Giá dầu châu Á chiều 28/3 giảm hơn 5 USD

Giá dầu châu Á chiều 28/3 giảm hơn 5 USD

Tetsu Emori, giám đốc điều hành của công ty quản lý quỹ Emori Fund Management (Nhật Bản), cho rằng giá dầu có thể sẽ duy trì trên mức 100 USD/thùng trong một khoảng thời gian.

Giá dầu châu Á giảm hơn 5 USD/thùng trong chiều 28/3 do lo ngại ngày càng tăng về nhu cầu nhiên liệu suy yếu tại Trung Quốc sau khi trung tâm tài chính Thượng Hải (Trung Quốc) tiến hành phong tỏa giai đoạn 2 để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Giá dầu châu Á chiều 28/3 giảm hơn 5 USD. Ảnh: THX/TTXVN

Thị trường năng lượng đã khởi động một tuần biến động khác, bên cạnh căng thẳng Nga-Ukraine chưa có hồi kết và việc Trung Quốc mở rộng các đợt phong tỏa do COVID-19 trong bối cảnh Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, còn Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất.
Vào lúc 14 giờ 31 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc giảm 5,15 USD/thùng (4,3%) xuống 115,5 USD/thùng. Trong phiên này, giá loại dầu chủ chốt này đã có lúc “trượt” xuống 115,32 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ WTI giảm 5,3 USD/thùng (4,7%) xuống 108,60 USD/thùng, sau khi chạm mức 108,28 USD/thùng trong phiên. Giá hai loại dầu chủ chốt này đều tăng 1,4% trong phiên 25/3, đánh dấu tuần tăng giá đầu tiên trong ba tuần, trong đó dầu Brent tăng 11,8%, còn dầu WTI tăng 8,8%.
Kazuhiko Saito, nhà phân tích của công ty dịch vụ tài chính Fujitomi Securities Co Ltd., có trụ sở tại Nhật Bản, nhận định việc thành phố Thượng Hải phong tỏa để chống dịch COVID-19 đã thúc đẩy hoạt động bán ra từ các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ không xảy ra tình huống như vậy.

Thượng Hải đã triển khai đợt phong tỏa giai đoạn 2 vào ngày 28/3, đóng cửa/hạn chế các kênh giao thương như cầu, kênh và đường cao tốc để ngăn chặn số ca mắc COVID-19 trong vùng gia tăng.
Ông Saito cho biết thêm thị trường dầu đã phản ứng khá tích cực sau thông tin lực lượng Houthis ở Yemen có hành động quân sự đối với một cơ sở phân phối dầu của Saudi Arabia hôm 25/3. Ông dự đoán thị trường dầu sẽ tăng giá khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, sẽ nhóm họp vào ngày 31/3, trong đó nhóm này ít có khả năng tăng sản lượng dầu với tốc độ nhanh hơn so với những tháng gần đây.
Các nhà phân tích có những ước tính khác nhau về những thiệt hại từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước đồng minh đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga sua khi nước này tiến hành chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine. Một số người cho rằng khoảng 1-3 triệu thùng dầu/ngày của Nga không được “tung ra” thị trường.
Nga đã xuất khẩu 4,7 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2021, trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia.

Đến nay, OPEC+ vẫn miễn cưỡng với lời kêu gọi tăng sản lượng từ các nước tiêu thu lớn. OPEC+ đang tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày kể từ tháng 8/2021.
Tetsu Emori, giám đốc điều hành của công ty quản lý quỹ Emori Fund Management (Nhật Bản), cho rằng giá dầu có thể sẽ duy trì trên mức 100 USD/thùng trong một khoảng thời gian do nguồn cung trên toàn cầu sẽ thắt chặt hơn do thiếu sự “góp mặt” của dầu Nga, trong khi Mỹ đang chuẩn bị bước vào mùa dịch chuyển.
Lượng dầu dự trữ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 2014. Một nguồn tin cho hay nhằm giúp xoa dịu tình hình nguồn cung thắt chặt, Mỹ đang cân nhắc có thêm một đợt giải phóng dầu từ Kho Dự trữ Chiến lược (SPR), ước tính con số có thể lớn hơn mức 30 triệu thùng hồi đầu tháng này.
Các nhà khoan dầu Mỹ đã bổ sung thêm số lượng giàn khoan dầu mới trong tháng thứ 19 liên tiếp nhưng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2020 mặc dù chính phủ đã thúc giục các nhà sản xuất tăng sản lượng./.

Minh Hằng (Theo Reuters)

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *