Doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu chỉ ra nhiều bất cập, kiến nghị chiết khấu tối thiểu

Doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu chỉ ra nhiều bất cập, kiến nghị chiết khấu tối thiểu

Các doanh nghiệp kiến nghị, sửa Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu cần định vị lại vị thế của doanh nghiệp bán lẻ.
Toàn cảnh toạ đàm.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải cầm cố tài sản để bù lỗ
Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia – Tiếng nói người trong cuộc” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 6/3, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (tỉnh Trà Vinh) cho biết, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ luôn là đề tài nóng, bởi vì hơn một năm qua, doanh nghiệp bán lẻ phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ bị lỗ nặng nề, kiệt quệ về tài chính, có người phải bán cả ruộng vườn, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ. 
“Sau Hội nghị góp ý sửa đổi Nghị định 95 về xăng dầu, do Bộ Công Thương và VCCI phối hợp tổ chức ngày 14/2/2023, thì chiết khấu xăng dầu bắt đầu tăng lại từ 1.000 – 1.500 đồng/lít, tuỳ khu vực. Đây là hiện tượng không bình thường. Vậy chiết khấu này từ đâu mà có? Trong khi Nghị định thì chưa sửa lại và diễn biến thị trường không hề thay đổi”, ông Giang Chấn Tây nhấn mạnh.
Ông Giang Chấn Tây cho biết thêm, Bộ Công Thương luôn giải thích chiết khấu là do “thoả thuận để tạo công bằng, cạnh tranh”, tuy nhiên những gì diễn ra suốt hơn 1 năm qua đã chứng minh điều ngược lại, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ là do sự “ban phát” từ doanh nghiệp đầu mối. Bởi theo Thông tư 104 của Bộ Tài Chính thì chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức này có ghi rõ là bao gồm cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ, nhưng chỉ vì không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở các khâu, nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẻ hở này một cách triệt để hưởng hết phần chi phí này.

Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, tỉnh Trà Vinh chia sẻ tại toạ đàm.

Đại diện doanh nghiệp này kiến nghị, sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 về xăng dầu cần định vị lại doanh nghiệp bán lẻ, trong Nghị định mới, nên dùng từ doanh nghiệp bán lẻ chứ không dùng từ là đại lý bán lẻ. 
“Tôi kiến nghị doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng ở nhiều nguồn, áp dụng theo Luật cạnh tranh, sẽ góp phần điều tiết nguồn hàng theo quy luật cung cầu. Cùng với đó, quy định chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ không dưới 5 – 6%/giá bán lẻ tùy theo thời điểm”, ông Giang Chánh Tây kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Văn Công Thật, Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, sửa đổi nghị định cần xem xét lại vấn đề doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn và chuỗi cung ứng chỉ quy định 2 cấp là đầu mối và thương nhân phân phối bán lẻ. Cùng đó, cần phải đưa vào Nghị định mức chi phí cố định tối thiểu cho các bán lẻ trong cơ sở giá bán lẻ khi Nhà nước ấn định điều hành giá để đảm bảo hoạt động được duy trì xuyên suốt vì các doanh nghiệp bán lẻ là chuỗi cung ứng quan trọng đến từng tế bào trong xã hội.
Ở góc độ thương nhân đầu mối, ông Hoàng Trung Dũng – Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ (APP) – cho rằng, về bản chất, thương nhân đầu mối cũng được hình thành theo Nghị định 83, phải đáp ứng đủ điều kiện luật định mới được cấp giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối là trung gian, gây đứt gãy, khiến chi phí tăng cao. “Nếu thương nhân phân phối thực sự là trung gian, là nguyên nhân của vấn đề gây đứt gãy thì tôi nghĩ nên cắt bỏ. Cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân sâu xa của đứt gãy là gì? Trên thực tế, thương nhân phân phối đang là bên bị đổ lỗi”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết thêm, trước đây, khi chu kỳ điều hành xăng dầu là 15 ngày, tình hình tương đối ổn định. Tuy nhiên, khi rút còn 10 ngày, đứt gãy diễn ra cục bộ, đầu mối không đủ thời gian để vận hành hoạt động, dẫn đến đứt gãy phía dưới. Trước và sau 2 ngày của chu kỳ rất căng thẳng, xe xếp hàng dài lấy xăng, ai cũng muốn lấy được hàng nhanh nhưng không có để cung cấp. Sắp tới, chu kỳ hướng tới 7 ngày. Việc tiếp tục rút ngắn khiến tình trạng đứt gãy nghiêm trọng hơn, không thể nào lấy hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Sài Gòn (Saigon Petroleum) cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc xăng dầu bị đứt gãy là giá. Giá xăng dầu cần phải tính đúng, tính đủ, tính kịp thời trong cả 3 khâu từ đầu mối, phân phối, bán lẻ. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta cứ lấy giá 6 tháng trước áp cho 6 tháng sau. Đây là điều trái với quy luật trong khi xăng dầu là mặt hàng biến động rất nhanh theo từng ngày, từng giờ.
Ông Hán đề nghị liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh kịp thời. Bởi vừa rồi, cơ quan chức năng mới tính giá cơ sở ở đầu mối, chưa tính đến giá lưu thông. Ngoài ra, theo ông Hán, cần sửa đổi Nghị định 95 một cách toàn diện, đồng bộ. Bởi 2 Nghị định trước mới chỉ nói về xăng dầu,  mà nhiều những đề liên quan chưa được đề cập đến như lao động, vấn đề môi trường, phòng cháy chữa cháy, giao thông…
Đặc biệt, ông Hán cho rằng, cơ quan chức năng cần sửa đổi cụm từ “thương nhân phân phối”, tránh gọi đây tầng lớp trung gian bởi đây là cụm từ như thời bao cấp, chưa thể hiện được tính thị trường và dễ gây hiểu nhầm.
Sẽ tính đúng, tính đủ chi phí cho doanh nghiệp
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính phối hợp Bộ Công Thương và cơ quan liên quan trong quá trình vận hành thị trường. Hiện nay, công thức giá cơ sở gồm giá thế giới chiếm 60-70%; chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, chi phí đưa từ nhà máy lọc dầu về cảng, từ nước ngoài về Việt Nam khoảng 9%; các loại thuế từ 11-20%. Còn lại chi phí lợi nhuận định mức và chi phí trong lợi nhuận xăng dầu. Chi phí được công khai ở Nghị định 95. Riêng chi phí định mức (đưa từ nhà máy lọc dầu đến cảng…) được công bố định kỳ. Chi phí định mức công bố 1 năm/1 lần. Các chi phí còn lại công bố 6 tháng/lần. Thời gian qua, Bộ Tài chính thực hiện nghiêm túc công bố thông tin về tính giá cơ sở. 
Về chiết khấu của doanh nghiệp bán lẻ, theo ông Tiến, doanh nghiệp phản ánh chi phí thấp, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Giá chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố như dự báo giá, hàng tồn kho… Khâu đánh giá chi phí với chiết khấu theo chuỗi từ bán buôn đến bán lẻ. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về chi phí chiết khấu cho bán lẻ.
“Trên cơ sở chi phí của thương nhân phân phối, chúng tôi đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ. Chúng tôi rà soát chi phí định mức trong công thức tính giá cơ sở trên cơ sở phát sinh và tiếp tục nghiên cứu, rà soát để các khâu trong tính giá cơ sở, công khai tới doanh nghiệp”, ông Tiến nói.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, phải đặt ngược lại là tại sao trước đây không nêu vấn đề chiết khấu mà gần đây lại nêu ra? Chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố, cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho…

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp.

“Nếu đưa chiết khấu vào sẽ đồng nghĩa với chi phí thì giá xăng dầu tăng lên, khi đó, quyền lợi người tiêu dùng như thế nào? Kiểm soát CPI Nhà nước làm sao? Và như vậy có công bằng không trong nền kinh tế? Chúng ta phải xem xét thấu đáo các vấn đề. Chiết khấu các doanh nghiệp có thời kỳ lên 1.500- 2.000/lít, tại sao chúng ta không tính chiết khấu bình quân? tại sao doanh nghiệp bán lẻ không tìm cách chiết khấu đàm phán hợp đồng?”, ông Đông nói.

Vấn đề doanh nghiệp có được nhập bán lẻ từ nhiều nguồn, ông Đông cho rằng, Nghị định 83, 95 không nghiêm cấm doanh nghiệp bán lẻ lấy từ nhiều nguồn. Bản chất hiện nay nếu như đại lý thấy chiết khấu không ổn có thể chấm dứt hợp đồng và tìm nguồn cung cấp khác có chiết khấu ổn hơn. Tuy nhiên, hiện trong thủ tục hành chính cung cấp đổi tên doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, cơ quan Nhà nước đôi lúc máy móc. cho rằng như thế là vi phạm. Theo ông Đông, hướng xử lý, những gì luật quy định và quan hệ dân sự thì không nên đưa vào nghị định. 

Về chi phí lợi nhuận định mức, ông Đông cho biết, Bộ Tài chính rất nỗ lực cùng Bộ Công Thương, nhưng diễn biến thị trường thời gian vừa qua, chi phí biến động liên tục, nên đôi khi cơ quan chức năng không thể điều chỉnh kịp theo những biến động thị trường quá nhanh. 

“Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến sửa Nghị định 95, 83. Việc tính chi phí, tính rà soát cần phải tính đúng, tính đủ và kịp thời cho doanh nghiệp. Theo tôi, chúng ta nên trả về thị trường nhiều hơn, trao quyền cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa”, ông Đông nói./.

Theo Baotintuc.Vn

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *