Giá dầu châu Á đi xuống chiều 15/12 do nỗi lo về triển vọng nhu cầu năng lượng

Giá dầu châu Á đi xuống chiều 15/12 do nỗi lo về triển vọng nhu cầu năng lượng

Giá dầu châu Á giảm trong phiên chiều 15/12 do đồng USD mạnh lên, trong khi khả năng các ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục tăng lãi suất cũng dấy lên lo ngại về nhu cầu năng lượng.
Giá dầu châu Á đi xuống chiều 15/12 do nỗi lo về triển vọng nhu cầu năng lượng. Ảnh: TTXVN phát

Phiên này, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 64 xu Mỹ (tương đương 0,8%) xuống 82,06 USD/thùng vào lúc 14 giờ 30 phút (giờ GMT). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 73 xu Mỹ (0,9%) xuống 76,55 USD/thùng.


Cả hai hợp đồng tương lai trên đều giảm khi đồng USD tăng giá. Đồng bạc xanh mạnh hơn thường làm suy yếu nhu cầu dầu, vì diễn biến đó khiến giá “vàng đen” trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Yếu tố chính tác động lên thị trường trong phiên này là việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell hôm 14/12 cho biết ngân hàng trung ương này sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào năm tới, ngay cả khi nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ suy thoái.
Bà Tina Teng, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường CMC Markets, cho biết giá dầu đang chịu áp lực khi chính sách “diều hâu” của Fed đối với chính sách tiền tệ làm dấy lên những lo ngại mới về triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Chuyên gia Teng cũng lưu ý số liệu kinh tế tháng 11 thấp hơn nhiều so với dự kiến của Trung Quốc càng khiến triển vọng nhu cầu trở nên u ám hơn.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã mất đà tăng trưởng khi sản lượng của các nhà máy chậm lại và doanh số bán lẻ tiếp tục sụt giảm. Cả hai số liệu trên đều không đạt được mức dự báo, thậm chí rơi xuống mức tồi tệ nhất trong sáu tháng giữa bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng tại nước này.
Một yếu tố khác cũng gây áp lực lên giá dầu là tập đoàn năng lượng TC Energy Corp của Canada cho biết họ sắp nối lại hoạt động trong một phần của đường ống Keystone. Thông tin này được đưa ra một tuần sau vụ rò rỉ hơn 14.000 thùng dầu ở vùng Kansas, Mỹ khiến toàn bộ đường ống phải đóng cửa để khắc phục.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu đã được hạn chế phần nào bởi các dự báo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ phục hồi vào năm 2023, sau khi giảm 400.000 thùng/ngày trong năm nay./. 

H.Thủy (Theo Reuters)

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *