Các kế hoạch sản xuất dầu của Venezuela là hoàn toàn phi thực tế

Các kế hoạch sản xuất dầu của Venezuela là hoàn toàn phi thực tế

Bất chấp nền kinh tế gần như sụp đổ, cơ sở hạ tầng ngành dầu khí bệ rạc và ngân khố chính phủ trống rỗng, Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Tareck El Aissami vẫn tiếp tục bàn về triển vọng sản lượng dầu thô của các thành viên OPEC sẽ mở rộng đáng kể.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 21 tháng 6 với Bloomberg, El Aissami tuyên bố rằng Venezuela sẽ tăng gấp bốn lần sản lượng dầu của mình vào cuối năm 2021. Bộ trưởng dầu mỏ khẳng định thêm rằng bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào ngành dầu khí của thành viên sáng lập OPEC và rồi sản lượng cuối cùng sẽ phục hồi về lại mức mà Venezuela sẽ được xếp hạng trong số bốn quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới. Theo El Aissami, Venezuela sẽ bơm tới hai triệu thùng dầu thô mỗi ngày vào cuối năm 2021, gấp bốn lần so với 500.000 thùng mỗi ngày được sản xuất trong năm 2020. Bất chấp lời khẳng định của El Aissami, nhưng với tình hình hiện tại cho thấy mục tiêu này gần như không thể đạt được.

Báo cáo thị trường dầu hàng tháng vào tháng 7 năm 2021 của OPEC cho thấy, dựa trên thông tin liên lạc trực tiếp, Venezuela đã bơm trung bình 6330.000 thùng mỗi ngày vào tháng 6 năm 2021. Mặc dù con số này tăng 9% so với tháng 5 và cao hơn ấn tượng 67% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn ít hơn đáng kể so với mức kỷ lục 3,1 triệu thùng/ngày được bơm hồi năm 1998 trước khi tổng thống Chavez lên nắm quyền. Hơn nữa, dữ liệu do Venezuela công bố liên quan đến hoạt động của công ty dầu mỏ quốc gia PDVSA là không đáng tin cậy, khiến nhiều nhà phân tích phải dựa vào thông tin từ các nguồn thứ cấp. Dữ liệu của OPEC từ các nguồn thứ cấp cho thấy Venezuela chỉ sản xuất trung bình 529.000 thùng mỗi ngày trong tháng 6 năm 2021, ít hơn 16% so với con số do Venezuela cung cấp trước đó. Những con số này cho thấy còn một chặng đường dài trước khi sản lượng xăng dầu phục hồi về mức trước khủng hoảng.

Sự sụt giảm sản lượng lớn của Venezuela trong hai thập kỷ qua là hậu quả của các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt từ Hoa Kỳ nhằm ngăn cản Caracas tiếp cận thị trường năng lượng và nguồn vốn quốc tế. Những hạn chế đó cũng đang ngăn cản các công ty dầu mỏ làm ăn với chế độ của Maduro vì sợ bị vạ lây. Sự sụp đổ giá dầu cuối năm 2014, hành động phi pháp có hệ thống và nạn tham nhũng tràn lan đã đẩy nhanh sự suy thoái đó. Bất chấp sự lạc quan của El Aissami, có những dấu hiệu cho thấy một con đường dài phía trước dành cho Venezuela trước khi sự phục hồi bền vững trong sản lượng dầu sẽ xảy ra.

Một tài liệu của PDVSA bị rò rỉ cho biết công ty dầu mỏ quốc gia này tin rằng việc đầu tư 58 tỷ đô la vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela là cần thiết để phục hồi sản lượng về mức 1998. Đó là một số tiền khổng lồ mà rốt cuộc sẽ chỉ có được bằng cách kêu gọi và thu hút đầu tư đáng kể từ các công ty dầu mỏ lớn nước ngoài. Ngay cả ông lớn trong ngành năng lượng của Nga- Rosneft- cũng đã chọn cách bán lượng tài sản đáng kể của họ ở Venezuela, có được thông qua một loạt các liên doanh không sinh lời với PDVSA và các khoản vay của chính phủ cho một thực thể do Điện Kremlin kiểm soát trong năm 2020.

Điều này là do các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt hơn của Hoa Kỳ, khiến Washington áp đặt các lệnh phạt đối với hai công ty con của Rosneft. Ông lớn của Nga đưa ra quyết định này mặc dù đã đầu tư 9 tỷ USD vào các liên doanh với PDVSA kể từ năm 2010 và thua lỗ nặng từ các khoản đầu tư đó. Sự kiện đó cho thấy rõ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ hiện là một biện pháp răn đe lớn đối với các công ty năng lượng thuộc sở hữu tư nhân đang tìm cách hoạt động ở Venezuela hoặc tiến hành kinh doanh với chế độ Maduro.

Các biện pháp trừng phạt của Washington về cơ bản cũng đã làm tăng lên đáng kể những khó khăn về khâu hậu cần liên quan đến việc bảo trì, sửa chữa và tái trang bị cơ sở hạ tầng dầu khí đang đổ nát của Venezuela. Các công ty kỹ thuật Trung Quốc ban đầu cam kết sửa chữa và nâng cấp các nhà máy lọc dầu bị hư mòn nặng của Venezuela đã rút khỏi thỏa thuận vì tình trạng hư hỏng nghiêm trọng và thiếu khả năng tiếp cận các thiết bị quan trọng.

Tuy Iran đã có một số hỗ trợ để cải tạo lại các nhà máy lọc dầu xiêu vẹo của Venezuela, nhưng các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đã ngăn các kỹ thuật viên của Teheran có được thiết bị thay thế quan trọng được thiết kế và sản xuất ở phương Tây. Phần lớn cơ sở hạ tầng dầu khí của Venezuela được xây dựng bởi các hãng năng lượng lớn ở phương Tây, khiến nước này phụ thuộc vào các thiết bị cũng như chuyên môn kỹ thuật có nguồn gốc từ bên ngoài Venezuela, chủ yếu từ Hoa Kỳ, cho việc bảo trì và tái trang bị. Những vấn đề đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ được nới lỏng trước khi Venezuela có thể thu hút đủ vốn để xây dựng lại cơ sở hạ tầng dầu khí đang đổ nát của mình. Điều đó sẽ không xảy ra nếu như các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Hoa Kỳ làm cản trở việc bán dầu của Venezuela và trừng phạt các công ty làm ăn với chế độ Maduro vẫn còn hiệu lực.

Không chỉ các lệnh trừng phạt đang ngăn chặn nguồn vốn đầu tư năng lượng nước ngoài rất cần thiết, mà các loại dầu thô nặng và siêu nặng có hàm lượng lưu huỳnh cao phát thải nhiều carbon của Venezuela cũng đang ngăn cản đầu tư nước ngoài. Hãng Total Energies của Pháp và Equinor của Na Uy gần đây thông báo rằng họ đã quyết định rời khỏi Venezuela để chuyển giao cổ phần tương ứng 30,32% và 9,67% của họ trong dự án dầu siêu nặng Petrocedeño (tiếng Tây Ban Nha) cho PDVSA. Cả hai công ty đều lấy lý do rằng quyết định là do cường độ carbon cao của dự án không đáp ứng được các mục tiêu đã tuyên bố của họ về việc giảm lượng khí thải carbon và tác động môi trường trong hoạt động của họ.

Petrocedeño lấy dầu thô cực nặng từ vành đai Orinoco và sau đó pha trộn nó thành các loại dầu nhẹ hơn để bán hoặc lọc dầu. Sự việc mới đây cho thấy rõ những rủi ro liên quan đến dầu thô nặng và siêu nặng của Venezuela, mà theo ước tính chiếm hơn 80% trữ lượng dầu khổng lồ của cả nước, khiến nó trở thành nguồn dầu bị mắc kẹt khi nền kinh tế toàn cầu hướng tới giảm phát thải cacbon.

Tình trạng thiếu khí ngưng tụ (condensate) thường xuyên do nguồn cung tại chỗ hạn chế, cho việc pha loãng các loại dầu thô cực nặng để chúng có thể được vận chuyển và lọc, đang đè nặng lên sản xuất. Cho đến khi có lô hàng 2,1 triệu thùng đến từ Iran vào tháng 7 năm 2021, Venezuela đã không nhận được bất kỳ thùng khí ngưng tụ nào kể từ tháng 9 năm 2020, buộc nước này phải phụ thuộc vào sản lượng dầu nhẹ và khí ngưng tụ hạn chế trong nước. Trước khi Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung vào tháng 1 năm 2019, Hoa Kỳ là nguồn nhập khẩu condensate chính. Cho đến khi các lệnh trừng phạt đó được nới lỏng, thì không chắc thành viên OPEC này có thể có được đủ khí ngưng tụ để tăng sản lượng dầu mỏ hay không, đây là một trở ngại nữa đối với các công ty năng lượng đang cân nhắc đầu tư vào Vành đai Orinoco.

Rõ ràng, cả Caracas và PDVSA đều không thể mở rộng đáng kể sản lượng dầu của Venezuela cho đến khi các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Hoa Kỳ được nới lỏng. Không có tập đoàn dầu khí toàn cầu nào, vốn là những công ty năng lượng duy nhất sở hữu những nguồn lực và chuyên môn cần thiết để xây dựng lại ngành công nghiệp dầu mỏ đang đổ vỡ của Venezuela, sẵn sàng đầu tư cho đến khi họ có thể hoạt động có lãi trong lĩnh vực dầu mỏ. Điều đó sẽ không xảy ra cho đến khi một phần đáng kể các lệnh trừng phạt của Washington được dỡ bỏ.

Việc khai thác dầu thô nặng và siêu nặng của Venezuela trong một thế giới hậu Hiệp định Paris là một rào cản nữa cho việc đầu tư khi các hãng dầu lớn chịu sức ép đáng kể cho các hoạt động trung hòa carbon. Những trở ngại đó đối với việc đầu tư càng lớn bởi những rủi ro liên quan đến việc đầu tư vào một quốc gia được lãnh đạo bởi một chế độ xã hội chủ nghĩa chuyên quyền có lịch sử lâu dài về quốc hữu hóa các tài sản dầu khí thuộc sở hữu tư nhân. Vì những lý do đó, tuyên bố của El Aissami có vẻ không thực tế và ngành công nghiệp dầu mỏ bị bỏ rơi của Venezuela sẽ không phục hồi cũng như sản lượng dầu khí sẽ không sớm tăng trưởng bền vững.

Nguồn tin: xangdau.net

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *