Chuỗi logistics của Hải Phòng bứt tốc

Chuỗi logistics của Hải Phòng bứt tốc

Hải Phòng đã định hướng phát triển dịch vụ logistics theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tiến tới xuất khẩu dịch vụ logistics ra nước ngoài.
Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng. Ảnh: TTXVN

Hải Phòng là một địa phương tiêu biểu về logistics với hạ tầng đa dạng phục vụ các loại hình vận tải gồm đường biển, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và đường hàng không, kết nối thuận tiện với các địa phương thuộc đồng bằng sông Hồng cũng như phương tiện, hàng hóa tuyến Bắc – Nam.

Đón đầu xu hướng, Hải Phòng đã định hướng phát triển dịch vụ logistics theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tiến tới xuất khẩu dịch vụ logistics ra nước ngoài.
* Một điều chỉnh mới
Một tin vui đến với Hải Phòng trong những ngày cuối tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 323/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quy hoạch, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới…
Ưu tiên phát triển các chức năng cảng, dịch vụ cảng là một trong nhiều nội dung được đề cập tại Quyết định số 323/QĐ-TTg. Theo đó, mạng lưới logistics của Hải Phòng khoảng 2.200 – 2.500 ha, gồm: Trung tâm logistics quốc tế và cấp vùng ở khu vực Đình Vũ – Cát Hải; các trung tâm logistics cấp thành phố, trung tâm logistics chuyên dụng, trung tâm logistics hỗ trợ gắn với các đầu mối giao thương chính. Ngoài ra, bố trí các khu logistics gắn với khu vực sản xuất công nghiệp, cảng sông, cảng biển và các trung tâm, đầu mối vận tải khác.
Quyết định số 323/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã mở ra hướng đột phá mới và nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Để chủ động đón nhận làn sóng đầu tư mới, trên cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, Tập đoàn Sao Đỏ (chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Đình Vũ) đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ xúc tiến, cung cấp những tiện ích, giá trị gia tăng tạo ra sức hút cho các nhà đầu tư. Xu hướng tích hợp logistics vào khu công nghiệp đang trở thành tất yếu trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Thành Phương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, Nam Đình Vũ là Khu công nghiệp duy nhất tại Việt Nam sở hữu 4 phân khu chức năng tiện ích, đồng bộ và bổ trợ tối đa lẫn nhau: Khu cảng biển và kho bãi logistics; khu cảng dầu khí và hàng lỏng; khu đất công nghiệp và kho bãi phức hợp.

Đây được coi là mô hình kinh doanh tiện ích điển hình, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp ngay trong nội khu. Tập đoàn Sao Đỏ và các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Nam Đình Vũ cùng song hành phát triển, góp phần khơi dậy thế mạnh của thành phố Hải Phòng, đó là cảng biển và logistics.
Hiện tại, theo báo cáo của Sở Công Thương thành phố Hải Phòng, trên địa bàn thành phố một số trung tâm logistics đã hình thành và đi vào hoạt động, cùng khoảng 250 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics, trong đó có nhiều đơn vị thuộc các tập đoàn logistics đa quốc gia.

Để phát triển dịch vụ logistics trong bối cảnh xuất nhập khẩu của Việt Nam đang tăng mạnh, UBND thành phố Hải Phòng cũng đã ban hành một số Nghị quyết, Kế hoạch, trong đó nổi bật là Kế hoạch 238/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 2/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Kế hoạch 238/KH-UBND nêu rõ, phấn đấu mục tiêu đến năm 2025, Hải Phòng trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, với hàng hóa thông qua Cảng ước đạt 300 triệu tấn, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 – 2025 đạt 15,1%/năm. Đến năm 2030, thành phố trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao. Hàng hóa thông qua Cảng ước đạt 600 triệu tấn…

Cảng Lạch Huyện, Hải Phòng. Ảnh: Đức Nghĩa/TTXVN phát

* Cải thiện và bứt tốc…
Tại một số cuộc hội thảo về phát triển ngành Dịch vụ Logistics tại Hải Phòng, nhiều ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh những lợi thế vượt trội và kết quả tích cực đã đạt được, vẫn còn đó hạn chế, “nút thắt” lớn cho việc cải thiện hiệu quả logistics tại Hải Phòng, đó là hạ tầng và công nghệ đang trở nên quá tải và chưa được mở rộng, nâng cấp kịp thời để đáp ứng được yêu cầu của một cửa ngõ về logistics tại khu vực phía Bắc.

Cùng đó, tương tác, chia sẻ thông tin, lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng hàng hóa còn hạn chế và chưa được chú trọng.
Chất lượng dịch vụ chưa đồng đều do sự tham gia của số lượng lớn các doanh nghiệp dịch vụ logistics ở các quy mô khác nhau và chưa có cơ chế thanh tra, giám sát đủ mạnh, vẫn còn hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà cung cấp dịch vụ.
Chi phí logistics vẫn ở mức cao, thời gian giải quyết thủ tục tại các cảng, bến dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến ùn tắc cục bộ và ảnh hưởng đến tâm lý kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Để gỡ “nút thắt” này, theo PGS.TS. Đan Đức Hiệp, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, thành phố tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển logistics, các dự án trung tâm logistics tập trung, có quy mô lớn, tại các Khu công nghiệp có diện tích cần thiết, phù hợp cho khu dịch vụ logistics.

Hỗ trợ các doanh nghiệp logistics lớn trong nước và quốc tế góp vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm Logistics tại Lạch Huyện, Đình Vũ với cam kết dành cho các doanh nghiệp logistics nhiều cơ chế ưu đãi đặc biệt trong quá trình khai thác sử dụng dịch vụ.
Đổi mới quản lý Nhà nước đối với dịch vụ logistics ở cảng Hải Phòng phải hướng tới hình thành mô hình dịch vụ logistics điện tử (E-logistics). Xây dựng cơ sở dữ liệu công nghệ thông tin phục vụ cho cộng đồng dịch vụ logistics ở cảng Hải Phòng. Cần sớm tiêu chuẩn hoá dịch vụ logistics cảng biển, trung tâm logistics tập trung.
Việc thu phí cảng biển đối với các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa qua địa bàn cũng cần được nghiên cứu để thực hiện hợp lý hơn, qua đó thúc đẩy vận tải đa phương thức, giảm ách tắc, nâng cao hiệu quả chung của hoạt động logistics Hải Phòng.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) chia sẻ về đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin. Với cảng biển có thể xem xét theo mô hình hệ thống portnet của Singapore, nơi mà thông tin được quản lý và chia sẻ bởi cảng biển, hãng tàu, các nhà vận chuyển đường bộ, các đại lý giao nhận vận tải và các cơ quan của Chính phủ, nhất là hải quan.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trong thành phố cần nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động cung cấp dịch vụ. Đây là điều kiện quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hiệu quả của chuỗi cung ứng (nguồn hàng, tương tác về logistics giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng) cũng cần được quan tâm. Trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện đã có 14 Khu công nghiệp đang triển khai hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng với tổng diện tích trên 6.131ha (9 Khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải và 5 Khu công nghiệp nằm ngoài Khu kinh tế)…

Một số Khu công nghiệp đã được xây dựng theo mẫu dựa trên nền tảng logistics, nhằm tăng tính kết nối, tương tác về logistics giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng. Ví dụ như Khu công nghiệp Đình Vũ có hệ thống cảng tổng hợp và cảng hàng lỏng dùng chung ngay trong khu công nghiệp; Khu công nghiệp Nam Đình Vũ đặc biệt gắn liền với hệ thống cảng biển – chuỗi logistics miền Bắc Việt Nam.
Trong giai đoạn tiếp theo, Hải Phòng sẽ tập trung xây dựng các Khu công nghiệp, Khu chế xuất mới thành lập theo hình mẫu Khu công nghiệp dựa trên nền tảng logistics. Điều này giúp tạo nguồn hàng dồi dào cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn; đồng thời tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng hàng hóa cho cả khu vực Đông Bắc, cũng như đảm nhận vai trò cổng logistics cho nguồn hàng xuất nhập khẩu bằng đường biển của các địa phương phía Bắc dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới./.

Đoàn Minh Huệ/TTXVN

 

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *