Doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”: Vừa làm, vừa lo

Doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”: Vừa làm, vừa lo

Không để đứt gãy chuỗi sản xuất, nhiều doanh nghiệp (DN) đã và đang thực hiện mô hình “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn, nghỉ tại cùng một địa điểm). Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, chi phí thực hiện mô hình này tăng cao, đang gây áp lực cho DN.

Sau khoảng 1 tháng thực hiện “3 tại chỗ” nhưng nhiều DN nhất là khu vực phía Nam đã gặp nhiều khó khăn khi vừa lo thiếu hụt nguồn nguyên liệu, vừa chịu chi phí logistics tăng… Với DN không thể bố trí chỗ ăn ngủ tại nơi sản xuất thì khó khăn còn lớn hơn, do phải thuê nơi ở gần nhà máy cho người lao động.

Thực tế tại Bắc Ninh – một trong những địa phương sớm thực hiện thành công mô hình “3 tại chỗ”, nhưng ông Vương Quốc Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh – thừa nhận, đây là việc rất khó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Một trong những điểm quan trọng nhất, đảm bảo cho sản xuất an toàn của Bắc Ninh là kiểm soát công nhân đầu vào. Tất cả đối tượng ra vào công ty phải được xét nghiệm RT-PCR ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày. Không lấy kết quả test nhanh. Tuyệt đối không để đối tượng nào không test RT-PCR lọt vào nhà máy; đồng thời có phương án xử lý các ca nhiễm F0 nếu không may xuất hiện trong nhà máy…

Doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”: Vừa làm, vừa lo
Nhiều doanh nghiệp không thể bố trí chỗ ăn, ngủ tại nơi sản xuất

Trong khi đó, tại các tỉnh phía Nam rất nhiều DN không có sự chuẩn bị về vùng đệm, cách ly trước khi sản xuất; cộng với quy mô DN chủ yếu là vừa và nhỏ, khiến việc áp dụng mô hình gặp khó khăn.

Mặc dù thừa nhận là khó, nhưng lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng như nhiều chuyên gia kinh tế vẫn khẳng định, đây là phương án tốt nhất để DN vẫn sản xuất ở mức tối thiểu, nhằm giữ chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Tuy nhiên, DN phải có sự chuẩn bị thật tốt, trong đó, phải có sự đồng lòng của người lao động, chính quyền phải hỗ trợ tối đa cho DN, các chính sách cũng linh hoạt, không theo công thức cứng nhắc.

Trước những khó khăn của DN, và việc xuất hiện sự đổ vỡ của mô hình “3 tại chỗ” ở một số nhà máy có ca nhiễm F0 tăng lên, mới đây, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm hạn chế sự đứt gãy chuỗi sản xuất. Điểm nổi bật là những bất cập trong áp dụng mô hình “3 tại chỗ” và việc đảm bảo các chuỗi vận tải hàng hóa, xuất nhập khẩu. Theo đó, việc áp dụng mô hình nên tính toán thực hiện ở các địa phương mà tình hình dịch bệnh vẫn ở diện “kiểm soát được”. Còn tại TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam, với mức độ lây lan dịch bệnh trong thời gian dài, mầm bệnh ủ ở nhiều khu vực và trên nhiều người lao động thì các nhà máy “3 tại chỗ” khả năng bùng phát dịch bệnh sẽ rất cao.

Ban này cũng đề xuất Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì họp khẩn cấp với các tỉnh, có thể mời đại diện DN, hiệp hội tham gia để đánh giá tình hình, bàn bạc thấu đáo giải pháp nhằm tìm ra phương án có khả năng giảm thiểu thiệt hại lớn nhất cho cả địa phương và DN.

Thông tin từ một số DN cho thấy, chỉ nên áp dụng “3 tại chỗ” ở thời điểm dịch bệnh chưa lây lan quá rộng, xác suất công nhân bị nhiễm bệnh thấp. Để giảm thiểu rủi ro, cần phân tán công nhân trên diện rộng trong khuôn viên nhà máy, theo từng phân xưởng, để nếu có ca nhiễm chỉ bị trên diện hẹp.

Báo Công Thương

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *