Giá dầu châu Á chiều 22/11 thoát khỏi mức “đáy” của bảy tuần

Giá dầu châu Á chiều 22/11 thoát khỏi mức “đáy” của bảy tuần

Một yếu tố khác tác động lên giá dầu là các nước châu Âu có khả năng tái áp đặt các biện pháp phong tỏa trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 một lần nữa tăng.

Giá dầuchâu Á thoát khỏi mức đáy của bảy tuần trong chiều 22/11 nhưng vẫn chịu sức ép sau khi Nhật Bản cân nhắc “giải phóng” các kho dự trữ dầu và trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tại châu Âu xấu đi, làm dấy lên những lo ngại về cả tình trạng dư cung và nhu cầu suy yếu.

Giá dầu châu Á chiều 22/11 thoát khỏi mức “đáy” của bảy tuần. Ảnh: TTXVN phát

Khép phiên chiều 22/11, giá dầu Brent biển Bắc giảm 26 xu Mỹ (0,3%) xuống 78,63 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 12 xu Mỹ (0,2%) xuống 75,82 USD/thùng.
Một nhà giao dịch tại Singapore cho hay thị trường năng lượng đang trong trạng thái bấp bênh trong bối cảnh việc “giải phỏng” dầu tại các kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR) vẫn chưa được định giá đầy đủ.
Giá dầu WTI và dầu Brent đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 1/10 lúc đầu phiên. Giá hai loại dầu chủ chốt này đã giảm khoảng 3% trong phiên 19/11, giảm tuần thứ tư liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020.
Ngày 20/11, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đánh tín hiệu rằng ông sẵn sàng hỗ trợ ngăn chặn giá dầu tăng vọt sau khi Mỹ yêu cầu “giải phóng” dầu khỏi kho dự trữ khẩn cấp, trong một động thái chưa từng có. Nhật Bản đang tìm cách để thông qua một luật cho phép “giải phóng” dầu dự trữ chỉ trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung hoặc thảm họa thiên nhiên.
Nhà Trắng ngày 19/11 đã một lần nữa thúc giục Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) duy trì nguồn cung toàn cầu đầy đủ, vài ngày sau cuộc thảo luận của Mỹ với một số nền kinh tế lớn nhất thế giới về khả năng giải phóng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược để “chấm dứt” tình trạng giá năng lượng cao.
Các nhà phân tích của ngân hàng Citi Group (Mỹ) cho biết tổng số lượng dầu được “bơm” vào thị trường từ nguồn SPR có thể ở mức 100-120 triệu thùng hoặc thậm chí cao hơn, trong đó có 45-60 triệu thùng từ Mỹ, khoảng 30 triệu thùng từ Trung Quốc, 5 triệu thùng từ Ấn Độ và 10 triệu thùng mỗi nước từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Một yếu tố khác tác động lên giá dầu là các nước châu Âu có khả năng tái áp đặt các biện pháp phong tỏa trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 một lần nữa tăng. Đức ngày 19/11 cảnh báo nước này có thể sẽ cần phải thực hiện phong tỏa hoàn toàn sau khi Áo thông báo sẽ tái áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn số ca mắc COVID-19 gia tăng.
Tình hình dịch bệnh tại châu Âu ngày càng xấu đi và hoạt động bán ra chốt lời xuất hiện vào dịp cuối năm đã làm gia tăng sự bất ổn trên thị trường.
Nhà đầu tư cũng đang dõi theo những diễn biến địa chính trị tại khu vực Trung Đông sau khi truyền thông Saudi Arabia ngày 22/11 đưa tin về những tác động bất lợi tiềm ẩn đối với hàng hải và thương mại toàn cầu ở phía nam Biển Đỏ./.

Minh Hằng (Theo Reuters)

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *