Giá dầu châu Á biến động trái chiều trong phiên chiều 5/1

Giá dầu châu Á biến động trái chiều trong phiên chiều 5/1

Viện Dầu mỏ Mỹ (API) ngày 4/1 thông báo dự trữ xăng dầu của Mỹ trong tuần tính đến ngày 31/12 tăng 7,1 triệu thùng, trong khi dự trữ các sản phẩm chưng cất tăng 4,4 triệu thùng.
Giá dầu châu Á biến động trái chiều trong phiên chiều 5/1. Ảnh minh họa: Reuters

Giá dầu châu Á biến động trái chiều trong phiên chiều ngày 5/1, giữa bối cảnh giới đầu tư đánh giá tác động bởi số ca lây nhiễm COVID-19 do biến thể mới Omicron tăng đột biến. Thông tin dự trữ nhiên liệu của Mỹ tăng cao cũng phần nào gây sức ép lên giá dầu.
Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 4 xu Mỹ (hoặc 0,03%) xuống 80,04 USD/thùng vào lúc 14 giờ 16 phút (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2 xu Mỹ (0,03%) lên 77,01 USD/thùng.
Mỹ báo cáo gần 1 triệu ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày 3/1, gần gấp đôi so với mức đỉnh mà nền kinh tế lớn nhất thế giới thiệt lập vào tuần trước.
Viện Dầu mỏ Mỹ (API) ngày 4/1 thông báo dự trữ xăng dầu của Mỹ trong tuần tính đến ngày 31/12 tăng 7,1 triệu thùng, trong khi dự trữ các sản phẩm chưng cất tăng 4,4 triệu thùng.
Các kho dự trữ tăng cao, vượt quá dự báo của giới phân tích, từ đó làm suy yếu triển vọng lạc quan từ các nhà đầu tư trong phiên trước khi giá dầu tăng hơn 1%, trong bối cảnh những người tham gia thị trường xem quyết định tăng thêm nguồn cung của các nhà sản xuất là dấu hiệu tin tưởng rằng sự gia tăng số ca lây nhiễm COVID-19  sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu về lâu dài.
Chuyên gia nghiên cứu hàng hóa cấp cao Sugandha Sachdeva thuộc công ty dịch vụ tại chính Religare Broking (Ấn Độ) cho rằng sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ tăng khi ngày càng có nhiều nhà sản xuất quay trở lại khai thác, tác động xấu tới giá dầu mỏ.
Trong khi đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu đồng minh, còn gọi là OPEC+, ngày 4/1 nhất trí tuân thủ kế hoạch tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 2/2022 dựa trên các dấu hiệu cho thấy biến thể Omicron sẽ chỉ có tác động nhỏ đến nhu cầu.
Giới chuyên gia nhận định thị trường đang chịu tác động của hai xu hướng. Một mặt, giới đầu tư ngày càng hy vọng biến thể Omicron có thể báo trước COVID-19 chuyển dịch từ đại dịch sang một căn bệnh dễ kiểm soát hơn, ít nhất là ở những nơi có mật độ tiêm chủng cao của thế giới. Nhưng mặt khác, giá dầu có thể bị ảnh hưởng bởi nhận định rằng nhiều quốc gia vẫn cảnh giác cao độ và nhiều chính phủ không sẵn sàng nới lỏng các hạn chế khi số ca lây nhiễm tăng đột biến./.

Hà Chung (Theo Reuters)

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *