Cổ phiếu ngành cảng biển liệu có đứng vững trước dịch COVID-19?

Cổ phiếu ngành cảng biển liệu có đứng vững trước dịch COVID-19?

 Cảng biển được đánh giá là một trong những ngành chịu ảnh hưởng không quá nhiều bởi tình hình dịch bệnh.
Trong ảnh: Bốc xếp hàng container tại cảng Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Trong khi hầu hết các ngành đều có mức suy giảm mạnh trước dịch COVID-19 thì cảng biển được đánh giá là một trong những ngành chịu ảnh hưởng không quá nhiều bởi tình hình dịch bệnh. Thống kê toàn ngành vẫn giữ được mức tăng trưởng dương dù tốc độ tăng trưởng có chậm lại so với các năm gần đây. Nhờ vậy, nhóm cổ phiếu ngành cảng biển cũng có diễn biến tích cực.
*Khó khăn chỉ là ngắn hạn
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín – SBS, sản lượng hàng hóa qua cảng có sự suy giảm về đà tăng trưởng so với các năm trước do nhu cầu chuyên chở các mặt hàng xuất khẩu đi châu Âu, châu Mỹ giảm mạnh; các mặt hàng chủ lực như may mặc, giày da được dự báo giảm hơn 50% đơn hàng. Thậm chí, một số chủ hàng nước ngoài còn hủy những đơn hàng đã ký hợp đồng trước đó và chưa có thông báo về kế hoạch ký lại.
Dù vậy, nhìn tổng quan ngành cảng biển vẫn được đánh giá là một trong những ngành chịu ảnh hưởng không quá nhiều bởi tình hình dịch bệnh.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, thống kê 8 tháng năm 2020, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt gần 485,3 triệu tấn; trong đó, lượng hàng container thông qua cảng đạt hơn 13,9 triệu Teus, tăng lần lượt 6% và 8% so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng tháng 8/2020, khối lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt gần 57,3 triệu Teus, tăng 2%; trong đó, hàng container đạt hơn 1,7 triệu Teus, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó theo SBS, 7 tháng năm 2020, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt hơn 397,5 triệu tấn, lượng hàng container thông qua cảng đạt 11,8 triệu Teus, tăng 6% và 8% so với cùng kỳ 2019.
Đánh giá về những yếu tố có tác động tích cực tới ngành cảng biển SBS cho rằng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, ngành cảng biển, logistics cũng sẽ được hưởng lợi trong dài hạn. Hiệp định EVFTA sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam tăng thêm bình quân từ 4- 6%/năm trong vòng 10 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực.
Ngoài ra, trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Bộ Giao thông Vận tải đã nắm bắt và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng hải và lấy ý kiến Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT (Thông tư 54) về khung giá dịch vụ tại cảng biển.

 
Thống kê 8 tháng năm 2020, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt gần 485,3 triệu tấn. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải, ông Nguyễn Văn Công, tại Thông tư 54, giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam đã tăng nhưng vẫn có khoảng cách khá xa so với giá dịch vụ cảng biển trong khu vực.
Vì vậy, việc tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp là cần thiết; trong đó, mục tiêu đến năm 2025, giá xếp dỡ container xuất nhập khẩu tại cảng biển Việt Nam cần phải bằng từ 60 – 70% so với giá xếp dỡ trong khu vực.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nhận định, việc sửa đổi Thông tư số 54 là vấn đề nóng trong lĩnh vực cảng biển thời gian qua. Các nội dung sửa đổi đã được Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội và đơn vị chức năng chuyên ngành. Sau đó, sẽ hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, cố gắng trước 1/1/2021.
Thực tế, nhìn vào kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp cảng biển đang niêm yết có thể thấy, đa số các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều. Tổng thể ngành ghi nhận doanh thu giảm nhẹ 3%, trong khi lợi nhuận tăng nhẹ 2%.
Có thể kể đến các doanh nghiệp trong ngành như Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (mã chứng khoán: DVP) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với doanh thu thuần đạt hơn 237 tỷ đồng, giảm gần 18% nhưng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 139,4 tỷ đồng, xấp xỉ năm trước.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng (mã chứng khoán: TCL) ghi nhận doanh thu đạt trên 512,1 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 42,1 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và giảm 5,5% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng (mã chứng khoán: CDN) ghi nhận doanh thu đạt trên 439,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 113 tỷ đồng, lần lượt tăng 17,5% và 26,6% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cảng biển khác như: Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (mã chứng khoán: PHP), Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn (mã chứng khoán: SGP), Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An (mã chứng khoán: HAH), Công ty cổ phần Kho vận miền Nam (mã chứng khoán: STG), Công ty cổ phần Transimex (mã chứng khoán: TMS)… cũng đều ghi nhận kết quả kinh doanh tăng, hoặc chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ.
SBS dự báo hiệu quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này sẽ suy giảm nhẹ trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt tại các doanh nghiệp tại khu vực Miền Bắc do áp lực cạnh tranh gia tăng. Các doanh nghiệp sở hữu cảng nước sâu là nhóm có lợi thế và ít bị ảnh hưởng hơn.
*Lợi thế lớn nhờ ít sử dụng vốn vay
Theo SBS, dịch COVD-19 hiện nay đang có diễn biến phức tạp. Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng sẽ dẫn đến hiệu ứng khó khăn dây chuyền.
SBS cho rằng, ngành cảng biển chưa phải hứng chịu tác động trực tiếp nhưng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp khi kinh tế toàn cầu bước vào đợt suy thoái lớn. Những khó khăn xảy đến dự báo có độ trễ hơn so với các ngành nghề khác.
Việc xuất hiện hàng loạt các cảng mới trên diện rộng dẫn tới thực trạng dư cung khiến cạnh tranh ngày càng mạnh hơn, đặc biệt tại khu vực cảng trọng điểm là cụm cảng Hải Phòng và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải. Tại Hải Phòng, hai cảng mới đã đi vào hoạt động gồm: cảng MIPEC và cảng Vinalines Đình Vũ với công suất mới có thể chiếm tới 15% công suất hiện tại của Hải Phòng.
Điều này khiến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp hoạt động tại các khu vực trên trong thời gian tới sẽ tiếp tục suy giảm, biên lợi nhuận mỏng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tới từ SBS cho rằng, nhìn chung các doanh nghiệp khai thác cảng biển, vận tải xếp dỡ hàng hóa, kho bãi thường có đặc thù là ít sử dụng vốn vay. Do đó, không phải chịu nhiều những áp lực về lãi vay mỗi khi có những biến động mạnh về môi trường kinh doanh. Đây là một lợi thế rất lớn so với các ngành nghề khác trong bối cảnh dịch bệnh hiện này được dự báo sẽ còn kéo dài.

Lượng tiền mặt lớn có thể giúp doanh nghiệp nhóm ngành cảng biển nhanh chóng khôi phục hoạt động khi những khó khăn do dịch bệnh qua đi. Ảnh: Nguyên Linh – TTXVN

Doanh nghiệp thuộc nhóm khai thác và dịch vụ cảng biển đang niêm yết hiện nay có tỷ trọng nợ vay trên tổng tài sản lớn nhất là Công ty Cổ phần Transimex (mã chứng khoán: TMS) cũng chỉ ở mức 25,2%, thậm chí rất nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (mã chứng khoán: PHP), Công ty cổ phần Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (mã chứng khoán: TCL), Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn (mã chứng khoán: SGP) đều có tỷ trọng dưới 15%; trong đó, riêng Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (mã chứng khoán: DVP) không ghi nhận khoản vay nợ nào.
Lượng tiền mặt lớn có thể giúp doanh nghiệp nhóm này nhanh chóng khôi phục hoạt động khi những khó khăn do dịch bệnh qua đi.
Theo SBS, với ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh ít hơn các ngành nghề khác, diễn biến giá cổ phiếu nhóm ngành cảng biển giữ được sự ổn định hơn so với thị trường chung. Đợt lao dốc của thị trường chứng khoán sau kỳ nghỉ Tết cũng ảnh hưởng tới nhóm ngành này, tuy nhiên mức độ sụt giảm so sánh tương quan với VN-Index là ít hơn khá nhiều.
Giai đoạn hồi phục của thị trường chung cũng khiến nhiều cổ phiếu trong ngành có mức độ hồi phục tích cực, thậm chí vượt qua vùng giá trước dịch, tiêu biểu như VSC tăng tới có mức giá 34.500 đồng/cổ phiếu (kết phiên giao dịch 15/9), tăng gần 26% kể từ đầu năm; TCL kết phiên 15/9 có giá 28.000, tăng hơn 37,2%; PHP tăng trên 13,8%, CDN tăng hơn 18,1%, HAH tăng hơn 8,4%…
Các nhà phân tích tới từ SBS cho rằng, ngành cảng biển vẫn được đánh giá là một trong những ngành chịu ảnh hưởng không quá nhiều bởi tình hình dịch bệnh. Những khó khăn khiến đà tăng trưởng có phần chậm lại như hiện nay chỉ mang tính chất ngắn hạn, nhất thời.
Cùng với việc dự báo các nước sẽ sớm có được vắc xin phòng bệnh COVID-19 vào năm tới thì dự báo sự phục hồi của ngành nhiều khả năng sẽ bắt đầu diễn ra vào nửa cuối năm 2021, các chuyên gia từ SBS nhận định./.

Nguồn: Bnews

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *