Doanh nghiệp cảng và vận tải biển vẫn đối diện khó khăn

Doanh nghiệp cảng và vận tải biển vẫn đối diện khó khăn

 Lợi nhuận doanh nghiệp ngành cảng biển giảm mạnh do kim ngạch xuất nhập khẩu và lượng thông quan suy yếu, trong khi chi phí tăng cao.
 
Hoạt động vận tải của Công ty cổ phần Gemadept. Ảnh minh họa: GMD

Giới phân tích nhận định, vẫn chưa có những tín hiệu khởi sắc để hoạt động cảng biển có thể sớm hồi phục.
Theo chuyên gia phân tích Bùi Ngọc Châu, CTCP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), sự yếu đi của hoạt động xuất nhập khẩu được phản ánh rõ rệt trong kết quả kinh doanh quý I/2023 của các công ty cảng biển niêm yết chủ chốt.
Cụ thể, các công ty có hoạt động chính là khai thác cảng như CTCP Gemadept (mã chứng khoán: GMD), CTCP Container Việt Nam (mã chứng khoán: VSC), CTCP Cảng Đình Vũ (mã chứng khoán: DVP) ghi nhận doanh thu thay đổi không đáng kể và biên lợi nhuận hoạt động sụt giảm.
Sản lượng chung suy giảm làm gia tăng sự cạnh tranh giá ở các cụm cảng biển, tác động tiêu cực lên biên lợi nhuận. Đối với những công ty hoạt động chủ yếu ở mảng vận tải biển như CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã chứng khoán: HAH), áp lực từ sản lượng suy giảm cùng với giá vận tải biển trở về mức thấp giai đoạn 2011-2019 sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận trong các quý tiếp theo của năm 2023.
Cụ thể quý I/2023, CTCP Gemadept có doanh thu tăng 2,5% so với cùng kỳ, đạt 901,9 tỷ đồng. Dù vậy, phần lãi, lỗ trong công ty liên doanh, liên kết giảm mạnh gần 83%, đạt hơn 21 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 125 tỷ đồng.
Nhiều chi phí trong quý I ghi nhận tăng mạnh như chi phí tài chính tăng 23%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 36%, lần lượt đạt gần 40 tỷ đồng và gần 97 tỷ đồng. Do đó, CTCP Gemadept báo lãi sau thuế giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 254 tỷ đồng.
Với CTCP Container Việt Nam, trong quý I/2023, doanh nghiệp này có doanh thu 467 tỷ đồng , đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhu cầu logistics và thông quan giảm dẫn đến chi phí tăng và gây áp lực giảm tỷ suất lợi nhuận gộp, xuống 29,4%, trong khi quý I/2022, con số này là 34,5%.
Quý I/2023, CTCP Container Việt Nam ghi nhận lợi nhuận gộp là 136,6 tỷ đồng, giảm tới 15,8% so với cùng kỳ. Ngoài ra, dư nợ vay của doanh nghiệp tăng vọt vào cuối năm 2022, chi phí tài chính trong đã tăng lên 28,3 tỷ đồng.
Cùng với việc tăng chi phí bán hàng và quản lý tới 37,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận hoạt động của CTCP Container Việt Nam giảm mạnh 53,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 60 tỷ đồng. Doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế là 42,8 tỷ đồng, giảm gần 70% so với cùng kỳ năm 2022.

Hoạt động của Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An (mã: HAH). Ảnh minh họa: TTXVN

CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An trong quý I/2023 có doanh thu 655,1 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cũng do giá vận tải biển ở mức thấp và nhu cầu vận tải suy yếu khiến biên lợi nhuận gộp trong quý I/2023 sụt giảm mạnh về mức 29,4% (quý I/2022, con số này là 52,1%) và ghi nhận lợi nhuận gộp ở mức 192,4 tỷ đồng, giảm 43,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của  công ty đạt 126,4 tỷ đồng, giảm gần 52% so với cùng kỳ năm ngoái.

CTCP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết, trong 4 tháng năm 2023, giá trị xuất nhập khẩu ghi nhận sụt giảm, ước đạt 210,7 tỷ USD giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu đạt 108,5 tỷ USD và 102,2 tỷ USD, lần lượt giảm giảm 11,8%  và15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất nhập khẩu liên tục giảm từ đầu năm 2023 phản ánh sự suy yếu về tiêu dùng ở các thị trường chính. 
Cùng đó, sản lượng thông quan cảng biển cũng ghi nhận giảm đáng kể. Trong quý I/2023, tổng khối lượng thông quan cảng biển Việt Nam ước đạt 165,2 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳnăm trước.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất thể hiện tín hiệu yếu đi trong 4 tháng năm 2023 khi chỉ số quản lý thu mua (PMI) liên tục ở dưới mức 50 cùng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) hầu như không ghi nhận tăng trưởng trong  tháng 4.
Chỉ số sử dụng lao động công nghiệp (LEI) 4 tháng năm 2023 suy giảm 3,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tăng trưởng về số dự án và vốn đầu tư FDI công nghiệp chậm lại.
Trong 4 tháng năm 2023, tổng số dự án lũy kế mặc dù tăng 3,2% so với cùng kỳ, đạt 16,149 dự án, nhưng tổng vốn chỉ đạt 265,5 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất từ năm 2019. Quy mô vốn/dự án tăng nhẹ lên mức 16,4 triệu USD/dự án.
Các chỉ số niềm tin tiêu dùng ở các thị trường chính hầu như không thay đổi và tiếp tục ở mức thấp trong 4 tháng năm 2023, mặc dù các thị trường vẫn ghi nhận tăng trưởng GDP thực. Người tiêu dùng lo ngại suy thoái kinh tế và tâm lý hạn chế chi tiêu nhiều khả năng sẽ tác động đến nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa và sản lượng thông quan ảm đạm trong năm 2023.
Theo chuyên gia phân tích Cao Ngọc Quân, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dòng chảy thương mại vẫn chưa phát đi những tín hiệu khởi sắc để giúp hoạt động cảng biển có thể sớm phục hồi trong ngắn hạn và triển vọng hoạt động cảng biển tương đối ảm đạm trong tương lai gần.
Việc giá trị nhập khẩu giảm sâu hơn giá trị xuất khẩu, bên cạnh tác động từ yếu tố giá, có thể hàm ý rằng các các đơn đặt hàng xuất khẩu còn khá yếu khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn chưa sẵn sàng cho việc nhập khẩu để tích trữ tồn kho nguyên liệu sản xuất./.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *