC+, các kế hoạch giảm sản lượng hơn 600.000 thùng/ngày tại Mỹ, khoảng 300.000 thùng/ngày ở Canada và 200.000 thùng/ngày ở Brazil đều đã được công bố. Đây đều là các quốc gia nơi các công ty năng lượng lớn đang hoạt động.

Trong giai đoạn giá dầu sụp đổ hồi năm 2014-2016, các nhà sản xuất dầu lớn như BP đã chứng kiến lợi nhuận từ các đơn vị sản xuất, tìm kiếm và khai thác dầu suy giảm.

Song họ đã được “cứu” bởi kết quả mạnh mẽ từ mảng tinh chế, buôn bán chế phẩm dầu mỏ khi người tiêu dùng hưởng lợi từ nhiên liệu giá rẻ.

Nhưng lần này thì khác. BP cho biết họ dự kiến biên lợi nhuận từ hoạt động tinh chế sẽ thấp hơn đáng kể trong quý II, khi các hạn chế đi lại trên toàn cầu để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 khiến hoạt động tiêu thụ xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay lao dốc.

Tình hình đó kết hợp với yêu cầu cắt giảm sản lượng trên toàn thế giới sẽ trở thành một “cơn ác mộng” dành cho các nhà sản xuất dầu lớn.

Hiện vẫn chưa thể dự đoán chính xác quy mô kế hoạch cắt giảm sản lượng, vì các nhà sản xuất lớn và nhiều chính phủ vẫn đang bế tắc trong những cuộc đàm phán khó khăn.

Theo một số nhà quan sát, mức cắt giảm của các công ty năng lương có thể lên tới hàng trăm nghìn thùng mỗi ngày, hoặc 5 -10% sản lượng của họ dựa trên mức độ liên quan với các quốc gia thuộc OPEC+ cùng những hoạt động tại Mỹ và Canada của những công ty này./.

Nguồn: Bnews

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *