Cần tiếp tục phát triển vật liệu xây không nung

Cần tiếp tục phát triển vật liệu xây không nung

(Xây dựng) – Một trong những mục tiêu của Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 567/QĐ-TTg, ngày 28/4/2010 (sau đây gọi tắt là Chương trình 567) là phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20 – 25% vào năm 2015 và đạt 30 – 40% vào năm 2020. Sau 10 năm triển khai, Chương trình 567 liệu có đạt được mục tiêu đề ra? Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), ông Phạm Văn Bắc đã trả lời phỏng vấn Báo Xây dựng về vấn đề này.

can tiep tuc phat trien vat lieu xay khong nung
Ông Phạm Văn Bắc

Thưa ông, sau 10 năm triển khai, Chương trình 567 đạt được kết quả như thế nào?

Ngay sau khi được phê duyệt, Chương trình 567 đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương đến các cấp ủy Đảng, chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và nhất là sự ủng hộ, hưởng ứng của các DN…

Sau 10 năm thực hiện Chương trình 567, việc đầu tư, sản xuất và sử dụng VLXKN ở nước ta đã có sự chuyển biến tích cực. Các công nghệ mới, thiết bị mới sản xuất VLXKN đã từng bước được đầu tư, phát triển. Các sản phẩm VLXKN đa dạng phong phú về chủng loại, gồm gạch bê tông (gạch xi măng cốt liệu), gạch bê tông khí chưng áp, không chưng áp, gạch bê tông bọt, tấm bê tông rỗng đùn ép (Acotec), tấm tường bê tông khí chưng áp. Chất lượng sản phẩm VLXKN từng bước được hoàn thiện và nâng cao.

 

 

Hiện cả nước có trên 1.600 cơ sở VLXKN, với tổng công suất thiết kế khoảng 10,2 tỷ viên QTC/ năm (chiếm khoảng gần 30% tổng công suất thiết kế sản phẩm vật liệu xây), tương đương đạt xấp xỉ ở ngưỡng thấp so với mục tiêu của Chương trình 567.

Tuy nhiên, sản lượng sản xuất của các cơ sở VLXKN mới chỉ phát huy 45 – 50% công suất thiết kế, tương đương khoảng 5 tỷ viên QTC, chiếm khoảng 15 – 18 % so với tổng sản lượng vật liệu xây.

Với sản lượng trên, hàng năm chúng ta đã tiết kiệm được khoảng 7,5 triệu m3 đất sét, tương đương 375 ha đất khai thác ở độ sâu 2 m, giảm tiêu thụ khoảng 750.000 tấn than và giảm thải ra môi trường khoảng 2,85 triệu tấn CO2. Đây là kết quả ấn tượng góp phần giảm thải gây ô nhiễm môi trường và giảm quá trình suy giảm diện tích đất nông nghiệp.

Cũng trong trong giai đoạn 10 năm vừa qua, việc thực hiện xóa bỏ các lò gạch thủ công đã được các địa phương thực hiện rất quyết liệt. Đến nay, hầu hết các cơ sở sản xuất gạch bằng lò thủ công lạc hậu đã chấm dứt hoạt động. Nhiều địa phương hoàn thành sớm kế hoạch xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, như TP.HCM, Thái Bình, Hải Dương… Song bên cạnh đó vẫn còn một số tỉnh thực hiện việc xóa bỏ lò thủ công vẫn chưa quyết liệt dẫn tới vẫn tồn tại các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng nung gạch có xử lý khói thải, lò vòng…

can tiep tuc phat trien vat lieu xay khong nung

can tiep tuc phat trien vat lieu xay khong nung

Sản xuất tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn Acote.

Như vừa đề cập, việc sản xuất và tiêu thụ VLXKN đang gặp nhiều khó khăn, vậy nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Việc phát triển VLXKN còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Đơn cử như hệ thống tiêu chuẩn, định mức, các giải pháp thi công, hướng dẫn thi công, nghiệm thu chưa được ban hành kịp thời cho các chủng loại sản phẩm mới ra thị trường.

Các chính sách ưu đãi trong đầu tư sản xuất VLXKN đã được ban hành nhưng tại nhiều địa phương vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, DN chưa được hưởng ưu đãi như chính sách đã ban hành.

Một số địa phương chưa thực hiện triệt để lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Sản lượng gạch đất sét nung còn chiếm tỷ trọng lớn, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm VLXKN.

Về cơ bản, các DN đã làm chủ công nghệ sản xuất các sản phẩm VLXKN nhưng vẫn chưa được hoàn thiện dẫn đến một số nhà sản xuất chất lượng sản phẩm VLXKN chưa ổn định. Thậm chí, các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ cũ cho ra sản phẩm có chất lượng thấp nhưng vẫn được bán ra thị trường. Sản phẩm chất lượng kém đã dẫn đến các sự cố như nứt, thấm tường, ảnh hưởng chất lượng công trình và giảm sút lòng tin của người sử dụng đối với sản phẩm VLXKN.

Ngoài ra còn một số yếu tố khác như các nhà tư vấn, thiết kế chỉ lựa chọn VLXKN cho những công trình có quy định bắt buộc phải sử dụng loại vật liệu này (công trình vốn Nhà nước, cao tầng). Đối với những dạng công trình khác vẫn chưa ưu tiên sử dụng VLXKN.

Trong thi công, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân chưa được đào tạo bài bản, chưa kiểm soát tốt các yếu tố tác động đến chất lượng sản phẩm.

Người dân vẫn giữ thói quen sử dụng gạch đất sét nung. Giá sản phẩm VLXKN vẫn chưa hấp dẫn, chưa cạnh tranh được với gạch đất sét nung.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển VLXKN cần có những giải pháp gì, thưa ông?

Việc tăng cường sản xuất và sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch nung sản xuất từ đất sét là chủ trương lớn, nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thực hiện các cam kết quốc tế của Chính phủ. Bộ Xây dựng đề xuất tiếp tục triển khai Chương trình phát triển VLXKN trong giai đoạn tiếp theo.

Để thúc đẩy phát triển VLXKN, Bộ Xây dựng đề xuất Nhà nước hỗ trợ kịp thời về vốn vay đầu tư, vốn để sản xuất, kinh doanh, chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh, sử dụng VLXKN.

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp về khoa học công nghệ, xây dựng, công bố và ban hành đầy đủ tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm VLXKN, thiết kế, thi công, nghiệm thu… các công trình sử dụng VLXKN.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để các nhà quản lý, chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu và người dân hiểu hết những lợi ích của VLXKN như cách âm, cách nhiệt, tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng công trình, từ đó có ý thức, trách nhiệm sử dụng VLXKN thay cho sử dụng gạch đất sét nung.

Các DN sản xuất VLXKN cần tận dụng tối đa các nguồn phế thải các ngành công nghiệp khác, đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng, tạo ra các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại, phù hợp với các công trình xây dựng. Sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, có giá cạnh tranh, góp phần hạ giá thành công trình sử dụng VLXKN…

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Xây Dựng

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *