Dịch COVID-19: Tìm hướng gỡ khó cho ngành thép

Dịch COVID-19: Tìm hướng gỡ khó cho ngành thép

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, dịch COVID-19 do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã tác động đến ngành thép trong nước ở cả chiều sản xuất và tiêu thụ.

Lô hàng thép xuất khẩu từ Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: TTXVN

Tác động từ dịch COVID-19 đã khiến nhiều ngành, nghề sản xuất trong nước đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu.

Ngành sản xuất thép cũng không nằm ngoài những khó khăn này. Theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp ngành thép, để vượt khó, ngoài sự chủ động của bản thân, ngành thếp rất cần sự hỗ trợ của nhà nước liên quan đến các chính sách lãi suất, thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu…

Theo ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cũng như nhiều ngành nghề khác, dịch bệnh COVID-19 tác động đến ngành thép trong nước ở cả chiều sản xuất và tiêu thụ.

Cụ thể, ở chiều hướng tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp trong ngành thép 2 tháng đầu năm đã chứng kiến sự sụt giảm sản lượng đáng kể.

Do tác động của dịch bệnh, nhiều thị trường đã có sự kiểm soát gắt gao hơn đối với hàng hóa và người trong quá trình xuất khẩu.

Ngoài ra, nhiều công trình xây dựng trong nước, ngoài nước sử dụng thép cũng bị trì trệ, khiến cho nhu cầu sử dụng thép giảm so với cùng kỳ năm trước.

Với nhập khẩu, do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng, khi các thị trường trên thế giới đều nằm trong tình trạng kiểm soát bệnh dịch, khiến nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất ngành thép bị gián đoạn, đặc biệt là các thị trường như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Tiêu thụ thép xây dựng từ đầu năm đến nay chỉ đạt khoảng 65% so với cùng kỳ 2019, xuất khẩu bằng 80% so với cùng kỳ 2019.

Về mặt hàng, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu tiêu thụ trong nước đạt gần 70%, xuất khẩu bằng 60% so cùng kỳ năm 2019; thép cán nguội bán hàng bằng 87% và xuất khẩu 43,7% so với cùng kỳ năm ngoái…

Do vậy, Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp trong ngành đề xuất Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ, có thể bằng các chính sách về tài chính, tín dụng, giảm lãi suất, giãn nợ; đồng thời, có chỉ đạo, giải pháp trong việc thông quan hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và vẫn tuân thủ các quy định về đảm bảo phòng dịch.

Đại diện Tổng công ty Thép Việt Nam cũng cho hay, thị trường diễn biến bất lợi và dịch COVID-19 tác động lớn đến sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong hệ thống Tổng công ty.

Cụ thể, hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 1 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, hoạt động tháng 2 bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của dịch COVID-19. Cụ thể, tiêu thụ đến hết 26/2 mới đạt gần 14.000 tấn, chỉ đạt 23% kế hoạch tháng.

Dự kiến nếu dịch COVID-19 được kiềm chế tốt thì hoạt động tiêu thụ tháng 3 có thể cải thiện hơn. Nhưng, dự kiến tiêu thụ thép cán quý I chỉ đạt được 75% mục tiêu đề ra và việc thực hiện kế hoạch 2020 sẽ rất khó đạt được.

Với Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM), đại diện VNSteel cho hay, đây là đơn vị chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong các đơn vị thuộc hệ thống Tổng công ty bởi dịch bệnh do đặt gần biên giới Việt – Trung và phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại giữa 2 bên.

Các mặt hàng nguyên liệu, vật tư, trang thiết bị của công ty chủ yếu nhập từ Trung Quốc bị ngừng trệ, đặc biệt, tồn kho than cốc hiện rất thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, tiêu thụ quặng sắt trong nước. Xuất khẩu phôi thép của công ty cũng bị ngưng trệ. Dự kiến, quý II đơn vị sẽ vẫn khó khăn.

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp, Tổng công ty Thép Việt Nam đã yêu cầu VTM gấp rút làm việc với các cơ quan hữu quan của Lào Cai để nối lại hoạt động xuất nhập bình thường đối với mặt hàng than cốc và phôi thép nhằm duy trì hoạt động sản xuất bình thường.

Đồng thời, VTM tìm kiếm các nguồn than cốc đường biển để thay thế từ Nga, Indonesia… Tổng công ty cũng kiến nghị các giải pháp hỗ trợ từ UBND tỉnh Lào Cai về các vấn đề giãn, gia hạn thời hạn nộp thuế cho doanh ghiệp…

Đối với Tisco, doanh nghiệp rà soát lại các hợp đồng về than điện cực, vật liệu chịu lửa và có kế hoạch mua bổ sung đảm bảo duy trì đủ vật tư cho sản xuất; kiểm soát tồn kho nguyên vật liệu theo kế hoạch thận trọng và an toàn; làm việc với các nhà phân phối thép để điều chỉnh các chính sách tiêu thụ thành phẩm theo điều kiện hiện tại.

Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia trong ngành thép nhận định, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp; trong đó có ngành thép.

Khó khăn chủ yếu đến từ việc các thị trường kiểm soát dịch bệnh, khiến cho nhập khẩu nguyên phụ liệu, thiết bị phụ tùng cho sản xuất thép trong nước và xuất khẩu hàng hóa đều gặp khó.

Báo cáo mới đây từ Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương cũng chỉ ra những khó khăn do tác động của dịch COVID-19 tới ngành thép và nhiều ngành nghề khác.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp cho hay, Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất với Chính phủ về các giải pháp phát triển công nghiệp trong nước để khắc phục các điểm yếu nêu trên.

Cụ thể là đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới…

Điều này nhằm khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu; trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, các ưu đãi về thuế và đất đai…

Về vấn đề bảo đảm nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào cho sản xuất trong nước, Bộ cũng kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan làm việc với chính quyền các tỉnh, địa phương của Trung Quốc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong việc phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước.

Chỉ đạo trực tiếp về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, Cục Xuất nhập khẩu sẽ chủ động làm việc với các hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn, Tổng công ty… để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu; đề xuất các giải pháp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa.

Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ đánh giá nhu cầu nhập khẩu của từng mặt hàng cụ thể ở các nước, thị hiếu tiêu dùng, dung lượng, tỷ trọng…, những khó khăn vướng mắc của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Cục xây dựng kịch bản tăng trưởng xuất khẩu theo từng quý và có giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang các thị trường này. Cục Xuất nhập khẩu sẽ phải báo cáo Bộ trưởng trước ngày 10/3/2020.

Ngoài ra, Cục Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu làm việc với các hiệp hội ngành hàng để nắm bắt thông tin về khả năng cung ứng nguyên vật liệu trong nước, nhu cầu nhập khẩu, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, đề xuất các giải pháp tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế trong bối cảnh nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn; báo cáo Bộ trưởng và gửi các đơn vị trước ngày 5/3/2020…/.

Nguồn: Bnews

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *