Doanh nghiệp thép vẫn rộng cửa xuất khẩu khi tiêu thụ trong nước giảm tốc

Doanh nghiệp thép vẫn rộng cửa xuất khẩu khi tiêu thụ trong nước giảm tốc

Hoạt động kinh tế trong nước đình trệ vì các lệnh giãn cách nhưng nhu cầu thép xuất khẩu vẫn rất lớn, đặc biệt là với sản phẩm tôn mạ và thép cuộn cán nóng (HRC).
Doanh nghiệp thép vẫn rộng cửa xuất khẩu khi tiêu thụ trong nước giảm tốc - Ảnh 1.

Kho sản phẩm HRC của Tập đoàn Hòa Phát. (Ảnh: Đức Quyền).

Trong nửa đầu năm nay, doanh nghiệp Việt Nam bán hơn 14 triệu tấn thép các loại, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, thị trường xuất khẩu ngày càng trở nên quan trọng hơn khi sản lượng tăng 84,4% lên 3,42 triệu tấn. Tỷ trọng xuất khẩu trong tổng tiêu thụ cải thiện từ chưa đầy 18% của cùng kỳ lên hơn 24,3%.

Tôn mạ là sản phẩm được xuất khẩu nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm nay với 1,46 triệu tấn, xấp xỉ mức cả năm 2020 và vượt cả năm 2019. Xuất khẩu thép cuộn cán nóng (HRC) cũng cải thiện vượt bậc khi tăng 127% so với nửa đầu năm ngoái, đạt 693.000 tấn.

Hoạt động xuất khẩu bứt tốc cho thấy nền kinh tế nhiều nước trên thế giới đang dần hồi phục từ hố sâu đại dịch COVID-19 trong khi năng lực sản xuất chưa bắt kịp.

Doanh nghiệp thép vẫn rộng cửa xuất khẩu khi tiêu thụ trong nước giảm tốc - Ảnh 2.

Doanh thu từ xuất khẩu đã đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh khả quan của nhiều doanh nghiệp đầu ngành thép của Việt Nam như Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG), Thép Nam Kim (Mã: NKG), …

Nửa đầu năm nay, Hoa Sen bán ra thị trường nước ngoài 614.000 tấn tôn mạ, chiếm 2/3 tổng sản lượng tiêu thụ của công ty. Nam Kim cũng xuất khẩu 305.000 tấn, chiếm tới 72%.

Tiêu thụ trong nước xuống dốc

Giá thép xây dựng tăng nóng trong 5 tháng đầu năm nay nhưng đã hạ nhiệt trong tháng 6 và 7. Ví dụ cụ thể, từ ngày 21/6, Hòa Phát giảm giá thép cuộn 600.000 đồng/tấn và giảm giá thép thanh 200.000 đồng/tấn. Từ ngày 1/7, giá thép cuộn và thép thanh cùng giảm 300.000 đồng/tấn.

Cùng với đó, sản lượng tiêu thụ thép trong các tháng 4, 5 và 6 đều giảm so với cao điểm trong tháng 3.

Doanh nghiệp thép vẫn rộng cửa xuất khẩu khi tiêu thụ trong nước giảm tốc - Ảnh 3.

Từ giữa tháng 7 đến nay, hàng chục tỉnh thành của nước ta đã phải giãn cách theo Chỉ thị 16 để chống dịch COVID-19, các dự án xây dựng dân dụng đã phải tạm dừng hoặc hoãn lại. Chỉ những dự án đầu tư công cấp thiết và quan trọng là được phép tiếp tục triển khai và phải đảm bảo phòng dịch nghiêm ngặt.

Chứng khoán HSC cho rằng nhu cầu nội địa đối với sản phẩm thép (gồm thép xây dựng và ống thép) trong quý III sẽ chịu ảnh hưởng nặng vì giãn cách xã hội. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh dần được khống chế thì nhu cầu “bị dồn nén” sẽ giúp sức tiêu thụ thép hồi phục.

Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận tiêu thụ thép xây dựng tháng 7 đạt 363.000 tấn, tăng 58% so với tháng liền trước và tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo giải thích của Hòa Phát, sản lượng bán hàng vẫn tăng trong mùa dịch là nhờ các dự án đầu tư công trọng điểm như cầu đường, bệnh viện, sân bay tiếp tục được thi công.

Bên cạnh đó, các biện pháp giãn cách được áp dụng nghiêm ngặt nhất tại các tỉnh thành phía nam, đây là khu vực chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng nhu cầu thép xây dựng của Hòa Phát. Theo HSC, miền Nam chỉ đóng góp 10,7% sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát trong tháng 6 và 16,2% trong nửa đầu năm 2021.

Kỳ vọng vào ưu thế xuất khẩu

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết sự tăng trưởng của thị trường xuất khẩu đã giúp làm giảm áp lực nguồn cung cho thị trường trong nước thời gian qua.

Theo phân tích mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), doanh nghiệp tôn mạ Việt Nam sở hữu một số lợi thế cạnh tranh về giá so với các đối thủ nước ngoài.

Cụ thể, chênh lệch giá giữa EU và Việt Nam ngày càng nới rộng và dao động trong khoảng 300-530 USD/tấn. VDSC ước tính ước tính biên lợi nhuận gộp của các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể dao động từ 15% đến 25% trong nửa cuối năm 2021.

Giả sử việc sản xuất mỗi tấn thép (bằng lò cao BOF) cần thải ra 1,85 tấn CO2, chi phí sản xuất ở EU sẽ cao hơn 120 USD so với Việt Nam và Ấn Độ do tốn chi phí cho quyền phát thải.

Giá điện dao động trong khoảng 150-330 USD/MWh ở EU và 77 USD/MWh ở Việt Nam. Chi phí điện ở EU sẽ cao hơn 15-35 USD cho mỗi tấn thép sản xuất.

Thép được sản xuất bằng lò điện chiếm 40% sản lượng thép ở châu Âu và có giá thành sản xuất cao hơn 15%-20% so với thép sản xuất bằng lò cao (BOF).

VDSC cho rằng tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) sẽ tích cực nhờ nhu cầu mạnh mẽ của các nhà sản xuất hạ nguồn.

Doanh nghiệp thép vẫn rộng cửa xuất khẩu khi tiêu thụ trong nước giảm tốc - Ảnh 5.

Giá bán HRC trong quý III nhiều khả năng vẫn ở mức cao do Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang EU và Bắc Mỹ, những thị trường vốn cấm thép có xuất xứ từ Trung Quốc

Trong năm 2022, VDSC kỳ vọng mức tiêu thụ HRC sẽ vẫn ở mức cao. Chênh lệch giá thép cao giữa EU – Bắc Mỹ và Việt Nam cho phép Hòa Phát và Formosa xuất khẩu với lợi nhuận tốt. Bên cạnh đó, sản lượng tôn mạ có thể vẫn tích cực nhờ giá thép cạnh tranh ở Việt Nam và lĩnh vực xây dựng ở EU – Bắc Mỹ tiếp tục phục hồi.

Trong nửa đầu năm nay, Formsa sản xuất 2,33 triệu tấn HRC, xuất khẩu 694.000 tấn. Hòa Phát cho ra lò 1,33 triệu tấn, hoàn toàn tiêu thụ trong nước. Trong nửa cuối 2021, Hòa Phát có thể bắt đầu xuất khẩu trực tiếp HRC hoặc hưởng lợi gián tiếp từ việc bán HRC làm nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ trong nước như Hoa Sen, Nam Kim.

  • Hòa Phát và Hoa Sen chiếm gần 80% lợi nhuận ngành thép quý II

Theo Chứng khoán HSC, các đơn hàng HRC của Hòa Phát được ký theo hợp đồng kỳ hạn hiện vẫn tốt. Tác động tiêu cực đến mảng tôn mạ và HRC trong quý III được cho là tương đối hạn chế.

Về giá bán sản phẩm, giá HRC trong quý III nhiều khả năng sẽ vẫn ở mức cao là 973 USD/tấn (tăng 24,8% so với quý trước) trong khi giá thép xây dựng giữ nguyên trong tháng 7.

Giá HRC và tôn mạ xuất khẩu cao sẽ tiếp tục giúp tỷ suất lợi nhuận của Hòa Phát tăng trong quý III và bù lại ảnh hưởng tiêu cực của mảng thép xây dựng.

Theo VDSC, tiêu thụ có thể phục hồi trong quý IV nhờ yếu tố mùa vụ và các dự án bị hoãn lại trong quý III, nhưng vẫn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Nhu cầu yếu cùng chi phí sản xuất tăng sẽ đặt áp lực lên biên lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất thép xây dựng trong nửa cuối 2021.

HSC tỏ ra lạc quan khi cho rằng nếu đợt bùng phát dịch COVID-19 hiện tại dần được kiểm soát vào cuối tháng 8, lợi nhuận quý III/2021 của Hòa Phát vẫn tăng so với cùng kỳ, thậm chí tăng so với mức kỷ lục trong quý II/2021.

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *